Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dấu ấn trong giảm nghèo ở huyện Mộ Đức

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 đã góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Mộ Đức.

 Trợ lực cho hộ nghèo và cận nghèo

Là hộ nghèo, bà Nguyễn Thị Hưng (xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) được địa phương hỗ trợ một con bò giống sinh sản thuộc Dự án đa dạng sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

“Có rơm dự trữ sau khi thu hoạch lúa, tôi trồng thêm cỏ nên đảm bảo nguồn thức ăn. Con bò giống là hy vọng để gia đình cải thiện kinh tế” - bà Hưng bày tỏ.

Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo là dự án 2 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, trọng tâm là tạo sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo thông qua hỗ trợ cây con giống, các mô hình sản xuất phù hợp với trình độ canh tác và thế mạnh của địa phương, tạo động lực giúp hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. 

Tại huyện Mộ Đức, từ các dự án phát triển sản xuất theo mô hình, chủ yếu là hỗ trợ bò sinh sản và nguyên liệu làm mắm, nhiều hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.

Năm 2024, có 50 hộ dân ở huyện Mộ Đức được hỗ trợ bò giống sinh sản.
Năm 2024, có 50 hộ dân ở huyện Mộ Đức được hỗ trợ bò giống sinh sản.

Năm 2024, huyện Mộ Đức tiếp tục trao bò giống sinh sản cho các lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn 2 xã Đức Phong và Đức Lân.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộ Đức, đợt này có 50 hộ nghèo, hộ cận nghèo được nhận bò, trong đó xã Đức Phong có 25 hộ và xã Đức Lân có 25 hộ. Các hộ tham gia bốc thăm và nhận bò theo mã số. Mỗi hộ được nhận 1 con bò cái giống sinh sản thuộc giống bò lai và đã được tiêm phòng vaccine đầy đủ.

Trước khi nhận bò giống, các hộ dân đã được cán bộ chuyên môn của đơn vị cung cấp con giống hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, cách làm chuồng trại, cũng như cách xử lý một số bệnh thường gặp… 

Bên cạnh hỗ trợ cây, con giống, các hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Mộ Đức được chú trọng triển khai, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác cải thiện, từng bước nâng cao điều kiện sống, góp phần quan trọng vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. 

Nhờ sự trợ lực tích cực của chính quyền, gia đình chị Đặng Thị Đẹp từ hộ nghèo trở thành hộ cận nghèo.
Nhờ sự trợ lực tích cực của chính quyền, gia đình chị Đặng Thị Đẹp từ hộ nghèo trở thành hộ cận nghèo.

Hơn 2 năm trước, bà Đặng Thị Đẹp (xã Đức Phong, huyện Mộ Đức) đã vay 70 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, cải thiện kinh tế. Ngoài ra, bà cũng được hỗ trợ bò giống sinh sản và hỗ trợ xây dựng nhà ở. Cuối năm 2023, gia đình bà Đẹp đã thoát khỏi hộ nghèo, trở thành hộ cận nghèo.

“Cảm ơn chính quyền đã quan tâm hỗ trợ. Ngoài nuôi bò, tôi cố gắng làm lụng thêm, ráng làm lụng nuôi con ăn học, sắp tới tôi còn dự tính nuôi thêm heo để tăng thu nhập” - bà Đẹp chia sẻ.

Những kết quả đáng ghi nhận

Những năm qua, huyện Mộ đức tập trung triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2021 - 2025) và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Nếu như số hộ nghèo và hộ cận nghèo đầu kỳ có 5.362 hộ thì đến cuối năm 2023 giảm xuống còn 2.506 hộ (giảm 2.854 hộ).

Từ năm 2022 đến nay, có 7 mô hình, dự án (bò, mắm, gà) hỗ trợ phát triển sản xuất giảm nghèo được triển khai; 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo. Dự kiến đến cuối năm 2024, toàn huyện còn 1.023 hộ nghèo, tỷ lệ 2,72%; 894 hộ cận nghèo, tỷ lệ 2,38%.

Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Phạm Ngọc Lân cho biết, xác định công tác xóa đói, giảm nghèo là chủ trương, nhiệm vụ lớn của Đảng, nhà nước và địa phương, Huyện ủy-HĐND-UBND-UBMTTQ Việt Nam huyện Mộ Đức đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác đặc biệt quan trọng này.

Chủ tịch UBND huyện Mộ đức Phạm Ngọc Lân (bìa trái) tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm tiêu biểu.
Chủ tịch UBND huyện Mộ đức Phạm Ngọc Lân (bìa trái) tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm tiêu biểu.

Để công tác giảm nghèo đi vào thực chất mang lại hiệu quả, UBND huyện còn ban hành về thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn huyện Mộ Đức trong 2 năm (2024, 2025), huyện không còn hộ nghèo có khả năng lao động. 

“Đặc biệt, trong tổ chức thực hiện, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết lãnh đạo về công tác giảm nghèo nhanh và bền vững, chỉ đạo trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, phân công cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu trong thực hiện công tác giảm nghèo.

Theo tinh thần trên, cán bộ, đảng viên đã thực hiện nêu gương đóng góp 2 ngày lương theo để thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện năm 2024” - Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức chia sẻ

Kết quả đến ngày 22/7/2024 đã có 98 đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ Vì người nghèo của huyện với tổng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng 1 tỳ đồng. Huyện đang sử dụng kinh phí này có hiệu quả để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Thời gian tới, huyện Mộ Đức tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân bằng nhiều hình thức nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái” của dân tộc ta đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, phân tích, chỉ rõ các nguyên nhân dẫn đến nghèo để có phương thức hỗ trợ hợp lý. Đa dạng hóa các nguồn lực trong và ngoài huyện để thực hiện, tranh thủ sự hỗ trợ từ các chương trình hỗ trợ về nhà ở, về vay vốn ưu đãi,… để xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình vệ sinh, phương tiện tiếp cận thông tin…

Chính quyền tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến nghèo để có phương thức hỗ trợ hợp lý.
Chính quyền tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến nghèo để có phương thức hỗ trợ hợp lý.

Thực hiện hỗ trợ có hiệu quả các nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; tạo điều kiện thuận lợi cho số hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo còn khả năng lao động có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng khác để phát triển sản xuất, tăng thu nhập giảm nghèo bền vững.

Đồng thời, đa dạng hóa các nguồn lực, huy động từ nguồn vận động từ các cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp, công ty trong và ngoài huyện để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở và hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế (về giống, vật nuôi, tư liệu sản xuất…).

Phối hợp tổ chức mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn (nghề lao động nông thôn nông nghiệp, phi nông nghiệp,…) tập huấn ngắn hạn, tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình, kinh nghiệm hay trong và ngoài tỉnh nhằm hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tiếp cận kiến thức về sản xuất, kỹ năng lao động để sản xuất kinh doanh tạo thu nhập, giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo.