Theo Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn, Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng được chuẩn bị công phu, bố cục chặt chẽ, khoa học; nội dung thể hiện tính toàn diện và khái quát cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của cách mạng Việt Nam, thể hiện tính kế thừa và phát triển về tư tưởng, lý luận của Đảng ta; phản ánh được khát vọng, tâm tư, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Chủ đề Đại hội đã thể hiện được toàn cảnh khát vọng, bản lĩnh, trí tuệ của Đảng và thể nguyện mong mỏi của nhân dân trong việc xây dựng một đất nước hòa bình, độc lập, dân chủ, văn minh, giàu mạnh.
Đặc biệt Mục XIV về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng có nhiều điểm mới, từ tên gọi đến nội dung. Cái mới trong tên gọi lần này là thêm cụm từ “cầm quyền của Đảng”. Điều này hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền hiện nay. Bởi vì xét đến cùng, để cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh thì một trong những điều quan trọng nhất là xử lý vấn đề quyền lực của cán bộ, đảng viên.
Góp ý cho định hướng phát triển đất nước nhiệm kỳ tới Báo cáo chính trị đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng của đất nước trong nhiệm kỳ 5 năm tới. Ở góc độ một trung tâm đại học lớn của đất nước, Đảng bộ ĐHQG Hà Nội đóng góp ý kiến về một số vấn đề rất quan trọng mà Đảng ta đã xác định tập trung giải quyết, hoàn thiện trong thời gian tới.
Trong tình hình hiện nay, để tiếp tục phát triển nhanh, bền vững đất nước, xác định các nhiệm vụ đó như là trụ cột, nên bổ sung thêm hai trụ cột liên quan đến đoàn kết và công tác đối ngoại; đồng thời nên điều chỉnh cụm từ “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”.
Góp ý về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030, bổ sung vào điểm thứ 5: Xây dựng văn hóa hòa bình và cơ chế giải quyết các mâu thuẫn, xung đột trong xã hội một cách hòa bình. Bởi các mâu thuẫn, xung đột tiềm ẩn ở mọi xã hội, trong đó có nước ta. Giống như ở nhiều nước khác, ở nước ta hiện nay tiềm ẩn mâu thuẫn, xung đột về nhiều mặt (dân tộc, chủng tộc, tôn giáo, tầng lớp, địa phương...), nếu không được giải quyết kịp thời và đúng cách, những mâu thuẫn, xung đột đó có thể bùng phát, tạo ra sự bất ổn, khi đó việc khắc phục rất khó khăn. Vì thế, nhiều quốc gia đã xây dựng cơ chế giải quyết các xung đột, mâu thuẫn trong xã hội một cách hòa bình. Đi xa hơn, nhiều quốc gia đã thúc đẩy việc xây dựng văn hóa hòa bình, bằng cách tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các giá trị hòa bình trong cư xử, hành động... cho người dân, từ đó giảm thiểu và góp phần giải quyết các xung đột, mâu thuẫn trong xã hội theo cách thức ít đổ vỡ, thiệt hại nhất. Nếu đưa ý trên vào văn kiện, sẽ tạo nền tảng thúc đẩy văn hóa hòa bình, xã hội hòa bình ở nước ta trong thời gian tới. Đây vừa là một tiêu chí của một xã hội/quốc gia/dân tộc văn minh, vừa là điều kiện để tạo ra sự phát triển bền vững…
Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ, theo Giám đốc ĐHQG Hà Nội, cần đề ra giải pháp giám sát việc phân bổ và quyết toán ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ đảm bảo tỷ lệ đề ra. Hiện nay, nước ta đang chuyển đổi mô hình đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ, do vậy cần có những đánh giá hiệu quả của mô hình này. Bên cạnh đó, hiện nay Đảng, Nhà nước đã xác định nhiều ngành, nhiều lĩnh vực được coi là then chốt, quốc sách hàng đầu, khó phân định. Do đó cần đặt giáo dục và đào tạo lên làm mục tiêu hàng đầu để đầu tư phát triển thật sự nhằm đào tạo nguồn nhân lực có năng lực trình độ chuyên môn cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là yếu tố quyết định nhất đem lại sự phát triển, thịnh vượng của đất nước và làm thay đổi căn bản trình độ dân trí.