8 giờ sáng, bà Võ Thị Yến - Chủ nhân của chiếc cano duy nhất chuyển khách từ Đảo Lớn qua đảo An Bình hối hả giục khách: “Mùa này còn mỗi tui chở khách thôi. Nhanh lên bà con ơi, đi lẹ rồi về lẹ”.
Hơn 10 người khách nhanh chóng ổn định chỗ ngồi. Cano rẽ những con sóng bạc, lướt nhanh về hướng đảo An Bình. Trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, chiếc cano nhỏ chồm lên những con sóng ngang, nước lớn khiến những người khỏe nhất cũng cảm thấy nôn nao. Sau 20 phút, cano cập bờ. Nhóm người chủ yếu là dân bản xứ rảo bước trên cầu cảng và tản mát về các hướng. Bà Yến nói với theo: “11 giờ về Đảo Lớn nghen mọi người, nhớ đúng giờ!”.
Bước qua cổng chào, đập vào mắt là những mái tôn trống huơ trống hoác của các hàng quán. Ông Bùi Long chép miệng: “Cả tháng trời bị cô lập, bà con chia sẻ nhau mấy tấm tole cũ vá víu tạm thời. Mấy bữa trước có tàu chở tole hỗ trợ bà con nên cũng sửa được kha khá rồi. Còn mấy hàng quán gần cầu cảng mùa này chưa hoạt động nên cũng chưa sửa sang gì. Trời đất, 70 năm sống ở đây mà chưa thấy trận bão nào lớn vậy!”.
Dọc theo con đường chính trên đảo An Bình, nơi được gọi "thiên đường" du lịch với biển xanh trong vắt, rạn san hô muôn màu trên đá trầm tích núi lửa hàng triệu năm mà không tránh khỏi thảng thốt. Cây cối xác xơ, tiêu điều, những bungalow ngổn ngang… Đã hơn 1 tháng kể từ khi cơn bão số 9 quét qua, người dân trên đảo An Bình dường như vẫn chưa nguôi bàng hoàng.
Trong cơn nắng yếu ớt trước ngày thời tiết tiếp tục chuyển xấu, anh Bùi Minh - Chủ cơ sở homestay Alabin đang khẩn trương dọn dẹp và sửa chữa những hư hỏng.
“Bão số 9 đã làm chết toàn bộ cây cối của homestay, phòng ốc cũng hư hại nhiều. Giờ tranh thủ làm lại mái nhà, chứ mưa tới không biết ở đâu”, anh Minh cho hay.
Theo anh Minh, đảo An Bình đã hàng tháng liền bị cô lập do thời tiết xấu, việc khôi phục lại càng khó khăn hơn.
“Mọi nguyên vật liệu chuyển lên đảo này đều có giá cao hơn gấp 2, gấp 3 lần so với đảo Lớn. Đã vậy mà biển động, không có tàu nên vừa sau bão số 9 đã bắt tay vào khắc phục nhưng đến giờ này vẫn còn ngổn ngang”, anh Minh chia sẻ.
Anh Bùi Minh là một trong những người tiên phong làm du lịch khám phá, trải nghiệm ở Lý Sơn nói chung và đảo An Bình nói riêng. Xót xa nhìn công sức gầy dựng bao lâu của mình tan tác do thiên tai, chàng thanh niên rắn rỏi cố giấu nỗi buồn sau nụ cười nhẹ. “Trời lấy mà, biết làm sao được? Đành cố gắng sửa sang, vay mượn thêm rồi nâng cấp. Bây giờ phải làm theo hướng thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, chứ năm nào cũng bão, mà lỡ bão lớn như vừa rồi thì lại mất hết”.
Cách đó không xa, hàng chục căn bungalow được dựng hoàn toàn bằng tre nứa, lợp lá bên cạnh bờ biển của homestay Be Ecolodge cũng tan tành sau bão.
Ông Lê Phước - Quản lý homestay này không giấu được vẻ mệt mỏi: “Mấy bữa trước chính quyền với các tổ chức hảo tâm cho tole để sửa nhà. Nhà tui vừa sửa xong, giờ qua tới đây thấy mệt luôn. Tan hoang cả! 12 cái bungalow rồi cả tường rào, camera trang trí này kia đầu tư cũng tầm 700 triệu đồng”.
Lắc đầu ngao ngán, ông kể thêm: “Làm cái khu này, chủ nhân cũng phải vay mượn thêm và giờ vẫn còn nợ ngân hàng. Bão làm hư hỏng hết, giờ chưa biết khi nào khôi phục. Vật liệu chuyển qua bên này cũng khó nên nếu làm lại chắc phải cả tỷ bạc chứ không ít. Bà chủ ở bên Đảo Lớn nên giao tui làm quản lý ở đây, nhưng năm nay du lịch không ra gì, thêm cơn bão lớn này nữa nên bà ấy cũng khó, bả nợ tiền lương tui mấy tháng rồi ấy chứ. Nhưng thông cảm, từ từ rồi bả trả. Người nhà cả mà…”.
Đảo An Bình những năm gần đây đã có khởi sắc bởi du lịch phát triển, đời sống người dân dần được cải thiện. Nhưng qua cơn cuồng phong, hòn đảo nhỏ này xác xơ và im ắng đến lạ kỳ. Trong không gian chỉ vẳng đến thanh âm khô cứng của những mái tole trống đang được vội vã lấp đầy.
Tiếp tục di chuyển ra hướng các ruộng hành tỏi phủ đầy cát trắng nằm giữa những hàng cây tàn úa bởi nước biển theo gió bay vào đất liền. Vụ cũ chưa tới kỳ thu hoạch đã bị mưa bão phá tan, vụ mới vẫn chưa kịp xuống vì thời tiết còn diễn biến phức tạp.
Dừng lại lau mồ hôi trên trán, bà Nguyễn Thị Tươi mệt mỏi: “Chưa có năm nào như năm nay, bão gì mà lớn quá. Covid vừa xong, làm được 1 tháng thì lại Covid tiếp. Sau đó xuống giống, đang chăm bón thì bão tới. Số 6 rồi tới số 13, mùa màng đi theo bão luôn rồi!”.
Theo bà Tươi, khác với Đảo Lớn, bên đảo An Bình ít nước nên xuống giống là làm chung cả hành lẫn tỏi. Đợt rồi 5 sào hành, tỏi của nhà bà hư gần hết, chỉ vớt vát được một ít. Đỡ được chừng nào hay chừng đó.
“Sơ sơ đã mất 50 triệu đồng. Mọi năm trước chạy xe ôm cho khách du lịch còn kiếm được tiền, giá cả hành tỏi cũng đỡ. Năm nay vừa dịch, vừa bão nên thất bát. Chưa biết tính sao đây!”, dứt lời, bà Tươi lại khom lưng đẩy chiếc xe rùa chở những bó hành tím teo tóp từ ruộng đi về nhà. Bóng người gầy nhỏ đổ nghiêng theo con nắng nhạt…
Tiếng chuông điện thoại bất ngờ reo, giọng bà chủ cano gấp gáp: “Về thôi em ơi, 10 giờ cano chạy, trời “săn” lắm rồi! Trễ nữa sợ về không được!”.
Quay lại cầu cảng, nhóm người vừa lên đảo chưa đầy một tiếng rưỡi đã vội vàng rời đi. Ngoái nhìn lại đảo An Bình, bà Võ Thị Yến thở dài: “Cái năm gì mà ác nghiệt, 2 trận dịch Covid-19 trúng ngay cao điểm du lịch. Vừa tạm yên thì mưa bão ập đến. Bão chồng bão… Năm nay chắc không ít người đói!”.
Theo thống kê của ngành chức năng, chỉ tính riêng bão số 9 đã làm Lý Sơn thiệt hại hơn 130 tỷ đồng. Trong đó, ngành du lịch bị tổn thất nặng nề với hàng ngàn cây xanh bị chết, đổ ngã; 21/59 cơ sở thờ tự, di tích trên địa bàn bị thiệt hại; 7 phương tiện ca nô bị hư hỏng. Đối với cơ sở lưu trú, có 34 nhà nghỉ, khách sạn, homestay bị hư hại. Trong đó, tại đảo An Bình, có 9 sơ sở lưu trú bị hư hại, nhiều homestay thiệt hại từ 80 - 100%. |