Bác Hồ đón Tết ở Cần Kiệm
Theo tài liệu lịch sử của Đảng bộ xã Cần Kiệm, đầu năm 1947, trên đường lên chiến khu Việt Bắc, Bác đã bí mật về ở và làm việc tại xóm Lài Cài. Trong 19 ngày đêm ở đây (13/1 – 2/2), Bác được gia đình cụ Nguyễn Đình Khuê dành riêng cho ngôi nhà nhỏ để ở. Tại đây, đã có nhiều cuộc họp quan trọng của Đảng và Chính phủ, bàn về những công việc lớn trong cuộc kháng chiến kiến quốc. Cũng tại ngôi nhà này, Bác đã dành thời gian viết thư chúc Tết gửi chiến sĩ, đồng bào cả nước. Đêm 30 Tết năm ấy, Bác đến hang núi chùa Trầm, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ - nơi Đài Tiếng nói Việt Nam sơ tán để đọc thơ chúc Tết chiến sĩ, đồng bào cả nước.
Nhà lưu niệm Bác Hồ ở xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất.
|
Chị Nguyễn Thị Lũy (cháu nội của cụ Nguyễn Đình Khuê), người đang trực tiếp chăm nom, kiêm nhiệm vụ hướng dẫn, giới thiệu về lịch sử ngôi nhà mỗi khi có khách đến thăm xúc động khi kể về những ngày Bác đón Tết cùng gia đình: “Dù là thế hệ hậu sinh, được nghe cha, ông kể lại, nhưng qua những câu chuyện, tôi vẫn thấy rất tự hào vì gia đình đã có lúc được ăn Tết cùng Bác”. Cũng dịp Tết Đinh Hợi năm đó, Bác Hồ đã viết 4 chữ "Cung chúc tân xuân" để tặng gia đình cụ Khuê. Lời chúc đầu xuân năm mới của Bác được gia đình đóng khung, gìn giữ cẩn thận và treo tại Nhà lưu niệm để khách mọi miền đến tham quan. Chị Lũy cho biết thêm, trước kia, lối vào Khu nhà lưu niệm là đường đất, nay được lát bằng đá ong để thuận tiện cho khách tham quan. Riêng khu sân rộng với toàn bộ cây cối vẫn được giữ nguyên như trước. Hiện nay, một số hiện vật về cuộc sống của Bác trong những ngày làm việc ở Cần Kiệm đã được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Tại ngôi nhà lưu niệm, những kỷ vật quen thuộc vẫn được lưu giữ từ chiếc giường, bàn ghế làm việc bằng gỗ mộc mạc đến chiếc chậu rửa mặt và chum đựng nước đều toát lên nếp sống giản dị của Bác Hồ. Những năm qua, Đảng bộ, Nhân dân huyện Thạch Thất nói chung, xã Cần Kiệm nói riêng luôn gìn giữ những kỷ niệm quý báu về Bác. Nhà lưu niệm Bác Hồ được bảo tồn nguyên trạng và được Bộ VHTT&DL cấp bằng chứng nhận "Di tích lịch sử cách mạng".
Tự hào truyền thống cách mạng
Cần Kiệm không chỉ được Bác Hồ chọn làm nơi dừng chân mà còn là mảnh đất có truyền thống cách mạng, yêu nước. Tài liệu lịch sử của Đảng bộ xã Cần Kiệm cho thấy, từ năm 1953, thực dân Pháp đã tiến hành nhiều cuộc vây ráp nhằm giảm sức chi viện của quân và dân ta với chiến trường Điện Biên Phủ. Cũng vào thời điểm này, đội dân quân du kích của huyện Thạch Thất được thành lập (gồm các xã Cần Kiệm, Hạ Bằng, Tân Xã, Đồng Trúc). Phát hiện lực lượng của ta, địch đã tổ chức đánh úp với quy mô lớn và trên diện rộng. Ngày 11/3/1953, tại dốc núi Nứa, xã Cần Kiệm đã diễn ra trận đánh giáp lá cà vô cùng ác liệt giữa ta và địch. Mặc dù lực lượng quá chênh lệch, quân ta chỉ có 11 người, song các chiến sĩ vẫn quyết tâm bám trụ, giành giật từng lùm cây, mỏm núi, chiến đấu tiêu diệt địch đến viên đạn cuối cùng…
Chiến tranh đã lùi xa nhưng tinh thần quyết tâm đánh giặc, sẵn sàng hy sinh để giữ đất, giữ làng vẫn còn sống mãi trong tâm khảm của bao lớp người dân Cần Kiệm. Để ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, năm 1983, huyện Thạch Thất đã xây dựng tượng đài “Cảm tử quân” tại núi Nứa. Cùng với chùa Tây Phương, chùa Cực Lạc, Khu nhà lưu niệm Bác Hồ..., tượng đài núi Nứa đã trở thành một điểm nhấn trong quần thể du lịch văn hóa – lịch sử cách mạng của huyện Thạch Thất, là địa chỉ đỏ, nơi giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng sâu sắc, vì độc lập, tự do của Tổ quốc cho bao thế hệ trẻ nơi đây.
Hơn 60 năm qua, phát huy truyền thống cách mạng, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, cán bộ, Đảng viên, Nhân dân xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất lại thực hiện phong trào Tết trồng cây theo lời Bác. Đến nay, toàn huyện Thạch Thất đã trồng được hàng ngàn héc - ta cây bóng mát, cây lấy gỗ phủ xanh đồi trọc và làm đẹp thêm những tuyến đường, đời sống của người dân ngày một nâng cao.