[Đất đai, công trình xây dựng bỏ hoang: Làm sao tránh lãng phí?] Bài 2: Nhà xây xong để “đắp chiếu”

Vũ Cúc - Thuần Hưng - Doãn Thành - Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi không ít người đang thiếu chỗ ở, phải sống trong cảnh chật chội thì hàng loạt dự án nhà ở, khu đô thị nằm rải rác tại nhiều quận, huyện xây xong rồi bỏ hoang. Điều này khiến người dân đang sinh sống trong vùng quy hoạch gặp nhiều khó khăn, trong khi đó tài nguyên đất bị lãng phí, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình quy hoạch phát triển đô thị.

Chưa vào ở nhà đã xuống cấp

Từ nhiều năm nay, bất cứ ai đi qua cửa ngõ phía Nam Thủ đô đều thắc mắc không hiểu vì lý do gì mà 4 tòa nhà chung cư cao hơn chục tầng nằm sát đường cao tốc đã xây xong phần thô nhưng lại để hoang hóa mặc cho rêu phong, cỏ dại bao quanh. Theo tìm hiểu, đây là những tòa nhà nằm trong khu nhà ở cho học sinh, sinh viên trong Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp (phường Hoàng Liệt). Khu nhà ở có 6 tòa nhà cao 19 tầng được xây dựng từ năm 2009 bằng nguồn vốn ngân sách, trên khu đất diện tích hơn 40.000m2. Từ năm 2015, 2 tòa nhà đã hoàn thành nhưng chỉ có một tòa có sinh viên vào ở, tòa còn lại gần như bỏ không nằm phơi mưa nắng, chưa rõ ngày hoàn thiện đưa vào sử dụng.
Dự án khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp bị bỏ hoang nhiều năm, nay một số tòa đang được trưng dụng làm khu cách ly tập trung Covid-19. Ảnh: Doãn Thành
Đại diện UBND phường Hoàng Liệt cho biết, thực hiện theo quyết định của UBND TP về việc trưng dụng quỹ nhà tái định cư, nhà ở xã hội phục vụ công tác phòng, chống Covid-19, đến nay, chính quyền địa phương đã trưng dụng được tòa nhà A1, A2. Còn lại 4 tòa nhà nhưng cũng chỉ có thể sử dụng thêm được tòa A5, A6, các tòa nhà khác chưa hoàn thiện về xây dựng.

Cũng trên địa bàn quận Hoàng Mai, tại phố Tân Mai kéo dài (phường Hoàng Văn Thụ) 3 khối nhà tái định cư (TĐC) cao hơn 10 tầng đã hoàn thiện nằm sát mặt đường lớn, đối diện là hồ Đền Lừ thoáng rộng nhưng mấy năm nay không có người đến ở. Hiện khu TĐC gồm 3 đơn nguyên với mấy trăm căn hộ được xây dựng khang trang nhưng không đưa vào sử dụng, một số vị trí đã có dấu hiệu xuống cấp, nứt vỡ. Xung quanh chân các tòa nhà cỏ dại, rác thải bủa vây gây nhếch nhác, mất vệ sinh môi trường, an ninh trật tự.
Cách đó không xa, tại ngõ 13 phố Lĩnh Nam (phường Mai Động), 2 tòa nhà cao 9 tầng với gần 100 căn hộ khu TĐC Sống Hoàng đã xây dựng xong gần 10 năm nhưng hiện tại đang trong cảnh hoang phế, lác đác vài căn hộ có người ở. Trên đường Khuyến Lương (phường Trần Phú) hai tòa nhà chung cư TĐC cao hơn 10 tầng đã cơ bản hoàn thiện các tầng trên nhưng bỏ không từ nhiều năm nay, không được tiếp tục thi công để hoàn thiện.

Không chỉ tại quận Hoàng Mai mà trên địa bàn TP còn nhiều khu TĐC vắng bóng người dân dọn về ở như tòa TĐC 4A Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng); ba tòa CT1A, CT1B, CT1C khu Thành phố giao Lưu (quận Bắc Từ Liêm), 4 tòa nhà chung cư A14 Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy). Đặc biệt, 3 tòa nhà với hơn 100 căn hộ tại Khu đô thị mới Sài Đồng (quận Long Biên) được xây dựng cả chục năm nay nhưng vẫn không bóng người khiến nơi đây trở nên hoang phế và xuống cấp. Cuối năm 2017, Công ty CP Xây dựng số 3 Hà Nội đã đề xuất phá dỡ khu nhà này khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Nhiều hệ lụy

Trong những năm qua, TP Hà Nội luôn có chủ trương xây dựng nhà ở xã hội, nhà TĐC để đáp ứng phần nào nhu cầu nhà ở rất lớn của người dân. Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong, riêng trong năm 2020, Hà Nội đã hoàn thành 5 dự án nhà ở xã hội với 5.348 căn hộ; 5 dự án nhà ở TĐC với 1.723 căn hộ.
Tuy nhiên, theo tính toán, đến nay, Hà Nội vẫn thiếu hơn 2,1 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội. Mặc dù quỹ nhà còn thiếu với con số lớn như vậy nhưng thực tế lại đang tồn tại nghịch lý có khá nhiều khu nhà bỏ hoang trên địa bàn TP. Sự lãng phí này đã gây bức xúc trong xã hội, nhất là đối với người dân sống xung quanh khu vực nơi những tòa nhà, KĐT bỏ không nhiều năm.

Bà Cù Thị Nghiêm, nhà A1, KĐT Đền Lừ phân trần, trong khi nhiều người đang phải sống trong những tòa TĐC xuống cấp thì những tòa nhà mới đẹp trên tuyến phố Tân Mai mấy năm nay xây xong không người ở là một sự lãng phí lớn. Chưa hết, khu nhà bỏ hoang còn trở thành tụ điểm chích hút của đối tượng nghiện ngập, nơi tập kết rác thải gây mất vệ sinh môi trường. Người dân nhiều lần có ý kiến về việc này nhưng đến nay dự án này vẫn bỏ không.

Bà Đinh Thị Mỹ, Bí thư chi bộ tổ dân phố 19, 20, Pháp Vân - Tứ Hiệp chia sẻ, Nhà nước bỏ vốn hàng nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng khu nhà để phục vụ cho gần 22.000 sinh viên về ở nhưng bao nhiêu năm nay chỉ hoàn thành 1 - 2 tòa phục vụ hơn 1.000 sinh viên. Còn mấy tòa nhà để hoang hóa nhiều năm nay gây lãng phí rất lớn.
"Người dân hàng ngày trực tiếp nhìn thấy các tòa nhà chưa hoàn thiện, đang dần xuống cấp rất xót xa. Trong các cuộc họp giao ban với Quận ủy, tôi đã thay mặt người dân trong tổ dân phố có ý kiến với quận Hoàng Mai và quận trả lời đã có đề xuất TP hoàn thiện khu nhà để bán cho những người thu nhập thấp. Với số căn hộ lớn nếu được hoàn thiện bán cho người dân thì hàng chục năm nay Nhà nước đã thu lại được vốn. Nhưng tiếc thay, đến thời điểm này, những tòa nhà vẫn nằm phơi mưa nắng mà chưa thấy có chuyển biến gì” – bà Đinh Thị Mỹ cho hay.

Không chỉ lãng phí về tiền của, đất đai mà những khu nhà xây xong, không người đến ở để hoang hóa còn gây áp lực về quản lý đô thị cho chính quyền sở tại. Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) Nguyễn Xuân Chinh cho biết, mặc dù trách nhiệm chính đối với dự án Khu nhà sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp là Sở Xây dựng Hà Nội nhưng do không được hoàn thiện, để hoang hóa quá lâu một khu vực có diện tích tương đối lớn, tiềm ẩn phát sinh những sai phạm về trật tự đô thị, mất an ninh an toàn, vệ sinh môi trường xung quanh khu vực, gây khó khăn, phức tạp cho các lực lượng quản lý địa bàn.
“Chính quyền địa phương mong mỏi đề nghị các cơ quan chức năng, lãnh đạo TP sớm có giải pháp đưa vào sử dụng khu nhà để vừa phù hợp với mục đích của TP và cũng để đảm bảo cảnh quan Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp” - ông Nguyễn Xuân Chinh bày tỏ.

Hay như việc chợ Phúc Lý “đắp chiếu” như đã nêu ở bài trước, nguyên nhân được cho là do quy hoạch thiếu tầm nhìn. Một người dân trong khu vực cho biết, dự án được khởi công từ tháng 10/2010 và kéo dài đến tận tháng 10/2017 mới hoàn thành công tác đầu tư xây dựng nhưng sau hơn chục năm chợ Phúc Lý vẫn không thể đi vào hoạt động do chợ được xây dựng trong khu vực vắng dân cư.
“Từ khi chợ hoàn thành, người dân nơi đây cũng vài lần thấy thông tin từ lãnh đạo quận cho biết, chợ sắp đi vào hoạt động. Thế nhưng, sau bao lần ngóng đợi, tất cả chỉ là sự thất vọng. Vậy nên, chợ Phúc Lý được đầu tư xây dựng với kinh phí tiền tỷ, vẫn chỉ là nơi để xe ô tô của một số người trong khu vực” - một người dân bức xúc.

TP Hà Nội vẫn đang đầu tư xây dựng các khu nhà ở sinh viên, nhà TĐC bằng nguồn vốn ngân sách và vốn ngoài ngân sách dưới hình thức đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại để làm nhà TĐC. Tuy nhiên, trước tình trạng nhà xây xong để hoang, trong khi nhu cầu nhà ở của người dân vẫn còn rất lớn, đã đến lúc phải đặt câu hỏi về tính hiệu quả của đầu tư công, gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng ngân sách trong lĩnh vực này và cần nhanh chóng có giải pháp.

(Còn nữa)

"Tài nguyên đất đai không chỉ là vấn đề quan trọng được quan tâm mà ngày càng được nâng tầm vị thế, tiềm năng. Để tạo đột phá cho giai đoạn tới phát triển bền vững cần có nhận thức đồng bộ về đất đai, nguồn tài nguyên đặc biệt của quốc gia để đổi mới hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý." - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần