Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Đắt hàng” đăng ký xét tuyển, điểm chuẩn ngành sư phạm dự báo tăng cao

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Năm 2024, số nguyện vọng đăng ký vào ngành sư phạm tăng 85%; trong khi chỉ tiêu được giao giảm mạnh. Căn cứ thực tế điểm thi tốt nghiệp THPT và những yếu tố liên quan, các chuyên gia tuyển sinh nhận định, điểm chuẩn ngành sư phạm sẽ tăng cao.

Năm 2024, cả nước có hơn 733.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, tương đương 68,5% số dự thi tốt nghiệp, tăng khoảng 73.000 so với năm ngoái.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2. Ảnh: FBNT
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2. Ảnh: FBNT

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong gần 400 ngành đào tạo, chia thành 24 lĩnh vực thì 4 lĩnh vực thu hút nhiều thí sinh nhất là kinh doanh và quản lý, kỹ thuật và công nghệ, máy tính, sư phạm.

Đáng chú ý, ngành sư phạm có số thí sinh đăng ký nhiều nhất trong 4 năm trở lại đây, tăng khoảng 200.000 nguyện vọng, tương đương tăng 85% so với năm ngoái. Số nguyện vọng tăng này trải đều vào các trường đào tạo sự phạm trên cả nước.

TS Trần Bá Trình - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: trường nhận được khoảng 40.000 nguyện vọng (cho cả ngành đào tạo giáo viên và ngoài sư phạm). Trước đó, với các phương thức xét tuyển sớm, nhà trường đã ghi nhận số nguyện vọng tăng mạnh. Thí sinh đăng ký kỳ thi đánh giá năng lực của trường tăng gấp 2,5 lần năm ngoái.

Với Trường ĐH Đà Lạt, tổng số nguyện vọng đăng ký năm 2024 là khoảng 15.000, còn tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 và Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, số nguyện vọng đăng ký lần lượt là 32.900 và 51.600; tăng khoảng 1,9 - 2,2 lần so với năm 2023.

Số nguyện vọng đăng ký tăng đến 85%, trong khi chỉ tiêu được giao của các trường sư phạm lại giảm mạnh. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội ban đầu dự kiến tuyển hơn 2.600 sinh viên nhưng sau đó chỉ còn hơn 2.200. Một số ngành có số lượng chỉ tiêu rất thấp như sư phạm vật lý (15 chỉ tiêu), sư phạm hóa học (20 chỉ tiêu), sư phạm sinh học (25 chỉ tiêu).

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 được Bộ GD&ĐT giao tuyển gần 1.400 chỉ tiêu, giảm khoảng 40% so với số trường tự xác định. Trường ĐH Sài Gòn cũng thông báo điều chỉnh chỉ tiêu; nhiều ngành giảm đến 50% so với đề án đã công bố.

Từ thực tế về số nguyện vọng, chỉ tiêu, cùng phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay, nhiều trường dự báo điểm chuẩn các ngành sư phạm tăng.

TS Trần Hữu Duy - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Đà Lạt dự đoán điểm chuẩn tại tất cả các ngành sư phạm đều tăng bởi phổ điểm các khối tuyển sinh bằng hoặc tăng so với năm ngoái.

Với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, TS Trần Bá Trình nhận định mức tăng chung có thể là 0,25 - 1 điểm. Một số ngành giảm chỉ tiêu so với năm ngoái như sư phạm vật lý, hóa học, sinh học, điểm chuẩn có thể cao hơn 1 - 2 điểm.

Còn tại Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, TS Huỳnh Trung Phong - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Phát triển khởi nghiệp dự báo, điểm chuẩn các ngành sư phạm toán, văn, Anh có thể chạm mốc 29, tăng 1 - 2 điểm; các ngành khác thuộc nhóm đào tạo giáo viên khả năng tăng trong khoảng 1 điểm.

Theo kế hoạch, sau khi kết thúc thời gian thanh toán lệ phí xét tuyển, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai công tác lọc ảo 6 lần trong khoảng thời gian từ ngày 13/8 đến 17 giờ ngày 17/8/2024.

Sau lần lọc ảo thứ 6 vào chiều 17/8, các nhà trường sẽ tải về kết quả xử lý nguyện vọng lần thứ 6 và chuẩn bị cho việc công bố điểm chuẩn trúng tuyển.

Trước 17 giờ ngày 17/8, các trường nhập mức điểm trúng tuyển và kết quả xét tuyển lên hệ thống, rà soát và chuẩn bị công bố kết quả trúng tuyển.

Chậm nhất là 17 giờ ngày 19/8, các trường đại học trên cả nước công bố điểm chuẩn và thông báo kết quả trúng tuyển đợt 1.