Đất Ba Vì: Hỏi mua rồi... lặn mất tăm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong số những người rao bán, có không ít chủ đất đã thực sự vỡ mộng khi “ôm” đất Ba Vì trúng thời điểm sốt, mong chờ giá ùn ùn tăng lên và bán đi để chốt lời. Nhưng hiện nay, tâm lý “rút chạy” đã xuất hiện, khi thông tin quy hoạch Hà Nội được công bố.

Theo công bố quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, trung tâm hành chính - chính trị quốc gia vẫn đặt tại Ba Đình. Không quy hoạch các cơ quan Chính phủ tại Ba Vì, vì vậy khiến nhiều nhà đầu tư vỡ mộng, thậm chí đang có tâm lý bán tháo.
 
Còn nhớ, vào tháng 3/2010, khi quy hoạch Hà Nội còn đang được bàn thảo, dự kiến sau năm 2030 sẽ xây 1 khu hành chính ở chân núi Ba Vì, gần Hòa Lạc và lúc đó mới chuyển các Bộ ngành ra đó, giá đất tại Ba Vì bỗng trở nên nóng hầm hập. Nhiều người lao vào mua mong ngày "hái quả ngọt", ai ngờ sau khi quy hoạch công bố chính thức, "quả ngọt" hóa "quả đắng".
 
Tại Ba Vì, giá đất đang chững lại, nhu cầu mua không còn sốt như năm ngoái. Nhiều người ôm đất ở Yên Bài, Tản Lĩnh (Ba Vì) mua đất để dự trữ đã vỡ mộng.
 
Khắp dọc các tuyến đường đi qua xã Yên Bài, dòng thông báo "bán đất", kèm số điện thoại không khó để bắt gặp. Trong số những người rao bán, có không ít chủ đất đã thực sự vỡ mộng khi “ôm” đất Ba Vì trúng thời điểm sốt, mong chờ giá ùn ùn tăng lên và bán đi để chốt lời. Tâm lý “rút chạy” đã xuất hiện, khi thông tin quy hoạch vừa mới được TP Hà Nội công bố.
 
Những khu đất được xây tường bao không phải là hình ảnh hiếm, không ít chủ sở hữu còn trang bị cửa sắt cài chắn cẩn thận. Những thửa đất đó được quây kín, nhưng bên trong lại cỏ mọc um tùm, cửa hoen gỉ, ố vàng, nằm trơ trọi giữa mênh mông không một ai quan tâm. Một số người dân sống gần đó cho biết, một trong số những khu đất có xây tường bao đã được mua, đang cần bán, nhưng chưa có ai ngã giá để thực hiện giao dịch.
 
Gia đình chị Trân (Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc) bỏ ra gần 3 tỷ mua hơn 1 sào đất ở thời điểm sốt đất Ba Vì năm ngoái. Anh chị chỉ có 50% số tiền trên, còn lại phải đi vay khắp nơi từ ngân hàng, bạn bè, anh em… để nuôi ước mơ thu được về số tiền gấp đôi so với số tiền đã bỏ ra.
 
Thế nhưng, với tình hình giao dịch ảm đạm, kèm theo đó việc phải trả một khoản lãi không nhỏ hàng mỗi tháng, khiến cho anh chị phải đưa ra quyết định bán đất hiện sở hữu ở Ba Vì ngay lập tức. Tuy nhiên, rao bán gần 2 tháng nay, anh chị vẫn chưa nhận được một thông tin hỏi mua nào.
 
Chị Trân cho hay: “Tiền lãi phải gánh, mà cứ giữ đất thế này, như ngồi trên đống lửa. Muốn bán nhanh, nhưng cũng không thể nhanh được, vì mình đâu phải người tự quyết, quan trọng có người mua hay không?. Người mua chẳng thấy ai quan tâm, để ý gì cả. Mặc dù, tôi đã để cả số điện thoại trên tấm bảng gần chỗ bán đất, mà cũng không thấy ai gọi đến”.
 
Theo lời vợ chồng chị Trân, kể cả việc phải lỗ vài trăm triệu, anh chị cũng chấp nhận, vì không còn lựa chọn nào khác, số tiền nợ lãi đã lên đến gần 100 triệu đồng  Không chỉ có vợ chồng chị Trân, mà nhiều khách hàng khác đang lâm vào thế “bỏ thì thương, vương thì tội” khi đang nợ nần chồng chất, do vay mượn tiền để “tậu” đất, nhưng rồi lại không bán được.
 
Trao đổi với PV, ông Kỳ - Phó chủ tịch UBND xã Yên Bài (Huyện Ba Vì) cho biết: “Từ 2 -3 tháng nay lượng người giao dịch ít đi, không thấy ai mua bán, chuyển nhượng gì cả. Còn từ khi công bố quy hoạch của TP Hà Nội thì đất đai ở đây chưa thấy biến động gì”.
 
Trò chuyện với cô Ngọc (môi giới bất động sản), chúng tôi được biết, năm ngoái vào thời kỳ sốt đất, cô làm không xuể việc vì lượng khách cần đi xem đất quá đông, còn bây giờ gần như “ngồi chơi, xơi nước”.
 
“Trước đây ít nhất mỗi ngày phải có tới 4 - 5 khách, thì bây giờ mỗi tháng may ra mới được chừng đó khách. Thậm chí, có những người đã liên lạc đâu vào đó rồi, hẹn ngày giờ cụ thể, nhưng sau lại bặt vô âm tín luôn, gọi điện thoại lại cũng không nghe máy. Tới đây chắc cũng phải chuyển hướng kinh doanh hoặc nghỉ hẳn”, cô Ngọc kể.
 
Đó không phải là tình cảnh của văn phòng bất động sản của cô Ngọc, mà là tình hình chung của hàng loạt văn phòng bất động sản khác nằm trên tuyến đường nối Yên Bài – Tản Lĩnh. Số giao dịch thành công ít ỏi, thậm chí có những tháng “trắng” giao dịch thành công, khiến nhiều người thực sự chán nản. Bi đát hơn, khi nhiều văn phòng để mặc bảng hiệu rách nát, cửa đóng then cài, bấm chuông cũng không nhận được một lời đáp.
 
Qua rồi thời phất lên nhờ đất Ba Vì
 
Tình hình kinh doanh ảm đạm, người bán đông đảo nhưng không có mấy ai quan tâm chuyện mua là tình cảnh hiện nay. Nhưng trước đó, một bộ phận không nhỏ mở văn phòng bất động sản đã kịp giàu lên đúng thời điểm giá đất ở Ba Vì tăng vù vù.
 
Bác Minh, một người dân tại đây cho biết: “Nhiều người đã giàu lên vì môi giới đất đai. Chẳng hạn, chỉ cần mua 500 triệu đồng/sào, sau đó bán lại cho người khác lại hét tới 2 tỷ, thì thu về khối tiền lãi. Tự nhiên giàu lên nhờ bán đất, rồi xây nhà cao cửa rộng, nhiều người thực sự trúng số nhờ cơn sốt đất của Ba Vì”.
 
Sau khi UBND TP Hà Nội công bố đồ án quy hoạch chung Thủ đô tầm nhìn đến năm 2050, tình hình giao dịch đất ảm đạm nhưng giá cả vẫn ở mức đi ngang.
 
Liên hệ với chủ nhân một thửa đất có diện tích 20 x 36 m2 ở Yên Bài (Ba Vì – Hà Nội)  có sổ đỏ, chúng tôi được chào mời với mức giá 3 triệu đồng/m2 hoặc 60 triệu đồng /m chạy sâu (có thương lượng).
 
Chủ nhân khu đất cho biết: “Nếu các anh cần mua ngay, tôi sẽ giảm mỗi mét chạy sâu khoảng 3 triệu đồng, tùy thương lượng hai bên. Nói thật, đây là đất tôi và hai người bạn hùn tiền mua từ năm ngoái, bây giờ cần tiền nên muốn bán. Thông tin bán đã lâu mà dăm bữa nửa tháng mới có người hỏi, hỏi xong xuôi, hẹn đâu vào đấy xem đất đến lúc không thấy tăm hơi đâu”.
 
Khi PV đề cập việc có thể giảm giá hơn nữa không? thì chủ khu đất kiên quyết giữ mức giá 57 -58 triệu đồng một mét chạy sâu, vì đó là mức giá quá ưu đãi khi đang thực sự cần bán đi.
 
Cũng theo lời người có nhu cầu bán này, giá cả đất đai ở Ba Vì so với thời điểm sốt năm ngoái không chênh lệch quá nhiều. Vì xu hướng giá đất đi lên hoặc chững lại, khó có chuyện giảm xuống nữa. Cụ thể, tại thời điểm sốt, khu đất mà chúng tôi tìm hỏi có mức giá cũng dao động từ 55 triệu đồng – 60 triệu đồng/ m chạy sâu.
 
Tìm về Ba Vì, đi dọc con đường nối từ Yên Bài – Tản Lĩnh, chúng tôi nhận thấy không còn cảnh tấp nập người vào, kẻ ra ở những văn phòng giao dịch bất động sản. Theo lời một số hộ dân sống ở Yên Bài, nhiều hộ đã từng làm môi giới bây giờ cũng chuyển sang kinh doanh quán ăn, hàng tạp hóa hoặc đóng cửa văn phòng giao dịch bất động sản, do không có mấy ai đoái hoài đến chuyện đất cát, như thời điểm giá đất Ba Vì lên cơn sốt như năm ngoái.
 
Trong vai người mua đất, khi PV vừa nhắc đến chuyện phong thanh giá đất Ba Vì đang giảm, một người dân bán hàng ở Yên Bài gạt phắt và khẳng định: “Giá đất không có chuyện giảm. Có người vừa bán đất 70 triệu đồng – 80 triệu đồng/m chạy sâu cách đây mấy hôm. Giá không giảm, vì làm gì còn đất nhiều nữa, họ mua nhiều rồi. Người mua ở, nơi mua đầu tư, nơi mua xây dựng khu du lịch…”
 
Cũng theo lời người dân này, thông tin về việc khu vực hai bên đường cao tốc Láng – Hòa Lạc chạy qua xã Yên Bài sẽ xây thêm chợ và một số công trình mới, khiến cho giá đất không thể giảm được.
 
Tại thời điểm sốt đất hồi giữa năm ngoái, giá đất trung bình ở Yên Bài lên đến 60 triệu đồng – 70 triệu đồng/m chạy sâu hoặc 2 – 3 triệu đồng/m2.
 
Phần lớn những khu đất đang cần bán đều được ấn định mức giá 2 triệu đồng/m2 hoặc 60 triệu đồng – 65 triệu đồng/m chạy sâu. Đây là mức giá không mấy thay đổi so với thời điểm từ giữa tháng 10 năm ngoái.
 
Bên cạnh xu hướng giảm giá vì nhà đầu tư cần tiền muốn bán tháo, có người muốn giữ giá, thậm chí người xông xênh tiền thì không cần bán nên nếu có người muốn mua thì vẫn hét giá cao.
 
“Sau thời điểm có lúc vọt lên 80 triệu đồng – 90 triệu đồng/m chạy sâu, giá đất giảm xuống 60 triệu đồng/m chạy sâu, đến bây giờ mức giá vẫn giữ nguyên hoặc tăng thêm từ 5 triệu đồng – 7 triệu đồng/ m chạy sâu”, một người dân nói.
 
Còn anh V (Chủ một văn phòng giao dịch bất động sản) cho biết: “Thời điểm sốt giá đất, một sào đất nhảy lên 600 triệu đồng, đến nay giá đất vẫn đứng ở mốc đó. Giá chung cư giảm xuống khi không có giao dịch, còn giá đất ở đây không thế”.
 
Mức giá bán có sự chênh lệch rõ rệt giữa đất có số đỏ và đất chưa có sổ đỏ. Qua tìm hiểu của PV, nếu như đất chưa có sổ đỏ chỉ từ 1 – 1,5 triệu đồng/m2 thì đất có sổ đó lại cao gấp đôi, dao động từ 2 – 3 triệu đồng/m2. Theo lời anh V, mỗi sào đất có số đỏ có giá 600 triệu đồng, với diện tích đó chưa có sổ đó thậm chí có khi chỉ 100 triệu đồng.
 
Không ít nơi giá đất vẫn tăng, thậm chí khu đất diện tích 800 m2, còn được rao bán với giá 8 triệu đồng/m2, tức gần gấp 3 lần thời điểm sốt.
 
Anh H – Một người làm môi giới bất động sản dẫn chúng tôi đến xem khu đất rộng 360 m2 đang cần bán và cho biết: “Giá bán 2,5 triệu đồng/m2, nếu mua khu đất có diện tích tương đương mà không có sổ đỏ thì mức giá chỉ hơn 1 triệu đồng/m2 thôi. Nên mua đất có sổ đó dễ bán lại hơn, còn giá thì không có chuyện giảm đâu, trước đây khu đất này chỉ có 600 triệu đồng, nhưng từ hôm ra Tết đến nay đã tăng gần 200 triệu đồng”.
 
Tìm đến một khu đất khác trong xóm Muỗi (Yên Bài – Ba Vì), chủ nhân cho biết, thửa đất có diện tích 5.000 m2 bán với giá 2 triệu đồng/m2. Nếu chỉ mua từ 360 m2 – 720 m2 sẽ bán với giá 2,5 triệu đồng/m2.
 
Anh L cho rằng: “Giá đất những vạt trong lối sâu thì không tăng nhiều, còn đất mặt đường kể cả đường quốc lộ hoặc đường lớn bên trong xã có tăng, nhưng không nhiều như trước đây, trong khi đó đất ruộng cũng tăng giá. Mức giá đất hiện nay tăng là do nhiều người đổ về mua đất, nên bây giờ đất không còn nhiều như trước nữa, nhu cầu hiện tại muốn mua ít nhưng không phải là không có ở thời điểm hiện tại”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần