Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đáp ứng yêu cầu lớn của người dân trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Hồng Thái - Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 31/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính tại Trung tâm Hành chính công thành phố Đà Nẵng tới các điểm cầu tại UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cùng tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chuyển đổi số đã đến "từng ngõ, từng nhà, từng người"

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta đang rà soát lại việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; những việc đã làm tốt rồi thì làm tốt hơn, những mục tiêu có khả năng đạt được thì cần tăng tốc, những gì chưa đạt được, phải có giải pháp đột phá.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia. Trong chuyển đổi số, Việt Nam xác định cách tiếp cận toàn cầu, toàn diện, toàn dân nhưng có trọng tâm, trọng điểm, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể. Cả phía quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công và phía đối tượng thụ hưởng, sử dụng dịch vụ công đều phải vận dụng chuyển đổi số đạt hiệu quả cao nhất.

Thời gian qua, chúng ta đã làm được nhiều việc, chuyển đổi số được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ cả khu vực công và khu vực tư, từ Trung ương đến địa phương, từ thành thị đến nông thôn, từ các cháu nhỏ đến các ông, các bà hay nói cách khác chuyển đổi số đã đến "từng ngõ, từng nhà, từng người".

Thủ tướng nhấn mạnh, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng nhấn mạnh, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tư duy, hành động, thói quen của cơ quan hành chính các cấp và người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính chuyển dần từ giấy tờ truyền thống sang môi trường mạng, giúp nâng cao hiệu quả và năng suất các hoạt động kinh tế, xã hội.

Từ phong trào, xu thế này đã xuất hiện nhiều bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, có những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong chuyển đổi số nói chung, cung cấp dịch vụ công trực tuyến nói riêng.

Bên cạnh những kết quả rất cơ bản, còn có những tồn tại, hạn chế liên quan tới tư duy, nhận thức, hành động về chuyển đổi số, có nơi, có lúc chưa như mong muốn, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; hạ tầng số chưa đồng bộ, có nơi, có lúc còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; hiệu quả triển khai dịch vụ công trực tuyến chưa đạt như kỳ vọng, (mới chỉ 17% hồ sơ ở địa phương được xử lý trực tuyến toàn trình)…

Đồng thời, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến phải đối mặt, giải quyết những thách thức rất lớn như phải đáp ứng yêu cầu ngày càng nhiều, đòi hỏi ngày càng cao của hệ thống hành chính các cấp và người dân, doanh nghiệp trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong quá trình vận động, phát triển rất nhanh của các hoạt động kinh tế, xã hội; cần số hóa một lượng lớn thông tin giấy tờ; nguồn lực Nhà nước có hạn, do đó phải huy động nguồn lực xã hội, sức mạnh bắt nguồn từ người dân, doanh nghiệp bằng tư duy, tầm nhìn, đổi mới sáng tạo; phát triển sản phẩm công nghệ số Việt Nam trước hết phải phục vụ tốt nhu cầu của người Việt Nam, rồi vươn ra khu vực và thế giới…

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính tại Trung tâm Hành chính công TP Đà Nẵng tới các điểm cầu tại UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính tại Trung tâm Hành chính công TP Đà Nẵng tới các điểm cầu tại UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Mục tiêu chuyển sang giai đoạn phát triển theo chiều sâu

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đã trải qua 2 giai đoạn phát triển về dịch vụ công trực tuyến tính từ năm 2011 đến nay.

Trong đó, giai đoạn 1 là giai đoạn khởi động khi số lượng dịch vụ công trực tuyến mức cao được triển khai rất ít trên phạm vi cả nước; giai đoạn 2 là giai đoạn phát triển theo chiều rộng, khi có bước phát triển đột phá về số lượng dịch vụ công trực tuyến.

Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đã có thành công nhưng không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương, bên cạnh những đơn vị đạt kết quả cao, vẫn còn nhiều đơn vị đạt kết quả rất thấp, đặc biệt là hồ sơ trực tuyến toàn trình.

Một số địa phương đạt tỉ lệ rất cao lên tới 69%, tuy nhiên vẫn còn nhiều địa phương đạt tỉ lệ rất thấp. Dịch vụ công trực tuyến toàn trình mang lại hiệu quả thực sự khi mà người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện đơn giản, thuận tiện toàn bộ quy trình trên môi trường mạng và không phải hiện diện tại cơ quan nhà nước, thể hiện thông qua tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình.

Để bước vào giai đoạn 3-phát triển theo chiều sâu, cần tập trung vào phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình tới mọi người dân, doanh nghiệp, mục tiêu đặt ra là tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 70%.

Việc phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình sẽ đưa mọi hoạt động của công chức, viên chức phục vụ người dân và doanh nghiệp lên môi trường mạng. Khi đó, các cơ quan nhà nước có đầy đủ dữ liệu số để chỉ đạo, điều hành trực tuyến và dựa trên dữ liệu. Hoàn thành phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình, Việt Nam sẽ hoàn thành nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử, chuyển sang phát triển Chính phủ số.

Để triển khai dịch vụ công trực tuyến trong giai đoạn mới, phát triển theo chiều sâu, thực chất là phổ cập dịch vụ công trực tuyến theo hướng trực tuyến toàn trình, các bộ, ngành, địa phương cần đạt mục tiêu phát triển dịch vụ công trực tuyến toàn trình ngay trong năm 2024 và đến năm 2025.

Cụ thể, năm 2024, với các bộ, ngành: tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 70%; đối với các địa phương: đạt tối thiểu 30%. Năm 2025, đối với các bộ, ngành: tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 85%; đối với các địa phương: đạt tối thiểu 70%.

Để đạt được các mục tiêu trên, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Khung triển khai dịch vụ công trực tuyến để hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Khung này sẽ hướng dẫn để các cơ quan nhà nước: (1) Tối ưu hóa các bước, quy trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến thông qua rà soát, hoàn thiện thể chế; (2) Phát triển các công cụ, nền tảng, ứng dụng số cung cấp dịch vụ công trực tuyến dựa trên hạ tầng số, dữ liệu số, có thể đo lường, giám sát trực tuyến và đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng; (3) Phát triển nhân lực số; (4) Các yêu cầu, tiêu chuẩn cần đáp ứng trong triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Khung bao gồm các nội dung chính: Tái cấu trúc quy trình, thành phần hồ sơ trong thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; phát triển hạ tầng số; xây dựng kho dữ liệu số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng; thực hiện đo lường, giám sát trực tuyến.

Gần 800.000 người dân dùng iHanoi sau 2 tháng triển khai ứng dụng 

Tại điểm cầu UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải đã báo cáo nhanh về kết quả triển khai kênh tương tác số giữa chính quyền thành phố với người dân qua ứng dụng iHanoi.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại điểm cầu TP Hà Nội. 
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại điểm cầu TP Hà Nội. 

Nền tảng iHanoi đã hoàn thành và đưa vào vận hành chính thức vào ngày 28/6/2024 với 4 nhóm tiện ích và 7 chức năng chính đã được các cơ quan truyền thông tuyên truyền rộng rãi đến người dân.

Trong quá trình triển khai, TP Hà Nội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương để cập nhật, bổ sung và liên thông các trường dữ liệu, trong đó, phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – Bộ Công an để làm sạch dữ liệu và tích hợp VNeID mức độ hai; phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam để tích hợp hệ thống quản lý, bán vé tàu và đường sắt trên cao; phối hợp với VOV giao thông để chia sẻ dữ liệu camera giao thông.

Sau 2 tháng triển khai (28/6 - 28/8/2024), ứng dụng iHanoi đã tiếp nhận 5.700 phản ánh, kiến nghị trong đó đã xử lý 3.940 đạt trên 70%, đang xử lý 29% và chỉ có 69 kiến nghị xử lý quá hạn chiếm 0,02%.

Tính đến nay, đã có gần 800.000 người dân, doanh nghiệp và 100% công chức, viên chức thuộc thành phố tạo tài khoản trên iHanoi; tổng số lượt truy cập iHanoi đạt trên 6 triệu lượt; đã tích hợp 2,5 triệu sổ sức khỏe điện tử từ hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố lên iHanoi phục vụ người dân tra cứu; 468 sáng kiến xây dựng Thủ đô.

“Ứng dụng nhận được nhiều đánh giá tích cực từ cộng đồng mạng, với 62,1% người dùng đánh giá "hài lòng và chấp nhận" về chất lượng giải quyết phản ánh, kiến nghị của chính quyền” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá dụng iHanoi thân thiện với người dân và nhấn mạnh, "các địa phương rất nên học mô hình này".