Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đang "Đi qua ngày biển động"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Gần đây, qua những phát biểu của anh trên báo chí, đặc biệt là đợt LHPVN lần thứ 16 tại TP.HCM, có vẻ như anh chưa hài lòng với chất lượng của phim Việt thời gian gần đây.

KTĐT - Gần đây, qua những phát biểu của anh trên báo chí, đặc biệt là đợt LHPVN lần thứ 16 tại TP.HCM, có vẻ như anh chưa hài lòng với chất lượng của phim Việt thời gian gần đây. Đã biết những điểm yếu của phim Việt và không hài lòng với sự dễ dãi, chắc anh cũng không dễ dàng chấp nhận những kịch bản loại "bình bình". Vậy, Đi qua ngày biển động là một kịch bản thế nào?

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Kịch bản Đi qua ngày biển động được nhà văn Trần Thị Bảo Châu chuyển thể từ hai cuốn tiểu thuyết Đi qua ngày biển động và Mắt thuyền xưa, vì vậy nó có nhiều yếu tố thuyết phục tôi. Việc kịch bản được chính tác giả chuyển thể cũng khiến cho mạch phim đồng nhất, các tuyến nhân vật rạch ròi. Buồn chán, nhạt và nông cạn là thứ mà người ta vẫn gửi cho tôi hàng tuần gọi là kịch bản. Lâu rồi tôi lại có cảm hứng để đọc liền mạch một bộ kịch bản. Sau đó tôi có gặp tác giả hai lần để trao đổi về việc phát triển ý tưởng, điều mà tôi không mấy khi làm. Ba tháng vừa chọn cảnh, vừa viết kịch bản đạo diễn, chúng tôi tiến hành sản xuất. Phim xoay quanh những quan tâm cũng như những mối quan hệ của giới trẻ  trong đời sống đương đại.

Nghe anh nói, chắc bộ phim tương lai sẽ rất hấp dẫn?

- Đây là một phim tâm lý đầy cảm xúc mang tính văn hóa biểu hiện. Nó cần tới sự hỗ trợ của nhiều thành phần như quay phim, họa sĩ thiết kế, nhạc sĩ mới thể hiện hết được bề sâu của câu chuyện. Đối tượng của Đi qua ngày biển động là giới trí thức trẻ và tầng lớp trung niên.

Câu chuyện diễn ra ở Phú Quốc và TP. HCM, vậy tại sao anh lại chọn Hà Nội và các vùng biển phía Bắc để thực hiện bộ phim này, trong khi đây là dự án được TFS đầu tư, nếu được làm ở phía Nam càng thuận lợi chứ sao?

- Phim này quay biển nhiều. Biển phía Nam đẹp bởi trời nước xanh hút tầm mắt. Biển phía Bắc đẹp vì có núi non nhấp nhô ngoài khơi xa. Chúng tôi chọn Hà Nội, Hạ Long để quay biển và những nội cảnh. Ngoại cảnh vẫn quay ở Sài Gòn và Phú Quốc.

Được biết bộ phim có tới hơn 100 diễn viên tham gia. Những bộ phim đầu tiên của anh, Tuấn Tú là gương mặt được xem là "cặp bài trùng" của Tuấn Dũng. Còn bây giờ lại là Võ Thành Tâm? Anh có nghĩ, việc sử dụng 1 diễn viên liên tiếp trong các phim sẽ tạo cho khán giả cảm giác bị nhàm nếu đó không phải là một người thực sự tài năng và có bản lĩnh để nhập thân vào các nhân vật có hoàn cảnh khác nhau?

- Võ Thành Tâm là một diễn viên đóng được nhiều loại vai. Tôi cũng muốn mời Tuấn Tú một vai khác trong phim này nhưng cậu ấy bận phim khác mất rồi. Thực ra người diễn viên  chỉ mang trong mình phần xác, người đạo diễn phải biết thổi hồn nhân vật vào họ. Nói thì đơn giản vậy nhưng đôi khi tôi cũng không mấy thành công. Nhiều diễn viên không nghiên cứu kỹ vai diễn, làm việc hoàn toàn bản năng, tự biến mình thành một cái máy diễn.

Còn Bảo Yến, cô gái đánh đàn bầu đang là sinh viên năm nhất Khoa nhạc cụ dân tộc (Trường ĐHSK&ĐA). Liệu vai diễn trong phim này có quá sức với một cô gái trẻ như Yến không?

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đang "Đi qua ngày biển động" - Ảnh 1
 Diễn viên Bảo Yến trong phim Đi qua ngày biển động.

- Tôi đã có thời gian làm việc với Bảo Yến, cô ấy đã làm tốt hai vai chính trong phim truyền hình của tôi. Bây giờ là phim thứ ba. Cô ấy có tố chất bản năng và lòng yêu nghề. Tôi nghĩ tương lai Bảo Yến còn đi xa nữa.

Khi làm phim chiến tranh và hình sự, anh hay nói đến phong cách phim hành động của Mỹ như một nỗ lực để tạo dấu ấn riêng của Bùi Tuấn Dũng trong làng phim Việt. Còn với những đề tài xã hội như Đi qua ngày biển động, nếu để nhìn được dấu ấn của Bùi Tuấn Dũng… sẽ ở đâu?

- Thực ra, tôi đã làm khá nhiều phim tâm lý tình cảm. Hà Nội, Hà Nội; Dòng lũ cuốn; Linh lan trắng; Hoa đại trắng; Âm sắc của màn đêm... Mỗi phim một tạng khác nhau, chẳng phim nào giống phim nào. Mỗi phim cần có một cách biểu hiện riêng, một nhóm đối tượng khán giả mà mình hướng tới. Tôi không thích lặp lại cái gì mình đã làm dù có chung một đề tài. Dấu ấn của Đi qua ngày biển động nằm ở cảm xúc tổng thể mang tính chiều sâu văn hóa đời sống người Việt. Dấu ấn là do chính giá trị mà bộ phim mang lại chứ không đơn thuần chỉ là một vài thủ pháp nghề nghiệp mang tính hình thức. Khó khăn lớn nhất bây giờ là đối mặt với chính mình, làm thế nào để làm một bộ phim hay!

Cám ơn anh về cuộc trò chuyện!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần