Hội nghị nhằm trao đổi, bàn luận những giải pháp triển khai hiệu quả Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 1/6/2022 trong việc tăng cường công tác xây dựng văn hóa học đường, phù hợp với bối cảnh và yêu cầu tình hình, nhiệm vụ mới.
Cũng cần nhắc lại, đây không phải lần đầu tiên vấn đề xây dựng văn hóa học đường được đề cập tới như một yêu cầu cấp thiết. Chỉ cách đây chưa đầy một năm, ngày 21/11/2021, Ủy ban Văn hóa Giáo dục quốc hội và Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức Hội nghị “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo”.
Trước đó, Bộ đã ban hành Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT ngày 12/4/2019 quy định Quy tắc ứng xử và hướng dẫn cho các đối tượng quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh và những người khác khi đến trường học.
Gần đây nhất, ngày 1/6/2022, Bộ GD&ĐT đã đề xuất để Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường.
Những động thái trên, một mặt thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước mà cụ thể là Bộ GD&ĐT đối với vấn đề xây dựng văn hóa học đường. Mặt khác, cũng lại cho thấy, dù đã được quan tâm, nhưng công tác xây dựng văn hóa học đường vẫn còn những tồn tại cần khắc phục, giải quyết trong bối cảnh hiện nay.
Trở lại Hội nghị “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường” được tổ chức mới đây, hội nghị một lần nữa khẳng định: Xây dựng và phát triển văn hóa học đường là một trong những nhiệm vụ lớn, trọng tâm và quan trọng của toàn ngành Giáo dục, tại mỗi địa phương và ở từng cơ sở giáo dục, đào tạo.
Có thể nói, với quan điểm đó, hội nghị đã tạo ra một động lực và quyết tâm mới trong việc xây dựng văn hóa học đường. Đó cũng là sự tiếp nối và phát triển những quan điểm của Đảng, Nhà nước đã được khẳng định, thực thi từ nhiều năm qua.
Những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng văn hóa học đường thời gian qua đã được khẳng định rất rõ trong nhiều văn bản của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, dù không muốn chúng ta vẫn phải nhìn vào một thực tế, đó là xây dựng văn hóa học đường vẫn là vấn đề cấp thiết trong tình hình hiện nay, khi mà giá trị đạo đức, lối sống, và cách ứng xử lệch chuẩn lan truyền trên môi trường mạng đang ngày một xâm nhập sâu vào nhà trường.
Có thể kể ra nhiều nguyên nhân của tình trạng trên, nhưng xem ra một trong những nguyên nhân sâu xa là sự lệch lạc trong quan hệ thày trò, mối quan hệ chủ đạo trong môi trường giáo dục. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta từng coi trọng việc thực hiện phương châm “Trường ra trường, thầy ra thầy, trò ra trò”.
Và có lẽ cũng cần nhìn thẳng vào một thực tế đáng buồn, những hiện tượng lệch chuẩn về văn hóa học đường lâu nay xảy ra nơi này, nơi khác đều có căn nguyên từ việc thày không ra thầy, trò không ra trò! Vậy phải chăng, việc cần thiết, quan trọng đầu tiên là phải làm sao để có một mối quan hệ thày trò nhân văn, lành mạnh trong nhà trường? Hay nói cách khác, đạo thầy trò, một truyền thống quý báu ngàn đời của ông cha ta vẫn cần được xem là cái gốc, nền tảng để xây dựng văn hóa học đường hôm nay.
Mà xem ra để đạt được mục tiêu đó, những quy tắc, quy định là cần thiết nhưng chưa đủ. Và cũng không chỉ trong nhà trường. Nó phải được xây dựng trên nền tảng của một xã hội văn hóa với những giá trị phù hợp, chuẩn mực, trong đó có truyền thống tôn sư trọng đạo, với sự mẫu mực của người thầy, chăm ngoan của học trò.
Không phải là hoài cổ, nhưng lại nhớ đến tình thầy trò cách đây hơn nửa thế kỷ về trước. Khi ấy, ngành Giáo dục không hề phải ban hành những chỉ thị, văn bản về xây dựng văn hóa học đường mà thày trò cả nước vẫn cùng nhau thực hiện rất tốt lời dạy của Bác Hồ trong bức thư cuối cùng Người gửi ngành Giáo dục nước nhà: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”.