Dấu ấn từ những thông điệp

Đức Dinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát động và triển khai trên phạm vi cả nước từ tháng 8/2015 - 1/2016, cuộc thi viết “Vì An toàn giao thông Thủ đô năm 2015” lần thứ 4 đã thu hút sự tham gia của đông đảo tầng lớp Nhân dân.

Đến hẹn lại lên, cuộc thi như cầu nối quen thuộc để độc giả đề xuất các giải pháp, phương kế hữu ích cho giao thông Thủ đô, xây dựng nếp giao thông thanh lịch, văn minh của người Hà Nội. Thông qua những phát kiến mới lạ này, không ít tập thể, cá nhân có sự biến chuyển về tư duy, hành động khi tham gia giao thông, thấm nhuần thông điệp “Tính mạng con người là trên hết”.

Đổi mới cách thức

Một trong những yếu tố quan trọng làm cho cuộc thi năm nay thành công là hình thức dự thi được đổi mới hợp lý. Bên cạnh cuộc thi viết truyền thống, năm nay, Ban tổ chức song song triển khai phần thi trắc nghiệm tìm hiểu pháp luật và văn hóa giao thông (VHGT). Hơn cả sự mong đợi, cuộc thi “Vì An toàn giao thông Thủ đô năm 2015" đã nhận được hơn 200.000 bài viết và hàng trăm tác phẩm video, poster gửi về. Ban tổ chức ghi nhận số lượng bài dự thi tăng đột biến so với 3 mùa đầu tiên. Đến hết ngày 30/1/2016, báo Kinh tế & Đô thị đã sơ tuyển, đăng tải hơn 70 bài viết chất lượng, đáp ứng đúng tiêu chí cuộc thi viết trên báo in và báo điện tử.
Ý thức chấp hành luật giao thông của người dân đã được nâng cao. Ảnh: Thanh Hải
Ý thức chấp hành luật giao thông của người dân đã được nâng cao. Ảnh: Thanh Hải
Đặc biệt, dù là năm đầu tiên phát động cuộc thi tìm hiểu nhưng đã được đông đảo người dân hưởng ứng nhiệt tình. Hơn 540 cơ quan, đơn vị trên toàn TP tham gia với hàng trăm ngàn bài dự thi. Trong đó, nhiều cơ quan, đơn vị còn tổ chức triển khai từ cấp sở, ngành, quận, huyện đến cơ sở như Công an TP Hà Nội, Sở GD&ĐT, UBND huyện Quốc Oai, thị xã Sơn Tây, Bộ Tư lệnh Thủ đô… Trong đó, những đơn vị có số lượng bài dự thi nhiều nhất phải kể đến thị xã Sơn Tây với 12.460 bài, UBND huyện Quốc Oai: 5.278 bài, hệ thống các trường học các cấp trên địa bàn TP Hà Nội: trên 100.000 bài, các đơn vị trực thuộc Công an TP và Công an các quận, huyện: gần 7.000 bài; các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam đóng quân trên địa bàn Thủ đô: hơn 8.000 bài…

Đối tượng tham gia dự thi năm 2015 phong phú, đa dạng như: Chuyên gia giao thông, nhà quản lý, lực lượng vũ trang, giáo viên, học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, nhà văn, nhà báo, công nhân viên… Một trong những thành công đáng ghi nhận là bên cạnh những tác giả gạo cội, nhiều gương mặt trẻ đã tích cực tham gia. Bài dự thi của các em học sinh từ trường đại học, THPT, THCS và cả tiểu học đã góp phần phản ánh những vấn đề thiết thực cho giao thông Thủ đô năm nay. Điều đó cho thấy sức hút của cuộc thi ngày càng hấp dẫn, có ý nghĩa, tác động mạnh mẽ đến nhận thức của mọi tầng lớp xã hội, nhất là thế hệ trẻ, lớp người làm chủ, thay đổi tương lai vận mệnh đất nước.

Thông qua cuộc thi, nhiều tấm gương điển hình trong việc góp phần bảo đảm trật tự ATGT đã được phát hiện; nhiều sáng kiến, kế sách của người dân đã giúp cho công tác bảo đảm ATGT của các cơ quan chức năng có tính thực tế, hiệu quả hơn, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại.

Nâng cao chất lượng

Nhìn vào danh sách các tác phẩm dự thi năm nay, Ban tổ chức nhận thấy có nhiều đề tài mới, lạ được các tác giả chú trọng khai thác, mang đến cho công chúng cái nhìn sâu sắc và chân thực về thực trạng ATGT Thủ đô. Trong đó, nhiều bài viết, ý kiến đề xuất nên tuyên truyền mạnh mẽ hơn nhằm nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, từng bước xây dựng VHGT từ trong nhà trường đến ngoài xã hội.

Từ bài viết của các em học sinh khối tiểu học, hay của chuyên gia giao thông, nhà văn, nhà quản lý đều toát lên ý thức thượng tôn pháp luật trong việc tham gia giao thông. Những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho giao thông được phản ánh đa góc độ sắc cạnh, đầy đủ hơn các năm trước. Thông qua nhiều ý tưởng về giao thông của người dân đã giúp cho công tác bảo đảm ATGT của các cơ quan chức năng có tính thực tế, hiệu quả hơn. Độc giả hưởng ứng tích cực cuộc thi bằng những giải pháp sáng tạo, thiết thực như bài viết "Bỏ quên quy hoạch giao thông ô bàn cờ" của thạc sĩ Trần Đức Tuấn đã nêu lên một giải pháp tưởng như rất cũ nhưng lại rất hữu ích cho một quy hoạch đô thị hiện đại nhằm giảm UTGT; những kiến nghị của một học sinh lớp 7 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam về tuyên truyền nâng ý thức của mỗi người khi tham gia giao thông và quy hoạch những “con đường chia đúng làn, đúng vạch” để đảm bảo ATGT và xây dựng VHGT… đều có thể từng bước áp dụng thực tiễn. Cùng với đó là những giải pháp tuyên truyền qua nghệ thuật và mạng xã hội, như "Tuyên truyền VHGT qua nghệ thuật dân gian" của tác giả Vân Hằng – báo Kinh tế & Đô thị, "Dùng mạng xã hội để tuyên truyền văn hóa giao thông" của nữ chiến sĩ công an Lê Thị Hoa - Công an huyện Sóc Sơn…
Đoàn viên thanh niên Hà Nội ra quân hưởng ứng năm ATGT 2016. Ảnh: Phạm Hùng
Đoàn viên thanh niên Hà Nội ra quân hưởng ứng năm ATGT 2016. Ảnh: Phạm Hùng
Chất lượng bài thi tìm hiểu cơ bản đạt yêu cầu đặt ra của Ban tổ chức, người dự thi đã đầu tư tìm hiểu kỹ pháp luật giao thông để trả lời đúng 9 câu hỏi trắc nghiệm. Riêng câu thứ 10 về VHGT đã được nhiều tác giả dự thi đầu tư công phu để đưa ra được ý tưởng giao thông mới, những giải pháp phòng chống ùn tắc và giảm TNGT, xây dựng VHGT. Các bài thi tìm hiểu được đầu tư công phu, nghiêm túc, có những bài thi lên đến hàng trăm trang với những nội dung trả lời được minh họa nội dung và hình ảnh rất sinh động. Nhiều bài tỉ mỉ trình bày theo từng chương, mục, với hình ảnh, số liệu, biểu đồ minh họa phong phú, phân tích liên hệ chặt chẽ. Đáng chú ý là các bài dự thi dày gần 300 trang của chị Đặng Thị Như Hoa - Đội Tàng thư căn cước can phạm, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát, Công an TP Hà Nội; bài thi viết tay dày gần 200 trang đầy tâm huyết xuất phát từ hoàn cảnh người thân trong gia đình từng bị TNGT của ông Phí Bá Khoát - 182 Lê Lợi, thị xã Sơn Tây; bài thi đầy ấn tượng của em Nguyễn Ngọc Quỳnh Trang - học sinh lớp 8Q, trường THCS Lý Thái Tổ, quận Cầu Giấy; hay mô hình làm mô hình bục hướng dẫn của CSGT của thầy giáo Trần Xuân Phúc - trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình…

Nhìn lại để bước tiếp

Cuộc thi “Vì An toàn giao thông Thủ đô 2015" đã khép lại nhưng kết quả từ cuộc thi là những sáng kiến, phương kế hữu ích vẫn được tiếp thu để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi VHGT đến với mọi người dân. Các bài thi đạt chất lượng tốt được bổ sung vào nguồn tài liệu tuyên truyền, phổ biến ATGT; phát huy nhân tố con người từ những cá nhân đạt giải cao trong cuộc thi, trở thành những người tuyên truyền viên, làm lan tỏa nội dung, ý nghĩa của VHGT đến những người xung quanh. Điều đó cho thấy cuộc thi ngày càng hấp dẫn, có sức hút hơn. Và không chỉ có vậy, cuộc thi năm nay còn ghi nhận nhiều ý kiến phản hồi rất tích cực từ phía các cơ quan, ban, ngành chức năng. Thậm chí, nhiều vấn đề giao thông được phản ánh trong bài viết tham gia cuộc thi đã ngay lập tức được giải quyết khắc phục. Cuộc thi viết “Vì An toàn giao thông Thủ đô” thực sự lần nữa đã khẳng định vị thế là một giải báo chí thường niên của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Một cuộc thi mang tầm vóc, trách nhiệm xã hội, góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, đảm bảo ATGT, xã hội văn minh, an toàn hơn. Có thể nói, từ sức lan tỏa, ảnh hưởng của cuộc thi đã mở ra những hướng đi mới cho công tác tuyên truyền ATGT.

Với những kinh nghiệm đã tích lũy được sau 4 năm tổ chức, UBND TP Hà Nội tin tưởng cuộc thi viết “Vì An toàn giao thông Thủ đô” sẽ trở thành cuộc thi thường niên có uy tín, góp phần nâng cao nhận thức của người dân khi tham gia giao thông, từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm mỗi cá nhân. Trên nền tảng mà cuộc thi đã làm được, UBND TP thống nhất giao cho báo Kinh tế & Đô thị tiếp tục chủ trì cuộc thi viết “Vì An toàn giao thông thủ đô năm 2016”.