Nhà nhà đọc Kim DungTiểu thuyết gia Kim Dung qua đời hôm 30/10 ở tuổi 94 vì tuổi cao, sức yếu. Hơn nửa thế kỷ viết lách, ông là cánh chim đầu đàn của dòng tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc. Những ấn phẩm như “Thiên long bát bộ”, “Tiếu ngạo giang hồ”,” Thần điêu hiệp lữ”,” Ỷ thiên đồ long kỳ”... in đậm trong lòng độc giả ở các nước châu Á. Tại Việt Nam, nhiều bộ tiểu thuyết của Kim Dung được tái bản qua hàng chục năm. Đông đảo nhà nghiên cứu, phê bình và giới yêu văn học trong nước nhận xét Kim Dung là một trong những tác gia Trung Quốc được đọc và yêu thích nhất.Theo lời kể của một số độc giả lớn tuổi, truyện Kim Dung bắt đầu tạo cơn sốt tại Việt Nam từ đầu thập niên 1960, với ấn phẩm “Cô gái Đồ Long” (tên gốc là “Ỷ thiên Đồ long ký”) của dịch giả Tiền Phong Từ Khánh Phục, đăng trên báo Đồng Nai. Trước đó, một số bản dịch của truyện Kim Dung như “Bích Huyết kiếm”, “Anh hùng xạ điêu”, “Thần điêu đại hiệp”... đã đăng trên các báo Đồng Nai, Dân Việt...Nhà văn Lê Minh Quốc còn nhớ, ở miền Nam trước năm 1975, mỗi chương truyện Kim Dung viết đăng trên tờ Minh Báo đều được các dịch giả Sài Gòn chú mục vào đọc và dịch ngay tức khắc. Người người đọc Kim Dung, nhà nhà đọc Kim Dung, có những người lấy tên nhân vật của ông đặt tên cho con, nhiều điều từ tác phẩm của ông đã đi vào đời sống người miền Nam tự nhiên như câu đồng dao của lũ trẻ: Nhất dương chỉ - nhị thiên đường - tam tông miếu - tứ đổ tường - ngũ vị hương - lục tào xá... hay Nhạc Bất Quần đã trở thành danh từ chung chỉ một hạng người "ngụy quân tử".Độc giả Sài Gòn nói riêng, bạn đọc miền Nam nói chung yêu truyện Kim Dung, nhất là qua bản dịch của Hàn Giang Nhạn vốn rất hợp với truyện chưởng. Người Sài Gòn xưa mê Kim Dung đến nỗi lời ăn tiếng nói, cách đặt tên quán xá, tên người (Hoàng Dung, Vi Tiểu Bảo, Quách Tĩnh, Đoàn Dự), khẩu khí sinh hoạt đời thường... đều phảng phất phong vị các tác phẩm của ông.Tác phẩm sẽ còn lưu truyền nhiều thế hệTác giả của “Thiên long bát bộ” luôn sử dụng một thứ văn chương mềm mại, giàu chất thơ. Sự uyển chuyển hào hoa của văn chương Kim Dung thường được so sánh với vẻ lạnh lùng sắc gọn của văn Cổ Long, như những đối nghịch đầy biến ảo của tiểu thuyết võ hiệp. Đọc truyện Kim Dung không chỉ để cảm những nội dung đơn thuần của cõi giang hồ, mà còn thấy sự lồng ghép những biến cố của lịch sử và thời đại, những kết tinh tinh thần Nho – Phật – Đạo. Các tiểu thuyết kinh điển của Kim Dung đã được dịch sang nhiều thứ tiếng như tiếng Việt, Anh, Nhật, Hàn, Thái, Malaysia… Còn kể tới người hâm mộ Kim Dung thì đếm không xuể, vì không chỉ tại Trung Quốc mà còn khắp nơi trên thế giới.Theo lời kể của người bạn thân, nhà văn Đào Kiệt, mấy năm nay sức khỏe của nhà văn Kim Dung giảm sút rất nhiều, ông nói không thành tiếng, mọi sinh hoạt trở nên khó khăn. Giới văn học và các nghệ sĩ vẫn thường xuyên hỏi thăm sức khỏe của ông. Những ngôi sao điện ảnh Trung Quốc như Lưu Đức Hoa, Lý Liên Kiệt, Trần Nghiên Hy cũng không quên bày tỏ những lời khóc thương nhà văn Kim Dung. Khi còn tỉnh táo, nhà văn Kim Dung vẫn hy vọng những tác phẩm do mình viết ra có thể lưu truyền được 100 - 200 năm nữa. Hy vọng đó không hẳn không có cơ sở.Dù nhà văn Kim Dung đã về cõi vĩnh hằng, tên ông cùng nhiều tác phẩm kinh điển võ hiệp sẽ sống mãi trong lòng nhiều thế hệ sinh ra trong thế kỷ XX, XXI và xa hơn nữa. Dấu hiệu đầu tiên là lời hứa sẽ tiếp tục phát triển tiểu thuyết của ông từ con gái nhà văn Kim Dung.