Dấu ấn của Tổng thống Barack Obama

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 8 năm là ông chủ Nhà Trắng, ông Barack Obama không chỉ để lại một di sản đồ sộ trong các vấn đề chính trị, kinh tế - xã hội cả ở trong nước và quốc tế, mà còn là vị Tổng thống nhận nhiều sự yêu quý từ người dân nhất trong lịch sử nước Mỹ.

 Tổng thống Obama cùng các cộng sự theo dõi quá trình tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden.
Di sản đồ sộ

Nếu như đầu năm 2009 khi ông Obama mới lên nắm quyền, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ chạm con số kỷ lục 10,3% thì nay, sau 8 năm con số này đã giảm một nửa, còn 5%. Thị trường chứng khoán Mỹ cũng đang gần chạm mức cao nhất mọi thời đại.

Trong vấn đề kinh tế, nước Mỹ ở thời điểm khi ông Obama mới nhậm chức đang trong tình trạng “rơi tự do”. Tình trạng thất nghiệp ở mức hai con số, giá nhà đất suy sụp và ngành công nghiệp tài chính chao đảo trên đà sụp đổ. Bức tranh 8 năm sau đó ổn định hơn, với tăng trưởng khiêm tốn, dù thành quả này không dễ dàng và nhanh chóng đạt được. Chủ tịch Lawrence Mishel thuộc Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế cho rằng, thành tựu lớn nhất của Tổng thống Obama là đưa nước Mỹ ra khỏi cái hố rất sâu mà ông ấy thừa hưởng từ cuộc suy thoái. Ông ấy đã nỗ lực đảm bảo rằng điều đó không bao giờ xảy ra nữa bằng đạo luật cải cách ngân hàng Dodd-Frank. Đạo luật Dodd-Frank được thông qua tháng 5/2010. Theo đó, một cơ quan giám sát độc lập được thành lập để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng Mỹ trước những cái bẫy tín dụng mà các ngân hàng giăng ra để hút khách. Về hoạt động thương mại, Tổng thống Obama đã hoàn tất hai thỏa thuận thương mại quan trọng, đó là Thỏa thuận Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Thỏa thuận Đối tác Thương mại và Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương (TIPP)…

Đi vào lịch sử nước Mỹ là Tổng thống da màu đầu tiên, sau hai nhiệm kỳ Tổng thống Barack Obama đã để lại di sản đối ngoại nổ bật với thỏa thuận hạt nhân Iran và việc bình thường hóa quan hệ với Cuba, đánh dấu giai đoạn "tan băng" nổi bật trong quan hệ giữa Mỹ và các đối thủ lâu năm. Ông Obama cũng là người đã rút lực lượng Mỹ khỏi chiến trường Iraq và Afghanistan - thực hiện lời hứa then chốt trong chiến dịch tranh cử của ông. Một di sản lớn khác mà người đứng đầu nền kinh tế lớn nhất thế giới đã thực hiện được, đó là việc tuyên bố tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden - người đứng sau vụ tấn công ngày 11/9 đen tối nhất trong lịch sử nước Mỹ. Với tuyên bố này, sự giận dữ của hàng triệu người Mỹ sau sự mất mát từ vụ khủng bố 11/9 đã phần nào nguôi ngoai.

Dù đảng Dân chủ nỗ lực thúc đẩy chương trình cải cách y tế toàn diện suốt nhiều thập kỷ qua, song phải tới chính quyền Obama, các chương trình này mới đạt được thành quả. Do một bước lùi trong việc bỏ phiếu tại Thượng viện trước biểu quyết cuối cùng thông qua dự luật này, phần lớn công việc lập pháp vẫn còn dang dở, khiến cho việc thực thi chương trình này trở thành thách thức. Tuy vậy, tỷ lệ người Mỹ không có bảo hiểm y tế giảm từ 15,7% (năm 2011) xuống còn 9,1% (năm 2015).

Chính quyền của ông Obama đã đóng góp vào thành công của hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, trong đó Mỹ cùng với 185 quốc gia khác cam kết cắt giảm lượng khí gây hiệu ứng nhà kính. Họ cũng đưa ra rất nhiều quy định nhằm quản lý ô nhiễm đến từ các nhà máy nhiệt điện than và hạn chế khai thác than cũng như dầu và khí trên các vùng đất thuộc quyền sở hữu của chính quyền liên bang và các vùng biển gần bờ. Ông Obama cũng đã đưa gần 222 triệu hecta đất vào các khu bảo tồn - nhiều hơn bất kỳ tổng thống tiền nhiệm nào.

Khó có thể giữ vững

Việc có thể gìn giữ được những di sản mà Tổng thống Obama để lại vẫn đang là một dấu chấm hỏi với chính quyền của ông Trump. Bởi, ngay tại thông điệp về kế hoạch hành động trong vòng 100 ngày đầu tiên kể từ khi chính thức tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1, Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên sẽ rút Mỹ khỏi TPP – trụ cột trọng yếu trong chiến lược tái cân bằng hướng tới châu Á và là một di sản đối ngoại lớn nhất của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Nước Mỹ đang dẫn bước sang trang mới với những góc nhìn khác về lợi ích quốc gia. “Ông Trump có cách nhìn khác về lợi ích quốc gia, rất khác so với quan điểm trước nay, kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. Cuộc chuyển giao quyền lực giữa chính quyền Tổng thống Obama và ông Trump là bước rẽ lịch sử trong cách nước Mỹ nhìn nhận về bản thân và lợi ích quốc gia”, giám đốc Thomas Wright của Dự án Trật tự và Chiến lược Quốc tế cho biết.

Không phải lợi ích của nước Mỹ thay đổi, mà những người ở vị trí xác định lợi ích đó đã thay đổi. Nắm cả chính quyền và đa số ghế tại lưỡng viện Quốc hội, Tổng thống đắc cử Donald Trump và phe cộng hòa đang có thuận lợi cơ bản để gây dựng một nước Mỹ mới. Trong đó, những di sản của chính quyền Tổng thống Barack Obama và đảng Dân chủ có lẽ sẽ không còn chỗ đứng. Mới là tuần đầu tiên, Quốc hội khóa mới đi vào hoạt động và còn đến 10 ngày nữa, Tổng thống đắc cử Donald Trump mới chính thức chuyển vào Nhà Trắng để điều hành nước Mỹ. Thế nhưng, lần lượt nhiều dấu ấn trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama có thể bị bãi bỏ, điều chỉnh hoặc thay đổi hoàn toàn. Tuy nhiên, việc nó sẽ tốt lên, hay xấu đi điều đó còn cần thời gian để kiểm nghiệm.