Cái nóng 37 - 38 độ mùa Hè chở thêm trong nó sức nóng của thi cử, của đường sá, tàu xe và của cả những đôi mắt ngóng trông, đợi chờ và hy vọng…Thăng Long - Hà Nội là thế, xưa nay mãi là “cái nôi” của học hành khoa bảng, “cái nôi” nuôi dưỡng hiền tài, từ thuở sĩ tử lai kinh ứng thí, qua đận rồng rắn muôn nẻo đường về tụ hội mùa thi, cho đến hôm nay với bao đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo.
Từ thuở “Lều chõng”…
Chuyện học và thi nơi Hà thành đô hội là câu chuyện dài với đủ đầy thăng trầm theo thời gian và lịch sử, song chưa bao giờ đứt đoạn và thiếu vắng những “bảng vàng”.
Ông nội khi xưa cứ dăm lần bảy lượt cầm cuốn “Lều chõng” của Ngô Tất Tố đặt vào tay thằng cháu đích tôn là tôi mà rằng: “Muốn biết chuyện thi cử, đỗ đạt ở chốn con sinh ra thế nào, cứ đọc quyển này là rõ hết! Toàn bộ kinh nghiệm dùi mài kinh sử học và thi chữ Hán của bản thân, kết hợp với những chuyện trong nhà và những điều mắt thấy tai nghe chốn trường ốc đã là chất liệu sống động cho Ngô Tất Tố viết “Lều chõng”.
Quả là khi đầu đã hai thứ tóc, tôi càng thấm hơn điều ông nội nói, “Lều chõng” thực sự là một thiên phóng sự chân thực viết dưới hình thức tiểu thuyết tỏ bày cách thức thi cử theo lối Nho giáo thời hậu kỳ nhà Nguyễn, nhưng nó là cả một truyền thống kéo dài hàng mấy trăm năm kể từ khi nước Việt áp dụng lối khoa cử này.
Thuở ấy, sĩ tử vào trường thi phải cõng theo lều, chõng cùng bút nghiên, giấy mực và đồ ăn thức uống. Lều để tự mình cắm lên ngồi thi, còn chõng để làm bàn viết, làm nơi mài mực, làm “điểm tựa” để thảo những chữ Nho như rồng múa phượng bay… Thời ấy, có những sĩ tử loay hoay trong mưa gió vì lều rách, chõng ướt, mà vẫn phải lo làm bài thi cho kịp. Thời ấy, sĩ tử lai kinh ứng thí phải tuân theo các phép tắc trường thi với vô số quy định ngặt nghèo về kỵ húy, về đóng dấu “nhật trung”... Thời ấy, cả trăm người đi thi chỉ có một, hai người trúng tuyển, nên con đường học hành, thi cử hết sức gian nan, nghiệp khoa cử lắm khi đeo đẳng gần hết đời người.
Hình thức thi cử đó đã dai dẳng nơi các trường thi gần 9 thế kỷ, kỳ thi đầu tiên được tổ chức vào năm 1075 (thời vua Lý Nhân Tông), kỳ thi cuối cùng được tổ chức vào năm 1919 (thời vua Khải Định). Có tất cả 185 kỳ thi được tổ chức, tuyển được 2.991 vị tiến sĩ, trong đó chọn được 46 trạng nguyên. 82 Bia Tiến sĩ rạng danh trong khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám bây giờ là một dấu ấn không thể phôi phai của hành trình đó.
Các nhà nghiên cứu văn hóa đã khẳng định, chính vì sự tiếp nối của bao nhiêu thế hệ sĩ tử trong gần 900 năm đó mà tinh thần trọng sự học, biết ơn thầy, lòng tin tưởng học vấn, thi cử là con đường tiến thân chắc chắn nhất mở ra cho mọi người, đã thấm sâu vào tâm lý của người Việt. Truyền thống đó đã ăn sâu vào trong tư tưởng, tâm lý của người dân, nên mỗi bậc cha mẹ dù ở địa vị xã hội nào cũng cố gắng khuyến khích con mình học hết bậc đại học. Nó cũng là lời lý giải đầy thuyết phục cho câu hỏi tại sao sinh viên Á Đông, nhất là Việt Nam có tiếng học giỏi tại các trường đại học trên thế giới sau này.
Đến câu chuyện đổi mới giáo dục
Hai ngày vừa qua (27 và 28/6), gần 109.000 thí sinh Hà Nội đã “vác bút nghiên” đến 196 điểm thi để “ứng thí” mong nhận về tấm bằng Tú tài sau 12 năm đèn sách phổ thông và tìm cơ hội đón tấm bằng Cử nhân ở phía trước. Có ngắm nhìn người Hà Nội hôm nay nghĩ và làm mới thấy, cứ mỗi độ mùa thi đến là cả hệ thống chính trị lại vào cuộc; chuẩn bị chu đáo không chỉ cơ sở vật chất, mà cả các điều kiện đảm bảo an ninh, an toàn để đón các sĩ tử vào trường thi.
Với quy mô thí sinh dự thi lớn nhất trong các địa phương và chiếm 1/10 tổng số thí sinh dự thi của cả nước, Ban Chỉ đạo thi các cấp của TP Hà Nội đã ưu tiên cao nhất các điều kiện để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, đúng quy chế, chu đáo và thân thiện. Không chỉ được chuẩn bị sẵn trường lớp, bàn ghế, sĩ tử hôm nay còn được “lo hộ” cả giấy thi, giấy nháp, nước uống, y tế, giao thông…
Sự học hôm nay không còn gian nan như thuở xưa, sĩ tử hôm nay không còn vất vả lều chõng, bút nghiên như độ nào. Vẫn biết đó là sự phát triển tất yếu của đời sống xã hội, song phải ghi nhận đó là trái ngọt của hành trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo mà ngành “trồng người” đã nỗ lực theo đuổi lâu nay.
Sống ở Hà Nội từ trước năm đổi mới 1986 cả thập kỷ, tôi được chứng kiến đủ đầy cảnh sĩ tử các tỉnh, thành lỉnh kỉnh đồ đạc “lai kinh ứng thí” khi Hè đổ lửa trường thi. Ấy là những tháng năm chưa có Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia (kỳ thi “2 trong 1”), các Tú tài phải khăn gói về Thủ đô tham dự kỳ thi tuyển chọn cử nhân, kỹ sư tương lai. Không sao quên được cảnh nghìn nghịt nơi bến xe, ga tàu; không sao quên được tình trạng tắc nghẽn các nẻo đường vào TP, tình trạng “cháy phòng trọ” liên miên cả tháng trời… Rồi cảnh cha và con tay xách nách mang nào túi, nào vali lang thang các ngõ nhỏ Hà thành tìm thuê phòng trọ trong mấy ngày con “lai kinh ứng thí”. Thậm chí, trước cái ngày cha con được về Thủ đô ấy, cha đã phải bán đi lứa lợn nuôi cả nửa năm trước để chuẩn bị cho con một cánh cửa rộng vào đời…
Nay thì đã khác, thí sinh các tỉnh, thành được thi tại “quê hương”, ăn cơm nhà, ngủ tại gia, trút bỏ hoàn toàn nỗi lo phòng trọ, xe khách. Ngay cả chuyện đăng ký dự thi, chọn trường, chọn ngành, nộp hồ sơ, nhận giấy báo thi… cũng giản tiện đi nhiều vì có sự hỗ trợ đắc lực của số hóa, của công nghệ thông tin, của internet.
Sĩ tử thời nay và cả phụ huynh của sĩ tử như được “giảm tải” lo toan nhờ hành trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo. Hà thành không từ chối sĩ tử về tụ hội, mà hẹn đón các cô trò cậu cử sau tiếng reo vui “Đỗ đại học rồi!”. Bởi mảnh đất này vẫn tự hào khi có tới 80% số trường đại học, học viện, viện nghiên cứu của cả nước, 82% số phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, 65% tổng số giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, tiến sĩ khoa học đang sinh sống và làm việc.
Ngược thời gian từ thuở “Lều chõng” đến đô thị hiện đại hôm nay để thấy, dù kinh qua bao thăng trầm, song có lẽ chưa bao giờ, sự học nơi Hà thành đô hội - từ thuở kinh kỳ nô nức, đến buổi giao thoa và hội nhập văn hóa hôm nay - vơi đi những nhiệt huyết, khát khao và thành tựu, thiếu đi những cái tên khoa bảng làm rạng rỡ đất nghìn năm. Không sai khi nơi này được mệnh danh Đất học muôn đời.