Đạo diễn Nguyễn Sỹ Bằng |
Hãng phim Tài liệu Khoa học T.Ư đã có rất nhiều bộ phim hay về đề tài 27/7. Trong đợt kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ lần này, anh đã làm gì để có được bộ phim khác những lần trước?- Tri ân, đền ơn đáp nghĩa là truyền thống của dân tộc Việt Nam và cũng là chủ trương của Đảng trong suốt 70 năm qua. Trước khi bắt tay tìm ý phát triển kịch bản, chúng tôi đã phải xem lại hầu hết các phim về đề tài 27/7 đã được Hãng phim sản xuất trước đây như phim kỷ niệm 50 năm của đạo diễn Võ Kim Môn, phim kỷ niệm 60 năm, 65 năm của đạo diễn Đào Thanh Tùng..."Ngọn lửa tri ân" ở đây là tôn vinh những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong chiến tranh, những Bà mẹ Việt Nam anh hùng và những người có công. Nhưng bên cạnh đó, tôi nghĩ, chúng ta cũng cần phải tri ân hàng nghìn thương binh, Mẹ Việt Nam anh hùng không trông chờ vào ưu đãi của Nhà nước và xã hội, đã vượt lên những đau thương mất mát, có những đóng góp lớn cho xã hội trong việc phát triển kinh tế - xã hội và cộng đồng nơi mình sinh sống, như: Mẹ Việt Nam anh hùng Dương Thị Quen, ngày tóc còn xanh mẹ đi đào hầm, tải thương, tải đạn; khi tóc bạc, Mẹ lại giúp đời với những tháng ngày đi xin rau, xin củ, xin thuốc, nấu cơm từ thiện. Hoặc thương binh Phạm Xuân Ánh với thương tật 81%, 2 mắt chỉ nhìn thấy 2/10 nhưng từ năm 1991 vẫn khai phá 20ha đất hoang để trồng trọt, xây dựng cho mình hạnh phúc giản dị nhất và giúp đỡ bà con làm kinh tế, thoát nghèo.Bộ phim còn hướng người xem tri ân cả những chiến sỹ bộ đội, công an hy sinh trong quá trình 30 năm đổi mới của đất nước, trong huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, từ biên giới đến hải đảo, như các chiến sỹ trong vụ rơi trực thăng ở Hòa Lạc, các chiến sỹ công an trong cuộc chiến chống ma túy, hay như Thượng tá Trần Quang Khải, đội bay CASA… Nỗi mất mát hy sinh trong thời chiến đã đớn đau, nhưng trong thời bình có lẽ nỗi đau đó sẽ càng nhân lên gấp bội. Qua đó thấy được, dù ở thời điểm nào của lịch sử đất nước, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Nhân dân luôn biết ơn những hy sinh của những người con đất Việt.Nhưng đây là bộ phim tài liệu giống như một chặng tổng kết 70 năm Hồ Chủ tịch ra sắc lệnh tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc (sau này là Ngày Thương binh Liệt sỹ) vào 27/7. Chặng đường tổng kết ấy được thể hiện thế nào trong “Ngọn lửa tri ân”?- Cho dù thời lượng của bộ phim không dài, nhưng phim không thể không nhắc tới ngày Bác Hồ ký sắc lệnh, nơi khai sinh ra ngày 27/7 là Đại Từ (Thái Nguyên), hay sự quan tâm của Bác với thương binh, liệt sỹ. Chúng tôi cũng không thiếu những thước phim về các địa danh lịch sử như Côn Đảo, Quảng Trị, Ngã Ba Đồng Lộc…Hơn 30 phút phim tài liệu tốn bao nhiêu công sức của người đạo diễn và ê kíp?- Thông thường, một bộ phim tài liệu sẽ mất ít nhất là 3 tháng. Đối với bộ phim này, chúng tôi đã rong ruổi khắp Côn Đảo, Hậu Giang, Cần Thơ, Bình Dương, Bình Phước, Khánh Hòa, Gia Lai, Quảng Trị, Thái Bình, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên… để ghi hình và tìm nhân vật.Nhiều đạo diễn thường có những câu chuyện nhớ đời, đôi khi còn là khả năng ngoại cảm, khi làm phim về đề tài thương binh - liệt sỹ. Với anh, câu chuyện này có quá nặng nề?- Điều thôi thúc tôi làm đề tài về Ngày Thương binh Liệt sỹ không chỉ là nhiệm vụ cơ quan, theo “đơn đặt hàng” của Ban Tuyên giáo T.Ư, mà chính là nỗi ám ảnh, nỗi đau, nỗi nhớ thương của gia đình tôi. Bà ngoại tôi là Mẹ Việt Nam anh hùng, tôi có 2 người cậu ruột hy sinh trong chiến tranh khi mới ở tuổi 18, 20. Mấy chục năm đã trôi qua rồi, nhưng sự ra đi của những người thân trong chiến tranh với gia đình tôi vẫn chưa thể nguôi ngoai. Tôi cũng chỉ mong bộ phim sẽ là một nén hương để tri ân những liệt sỹ đã hy sinh vì nền độc lập, thống nhất của dân tộc.Bộ phim “Ngọn lửa tri ân” đã chính thức hoàn thành và dự kiến được phát sóng khi nào?- Đến nay, phim đã hoàn thành với thời lượng lúc đầu là 38 phút, sau đó chỉnh sửa xuống còn 35 phút. Chúng tôi chờ ý kiến cuối cùng của Hội đồng duyệt phim. Thời gian phát sóng phim sẽ do Ban Tuyên giáo T.Ư và VTV lên kế hoạch, nhưng thông thường sẽ là trước hoặc trong ngày 27/7.Xin cảm ơn ông!
Từ 24 - 27/7, Hãng phim Tài liệu Khoa học T.Ư sẽ trình chiếu 8 bộ phim tài liệu miễn phí. Các bộ phim được trình chiếu đều đã đạt nhiều giải thưởng cao trong các Liên hoan phim châu Á – Thái Bình Dương, Liên hoan phim Việt Nam, Cánh diều vàng… 8 bộ phim bao gồm: “Lũy thép Vĩnh Linh”, “Trở lại Ngư Thủy”, “Bài ca trên đỉnh Tà Lùng”, “Trên chiếc xe lăn”, “Còn lại với thời gian”, “Những nẻo đường công lý”, “Ký ức một thời”, “K10”. |