Tham dự có Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng đồng phê bình lý luận văn học T.Ư Nguyễn Thế Kỷ; Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam Lê Tiến Thọ… cùng lãnh đạo sở, ban ngành tỉnh Nghệ An, các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ và gia đình nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong.
Cái nôi nuôi dưỡng
Thay mặt Ban Tổ chức, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An Hồ Mậu Thanh cho biết, Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong (1929 – 1990) nguyên là Phó ty Văn hóa tỉnh Nghệ An, Phó Chủ tịch hội VHNT tỉnh Nghệ Tĩnh là một nghệ sỹ có tài, có nhiều đóng góp to lớn cho nền sân khấu truyền thống tỉnh, nhất là sự hình thành và phát triển Kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh. Tên tuổi và những tác phẩm của ông được cả nước biết đến và đánh giá cao về nội dung tư tưởng cũng như hình thức nghệ thuật.
“Dấu ấn lớn lao nhất là ông đã sống trọn một đời cho đam mê nghệ thuật, để hôm nay, dù đã gần 30 năm từ ngày ông đi xa và chắc chắn còn lâu hơn nữa, những tác phẩm của ông vẫn được người đời nhắc đến, được biểu diễn; tên tuổi của ông vẫn sống mãi trong lòng bạn bè, đồng nghiệp và công chúng và trên sân khấu” – ông Hồ Mậu Thanh nhấn mạnh.
|
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An Hồ Mậu Thanh: Dấu ấn lớn lao nhất là nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong đã sống trọn một đời cho đam mê nghệ thuật. |
Làng Vân Tập xã Diễn Bình là nơi Nguyễn Trung Phong sinh ra và lớn lên. Đây là mảnh đất có truyền thống văn hóa và bề dày lịch sử cũng chính mảnh đất này đã sinh ra nhiều nhà văn hóa nghệ thuật có tăm tiếng, nhắc đến xã Diễn Bình, Diễn Minh vùng quê có lèn hai vai tỏa bóng, có chùa Cổ Am hội tụ tâm linh, có phong trào văn hóa, văn nghệ sôi động bậc nhất của huyện Diễn Châu, với những vở chèo tuồng người dân thích đến thuộc lòng, những làn điệu Ví, Giặm luôn ngân vang trên đồng ruộng, và trong từng ngõ xóm. Chính làng quê ấy đã nuôi dưỡng một trái tim, một tâm hồn tha thiết với từng câu hát dân ca để rồi chúng ta có một Nguyễn Trung Phong đầy tài năng và đủ độ chín. Có thể khẳng định từ khi Nguyễn Trung Phong xuất hiện, sân khấu xứ Nghệ đã rẽ sang một hướng khác.
Nền móng cho kịch hát Nghệ Tĩnh
Với những kịch bản xuất sắc, Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong đã mang đến một hơi thở mới, đưa sân khấu thoát khỏi tính chất quần chúng đơn thuần, “tự biên, tự diễn” để đến với sân khấu chuyên nghiệp.
|
Hội thảo thu hút hàng trăm nhà nghiên cứu, nghệ sĩ tham dự. |
Trong sự nghiệp nghệ thuật của mình, Nguyễn Trung Phong để lại dấu ấn với nhiều tác phẩm, trong đó có thể kể đến như: Vở Chèo “Nhắc lại” (1952), giải Nhất hội diễn tỉnh Nghệ An; “Tấc đất, tấc vàng” (1956); “Chị Thảo” ( 1968); “Khi ban đội đi vắng” (1969); “Hạt lúa quê ta” (1970), Huy chương Bạc Hội diễn sân khấu toàn quốc; “Vẫn còn ra trận” (1976); “Một cuộc đời”(1980), tham dự Hội diễn sân khấu toàn quốc 1980; “Ngọn lửa không bao giờ tắt” (1981); “Giữa vụ cày”(1983), Huy chương vàng Hội diễn sân khấu Nghệ Tĩnh; “Nhóm sản xuất đồng chí Liêm”(1986). Đặc biệt, vở Chèo “Cô gái sông Lam”với 5 màn diễn đặc sắc đã đưa sân khấu Chèo Nghệ An lên một tầm cao mới. Vở diễn đã giành được 4 Huy chương Vàng, 4 HCB tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1962.
|
Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng đồng phê bình lý luận văn học T.Ư Nguyễn Thế Kỷ tham dự Hội thảo. |
|
Bà nguyễn Thị Sửu - vợ Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong dự Hội thảo. |
|
Các đại biểu tham dự Hội thảo. |
Ngày 27/5/1962, Đoàn chèo Nghệ An vinh dự được diễn “Cô gái sông Lam” tại Phủ Chủ tịch. Sau khi xem, Bác Hồ hết lời khen ngợi và trao lại huy hiệu của Người cho tác giả Nguyễn Trung Phong ngay trên sân khấu.
Năm 1975, vở được chuyển sang hình thức Kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh và từ đó tới nay vẫn còn tiếp tục được biểu diễn phục vụ công chúng. Dù không phải là một nhạc sỹ nhưng Nguyễn Trung Phong đã để lại cho đời làn điệu “Giận mà thương” bất hủ. Những câu hát ấy không chỉ giúp nhân vật trong vở kịch “Khi ban đội đi vắng” của ông thể hiện được hết cung bậccảm xúc của mình mà còn trở thành một điệu hát phổ biến và là chất liệu cho nhiều nhạc sĩ sáng tác các ca khúc nổi tiếng sau này.
Nhắc đến Nguyễn Trung Phong, không chỉ nhớ đến như một người nghệ sĩ tài hoa mà còn là một nhà lãnh đạo, nhà quản lý đầy trách nhiệm, tận tâm, hết lòng vì sự phát triển của nghệ thuật sân khấu tỉnh nhà. Ông từng là Trưởng phòng Văn nghệ của Ty Văn hóa Nghệ An, phó Hội trưởng Hội Văn nghệ Nghệ An và Phó Giám đốc Ty Văn hóa Nghệ An (sau là Sở Văn hóa Thông tin Nghệ Tĩnh).
Ở trên cương vị nào, người ta cũng thấy một Nguyễn Trung Phong miệt mài với công việc. Một khi đã làm là làm đến nơi đến chốn. Ông quan tâm đào tạo, bồi dưỡng các thế hệ diễn viên, luôn tìm kiếm và coi trọng những người có tài.
Đặc biệt, Nguyễn Trung Phong, bằng tình yêu và đam mê nghệ thuật của mình đã nhìn ra hướng phát triển cho dân ca Nghệ Tĩnh để rồi quyết tâm bảo vệ quan điểm của mình trong việc sân khấu hóa dân ca.
“Cùng với Nguyễn Trung Giáp, Phan Thế Phiệt, ông đã đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của Kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh. Trong trí nhớ mọi người, Nguyễn Trung Phong luôn là một vị lãnh đạo bình dị, vô tư, coi trọng chuyên môn, gần gũi, hòa đồng và không bao giờ đòi hỏi quyền lợi cá nhân” – ông Hồ Mậu Thanh nhấn mạnh.
Đặt vào vị trí xứng đáng
Ông Hồ Mậu Thanh cho biết thêm, biên kịch là một công việc vốn chẳng dễ dàng. Với những người được học hành, đào tạo bài bản, sáng tác một vài tác phẩm để đời đã là câu chuyện khó. Vậy mà, từ một anh nông dân, không học qua trường lớp nào nhưng Nguyễn Trung Phong lại có thể viết nên không chỉ một mà là rất nhiều kịch bản sân khấu xuất sắc. Điều đó chỉ có thể lý giải bằng tài năng thiên bẩm và sự đam mê.
Với ông, nếu không có một tình yêu dân ca tha thiết luôn chảy trong huyết quản, nếu không có lòng yêu quê hương, yêu con người, yêu cuộc sống xứ Nghệ sâu sắc thì không có những tác phẩm để đời cho chúng ta nhắc đến hôm nay.
|
Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng đồng phê bình lý luận văn học T.Ư Nguyễn Thế Kỷ và Tổng Biên tâp báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức và các đại biểu xem các hình ảnh, kỷ vật của Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong tại Hội thảo. |
Từ những công lao cống hiến của Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Hồ Mậu Thanh cho rằng, Hội thảo này mới là bước khởi đầu để làm rõ và đặt ông vào một vị trí xứng đáng trong làng nghệ thuật. Với tinh thần đó, vị này đề nghị các nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ dự Hội thảo tập trung thảo luận để làm nội bật một số nội dung sau:
Thứ nhất, vai trò của Nguyễn Trung Phong đối với sự hình thành, phát triển của Kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh và, sân khấu kịch truyền thống tỉnh nhà. Thứ hai, đánh giá và nhận diện đúng đắn các giá trị nội dung, tư tưởng và nghệ thuật của các tác phẩm do nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong để lại cho đời. Thứ ba, đánh giá đúng con người và nhân cách của nghệ sĩ Nguyễn Trung Phong.
Tại Hội thảo, 30 tham luận của các nhà nghiên cứu, chuyên gia cũng đã có những ý kiến khẳng định rõ vai trò của nhà nghiên cứu Nguyễn Trung Phong, và đều mong muốn đặt ông vào vị trí xứng tầm.
|
Ban Tổ chức đã đến thắp hương tưởng nhớ đến công lao của Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong. |
|
Trích đoạn tác phẩm của Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong. |
Trước đó, Ban Tổ chức đã đến thắp hương tưởng nhớ đến công lao của Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong. Đồng thời diễn ra chương trình giao lưu nghệ thuật với trích đoạn của 2 vở kịch ‘Cô gái sông Lam” và “Khi bạn đi vắng” tại Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ.