[Đất đai, công trình xây dựng bỏ hoang: Làm sao tránh lãng phí?] Bài cuối: Căn cơ là sử dụng công cụ thuế bất động sản

Vũ Cúc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã có ý kiến cho rằng, nếu tính đúng, thu đủ và có cơ chế buộc các chủ sử dụng đất phải sử dụng đất hiệu quả thì mỗi năm ngân sách Nhà nước có thể thu được cả trăm nghìn tỷ đồng.

 nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, GS.TSKH Đặng Hùng Võ.
>>> Bài 1: Nhiều dự án, công trình xây dựng bỏ hoang
>>> Bài 2: Nhà xây xong để “đắp chiếu”
Một khối tài sản là đất đai của Nhà nước đang bị để hoang, gây lãng phí vô cùng lớn. Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, GS.TSKH Đặng Hùng Võ xung quanh vấn đề ngăn chặn tham nhũng, triệt tiêu sự lãng phí đất đai.
Thưa ông, trước thực trạng, các tòa nhà xây dựng xong bị bỏ không, nhiều dự án khu đô thị bỏ hoang, nhiều dự án được giao đất nhưng để cỏ dại mọc nhiều năm không thực hiện…, giải pháp xử lý tối ưu hiện nay là gì?

- Các nước phát triển đều sử dụng sắc thuế tài sản là bất động sản (BĐS) để xử lý các trường hợp BĐS bỏ hoang, để đất đai luôn được sử dụng với hiệu suất cao và không gây lãng phí đầu tư trên đất. Khi phải chịu mức thuế cao, mọi chủ sở hữu BĐS đều phải tìm cách khai thác BĐS của mình triệt để, thu lợi nhuận cao nhất để trả thuế. Sắc thuế này có mức thuế cao đánh vào các BĐS bỏ hoang để chủ sở hữu phải tìm cách sử dụng. Đồng thời đánh thuế vào giá trị BĐS tăng thêm mà không do chủ sở hữu BĐS tạo ra.
Một sắc thuế BĐS như vậy làm cho các nhà đầu tư BĐS không nghĩ tới việc thu lợi từ giá trị BĐS tăng thêm mà tập trung vào đầu tư khai thác BĐS. Thị trường BĐS lúc đó mới khỏe khoắn và lành mạnh.
Một số người vẫn nghĩ rằng nâng cao mức thuế đánh vào BĐS sẽ làm cho thị trường khó phát triển, không khuyến khích đầu tư vào BĐS. Sự thực, đây chỉ là những suy luận thiếu thực tế trong phòng máy lạnh. Kinh nghiệm ở nhiều nước phát triển cho thấy, thuế BĐS cao hơn sẽ đem lại một thị trường BĐS lành mạnh hơn, không có đầu cơ, không có tham nhũng, BĐS được khai thác sử dụng triệt để...

Như vậy, ngoài chính sách thuế, biện pháp thu hồi có phải là giải pháp mạnh để ngăn chặn tình trạng dự án bỏ hoang không, thưa ông?

- Nhìn vào quá quá trình thực thi pháp luật đất đai vài chục năm qua, có thể thấy luật pháp đất đai của Việt Nam đã đủ công cụ Nhà nước thu hồi đất đối với đất bỏ hoang, đất không sử dụng, đất sử dụng không hiệu quả. Quy định là vậy nhưng khó triển khai trên thực tế. Luật Đất đai nào cũng quy định rằng Nhà nước thu hồi đất sản xuất nông nghiệp bỏ hoang trong 12 tháng liền. Quy định thế nhưng chưa thu hồi được đất nông nghiệp bỏ hoang của ai. Đối với dự án treo, ta cũng có quy định sau 12 tháng không đưa đất vào sử dụng hoặc sau 24 tháng sử dụng đất không đúng tiến độ thì được gia hạn 24 tháng nữa, khi gia hạn rồi mà sau 24 tháng vẫn bị treo thì Nhà nước thu hồi đất và “lấy” cả tài sản đã đầu tư trên đất. Thế nhưng cũng chưa thu hồi được là bao, dự án treo vẫn “lủng lẳng” khắp nơi, ngay tại Hà Nội cũng đếm tới con số 300 - 400 dự án…

Giải pháp căn cơ vẫn là sử dụng công cụ thuế BĐS để giải quyết cả đất nông nghiệp bỏ hoang, đô thị “ma”, dự án treo, sử dụng đất hiệu quả thấp, đầu cơ đất đai... Rất tiếc rằng giải pháp thuế được đánh giá là hay theo kinh nghiệm quốc tế nhưng áp dụng vào nước ta chậm chạp quá.
Chợ Phúc Lý (quận Nam Từ Tiêm) bị bỏ hoang không sử dụng, trong khi người dân thiếu địa điểm để buôn bán, kinh doanh. Ảnh: Vũ Cúc
Thời gian qua, Hà Nội đã thực hiện nhiều cuộc giám sát, thanh, kiểm tra, xử lý một loạt dự án chậm triển khai nhưng vẫn còn nhiều chủ đầu tư “ôm đất” không đưa vào sử dụng. Vậy đâu là giải pháp để chấm dứt tình trạng này vào thời gian tới, thưa ông?

- Đúng là đất bỏ hoang, nhà bỏ hoang, dự án treo còn nhiều. Cơ quan chức năng có thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các dự án đầu tư khá nhiều, con số rất lớn nhưng xử lý chẳng được bao nhiêu. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là giải pháp thu hồi đất bỏ hoang, đô thị “ma”, dự án treo không phù hợp...

Như đã nói trên, mức cao là sử dụng công cụ thuế, mức thấp là sử dụng công cụ xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền ở mức cao. Sử dụng thuế BĐS phải chờ Quốc hội xem xét và quyết định, sử dụng xử phạt vi phạm hành chính có thể Chính phủ chủ động quyết định bằng Nghị định trong khuôn khổ Luật Xử lý vi phạm hành chính trao quyền cho Chính phủ. Một mình địa phương nào đó muốn thay đổi cho hiệu quả hơn cũng khó, kể cả Hà Nội đã có Luật Thủ đô. Muốn giải quyết sớm, Hà Nội có thể chủ động đưa ra giải pháp trước mắt trong khuôn khổ Luật Thủ đô cho phép.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

"Hiện Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đã có tính đến chuyện áp mức thuế cao nhất đối với nhà bỏ hoang (thực ra vẫn là đất không sử dụng). Tuy nhiên, mức đánh thuế chưa cao, chưa có tính răng đe với những trường hợp bỏ hoang. Điều này dẫn đến thực tế hàng loạt biệt thự bỏ hoang vẫn tồn tại nhiều năm qua. Điểm hạn chế của thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là chưa đánh thuế luỹ tiến nên không phát hiện được ai vượt mức sử dụng đất bao nhiêu.

Thông tin về đất đai “chưa đâu vào đâu” nên cơ quan thuế chưa tính được đối với mỗi hộ gia đình vượt hạn mức đất sử dụng ra sao để tính thuế bao nhiêu là đủ. Vậy là dù đã có chính sách về đánh thuế đất bỏ hoang, biệt thự bỏ hoang 10 năm nay song trên thực tế chưa triển khai được.

Trên thực tế có khá nhiều dự án bỏ hoang, thậm chí có cả khu đô thị xây lên rồi bỏ hoang. Song sự phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan địa chính còn lỏng lẻo, dựa trên nguyên tắc luân chuyển hồ sơ đã được quy định một cửa liên thông để giải quyết thủ tục hành chính lại chưa sát. Chính vì thế, chúng ta dẫu biết thuế đất với một số trường hợp nhiều đất, đất không sử dụng dù thấp mà mãi không áp dụng được việc đánh thuế lũy tiến." - GS.TSKH Đặng Hùng Võ


Thực hiện các nội dung kiến nghị tại Báo cáo của HĐND TP tháng 7 vừa qua, UBND TP Hà Nội giao Sở TN&MT phối hợp với các sở, ngành: KH&ĐT, QH -TK, Tài chính, Xây dựng, Cục Thuế TP Hà Nội, căn cứ các nội dung kiến nghị của HĐND TP rà soát, xử lý. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn 2021 - 2023 việc đôn đốc, kiểm tra, xử lý các dự án sử dụng đất vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn TP với các nội dung cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Báo cáo UBND TP trong tháng 8/2021 để xem xét, chỉ đạo.