Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Gắn với sản xuất theo chuỗi giá trị

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần 85% lao động ở huyện Sóc Sơn được đào tạo nghề theo Quyết định 1956 của Chính phủ có việc làm. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) của huyện nên theo xu hướng chuyển đổi kinh tế và gắn với đầu ra để mang lại hiệu quả thiết thực.

 Anh Đoàn Văn Giáp cho biết sau khi học nghề Trồng cây ăn quả, bước đầu nhà anh đã có doanh thu vài chục triệu đồng. Ảnh: Thủy Trúc
Đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh cho biết, công tác đào tạo nghề cho LĐNT góp phần cung cấp các kỹ năng, kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt và sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người lao động sau học nghề. Bởi vậy, năm 2018, huyện Sóc Sơn tổ chức được 60 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 2.078 LĐNT. Trong đó, có 313 lao động thuộc hộ gia đình người có công, 180 lao động hộ cận nghèo. “Đã có 87,18% LĐNT được học nghề theo nhu cầu và 1.771 lao động (84,86%) lao động có việc làm sau đào tạo. Huyện cũng đã xây dựng được 3 mô hình đào tạo nghề cho LĐNT với mức thu nhập bình quân 3 – 4 triệu đồng/người/tháng” – ông Mạnh khẳng định.
Trong năm 2019, huyện Sóc Sơn đã tổ chức 20 lớp đào tạo nghề cho 689 LĐNT, với các nghề như chăn nuôi thú y, trồng cây ăn quả, trồng rau hữu cơ, rau an toàn, chăn nuôi gia cầm... Đã có 575 lao động có việc làm sau đào tạo, đạt tỷ lệ 83,45%. Nhiều nông dân sau đào tạo nghề cho biết, đã tiếp cận được kiến thức khoa học kỹ thuật và áp dụng ngay vào trồng cây, chăn nuôi của gia đình, cho thu nhập cao hơn trước. Anh Nguyễn Văn Giáp (thôn Đông Thủy, xã Đông Xuân) phấn khởi cho hay: "Sau 3 tháng học nghề trồng cây ăn quả, tôi đã biết chiết ghép cành, phòng trừ bệnh, chẩn đoán bệnh để phun thuốc kịp thời. Trên diện tích 4.000m2 đất, gia đình tôi trồng 25 cây mít, vụ vừa rồi bán quả được 10 triệu đồng. Tới đây, 200 cây bưởi Diễn dự kiến sẽ bán được 20 triệu đồng...".
Để có được kết quả này, huyện Sóc Sơn đã triển khai đồng bộ các giải pháp như tạo điều kiện cho người dân có cơ hội học nghề; thực hiện điều tra, khảo sát thống kê nhu cầu học nghề của LĐNT. Việc đào tạo nghề xuất phát từ nhu cầu lao động, phù hợp với sức khỏe, độ tuổi và trình độ của người dân. Đồng thời, lựa chọn cơ sở nghề có đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu của đào tạo nghề nông nghiệp...
Quan trọng là thay đổi tư duy
Công tác đào tạo nghề cho LĐNT ở huyện Sóc Sơn đã góp phần cung cấp các kỹ năng, kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người nông dân. Tuy nhiên, sự vào cuộc của các DN, cơ quan, đơn vị còn hạn chế dẫn đến công tác xã hội hóa, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm còn gặp nhiều khó khăn. Người lao động sau khi học nghề cơ bản vẫn tự tạo việc làm hoặc tự tìm đơn vị tuyển dụng tại các khu công nghiệp... Người lao động học sau khi học các nghề nông nghiệp cơ bản đều tự tạo việc làm, sản xuất nuôi trồng nhỏ lẻ tại hộ gia đình.
Thực tế kiểm tra công tác đào tạo nghề cho LĐNT mới đây, đoàn kiểm tra TP Hà Nội nhận thấy, trong hai năm 2018 và 2019, huyện Sóc Sơn chỉ đào tạo các ngành nghề nông nghiệp. Còn những nghề phi nông nghiệp lại không được tổ chức, nhất là khi Sóc Sơn có 54 làng nghề trong đó có 2 làng nghề được công nhận. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nhấn mạnh, đào tạo nghề theo Quyết định 1956 phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương. Vì thế, cách tiếp cận, khảo sát nhu cầu học cần sát với thực tế rồi mới xem xét, tổ chức lớp học. Đồng thời cần có tư duy tổng thể trong đào tạo nghề để chuyển đổi mô hình kinh tế, chẳng hạn, khi xã có cánh đồng chuyên canh nông nghiệp hữu cơ thì tập trung tổ chức đào tạo nghề đó, đầu ra là các DN cung cấp những bữa ăn tập thể... Quan trọng là lãnh đạo địa phương phải thay đổi tư duy. Cùng với việc tuyên truyền trên loa truyền thanh xã về việc mở lớp học, huyện Sóc Sơn rất cần hợp tác với DN để tuyển dụng thì việc đào tạo nghề mới thiết thực. Nhất là khi trên huyện có hơn 2.000 DN – rất lợi thế cho đào tạo nghề phi nông nghiệp.
Phản hồi về việc này, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh cho hay, năm 2018, toàn huyện dự tính mở 6 lớp phi nông nghiệp nhưng không tổ chức được vì nhiều lý do. Sóc Sơn có rất ít làng nghề, các DN trên địa bàn không sản xuất, chủ yếu kinh doanh. Với số học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề chiếm 20%; Trung tâm GDNN-GDTX Sóc Sơn thường xuyên có 1.000 học viên đi học nghề, ông Mạnh hy vọng vài năm tới, huyện có hướng đi mới trong chuyển đổi nghề và hình thành những HTX theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến đầu ra sản phẩm.