Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đặt mục tiêu tăng trưởng 10 - 10,5%

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 8/12, tại Kỳ họp thứ 3, HĐND TP khóa XIV, các đại biểu đã thảo luận và thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 của TP Hà Nội với 80% phiếu tán thành.

Nghị quyết đưa ra những mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô năm tới là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý; cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới cơ cấu và nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân…
 
Giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn

Giải pháp phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội, Nghị quyết đề ra là tiếp tục rà soát sửa đổi các quy định, thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhất là về lãi suất ngân hàng... Cùng với đó, Nghị quyết cũng đặt mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, có nhiều sản phẩm xuất khẩu. Rà soát lại quy hoạch các khu công nghiệp, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí. Lấp đầy KCN tập trung Phú Nghĩa (Chương Mỹ) và cụm công nghiệp Quất Động (Thường Tín). Xây dựng, phát triển đồng bộ và quản lý tốt các loại thị trường: thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường lao động... Khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, tăng cường huy động các nguồn vốn khác cho phát triển.
 
Ông Nguyễn Hữu Thắng Đại biểu huyện Từ Liêm: Nếu đặt "đầu bài" quá cao sẽ khó đạt

Năm 2012 chắc chắn sẽ rất khó khăn, nên các chỉ tiêu kinh tế - xã hội không dễ gì đạt được nếu đặt ra "đầu bài" quá cao. Số liệu từ cơ quan thuế cho biết, có tới 40% số doanh nghiệp mới đăng ký ở Hà Nội hoạt động cầm chừng hoặc không sản xuất, kinh doanh gì. Với tình hình năm tới không thuận lợi, sẽ có nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản. Do đó, doanh nghiệp đang chờ đợi thành phố vào cuộc như thế nào để hỗ trợ họ vượt quá giai đoạn này. Do đó, không nên tiếp tục dùng chỉ tiêu tăng GDP như "thước đo" cho sự phát triển của thành phố. Hà Nội năm nào cũng phải chịu áp lực rất lớn về tăng GDP theo kiểu năm sau phải cao hơn năm trước. Đã tới lúc phải đánh giá lại việc này bởi GDP đâu phải chỉ số phản ánh được đầy đủ đời sống người dân.

Việc điều hành và kiểm soát tăng trưởng tín dụng, hoạt động của các tổ chức tín dụng, bảo đảm chấp hành đúng các quy định về quản lý tiền tệ, tín dụng. Điều chỉnh cơ cấu tín dụng hợp lý, tập trung vốn cho sản xuất - kinh doanh, nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu; giữ mặt bằng lãi suất hợp lý, cũng được đưa vào Nghị quyết.

Trong cuộc thảo luận, các đại biểu đều tán thành với những giải pháp này. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Doãn Hoàn (huyện Thạch Thất) cho rằng: Năm 2012 để duy trì tốc độ phát triển là rất khó khăn bởi hệ lụy của suy thoái kinh tế và thắt chặt tín dụng. Nhiều doanh nghiệp hiện đã đứng trước nguy cơ phá sản bởi việc tiếp cận nguồn vốn vay khó khăn (bởi 20% nguồn vốn của doanh nghiệp là vốn vay). Cùng với đó, lãi suất cao, các doanh nghiệp cũng ảnh hưởng không ít, để đẩy tốc độ tăng trưởng là việc không dễ.

Nhiều đại biểu đề nghị, Thành phố nên xem xét lại phần cân đối ngân sách và hỗ trợ cho doanh nghiệp nhiều hơn. Bởi, nếu có tiêu thụ hàng hóa tốt, xây dựng thị trường, mới thúc đẩy sự phát triển. Việc đề xuất các chỉ tiêu cũng được cho là chưa chuẩn xác, chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2012 chỉ là 2 - 2,5% trong khi tăng trưởng trong lĩnh vực này của năm 2011 là 4,38%.

 
Quản lý đô thị trông vào quy hoạch
 
 
Đặt mục tiêu tăng trưởng 10 - 10,5% - Ảnh 1
 
Ấn nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng năm 2012. Ảnh:  Thanh Hải

Trong nhóm giải pháp về tăng cường công tác quy hoạch, quản lý trật tự đô thị, giao thông… Nghị quyết cũng đặt ra các giải pháp phát triển giao thông tĩnh, xã hội hóa đầu tư các bến, bãi đỗ xe. Nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng. Tăng cường quản lý kinh doanh vận tải taxi. Tổ chức lại giờ làm việc, giờ học và hoạt động của các trung tâm thương mại một cách khoa học. Triển khai đề án quản lý giao thông thông minh trên các trục chính của thành phố. Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm giao thông đô thị. Phấn đấu hoàn thành các tuyến đường: Văn Cao - Hồ Tây, đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng, đường Vành đai 1 (Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu)...
 
Đầu tư một số cầu vượt có kết cấu nhẹ tại một số nút giao thông trên các tuyến đường Vành đai 2, 3 và một số nút giao thông quan trọng. Triển khai đầu tư các tuyến đường quan trọng: đường 5 kéo dài, đường nối từ quốc lộ 5 - khu công nghiệp HAPRO, từ đường Phạm Văn Đồng - Trường Đại học Mỏ - Địa chất,... Phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải triển khai các tuyến đường: Hà Nội - Hải Phòng, cầu Nhật Tân, Hà Nội - Thái Nguyên...

Giao thông cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Vũ Cao Minh (quận Thanh Xuân) đề nghị thành phố cần tính toán kỹ các giải pháp chống ùn tắc giao thông. Ngay cả việc điều chỉnh giờ học, tăng phí dù là cần thiết những cũng phải tính đến hiệu quả thực. Việc phân làn phân tuyến vừa qua thực sự không đạt được kết quả, thành phố cần rút kinh nghiệm. Đại biểu Nguyễn Hoàng Nam (quận Hai Bà Trưng) cho rằng, giải pháp cơ bản nhất của việc giảm ùn tắc giao thông là vấn đề quy hoạch và quản lý quy hoạch như việc không xây dựng nhà cao tầng, giãn dân ra ngoại thành, tăng quỹ đất dành cho giao thông. Điều đó phải lượng hóa bằng các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của thành phố nhưng lại không thấy đặt ra vấn đề này trong kế hoạch.

Theo ông Lê Văn Hoạt, Phó Chủ tịch HĐND TP, những vấn đề các đại biểu đưa ra sẽ được tiếp thu và đưa vào Nghị quyết.

Chỉ tiêu kinh tế - xã hội TP Hà Nội năm 2012

Chỉ tiêu tăng trưởng GDP của Hà Nội đạt từ 10 - 10,5%; kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng 15%; Tổng vốn đầu tư xã hội tăng 15-17%; Trường đạt chuẩn Quốc gia tăng thêm 100 trường; Tỷ lệ đối tượng trong độ tuổi hoàn thành phổ cập giáo dục bậc THPT đạt 84%; Số lao động được tạo việc làm mới là 139.000 người; Giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn 1,5%; Lượng nước sạch tăng thêm 100.000m3/ngày đêm; Tỷ lệ dân số đô thị sử dụng nước sạch đạt 100%; Tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt trong ngày tại các quận, thị xã duy trì ở mức 98%, tại các huyện duy trì ở mức 75%; Tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%...