>>> Triển lãm ảnh “Cảm xúc Trường Sa”
>>> Bản đồ triều Thanh chứng minh Trung Quốc không có Hoàng Sa - Trường Sa
Ấn phẩm dày 400 trang này tiếp tục thêm lời khẳng định về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Biển Đông - lúc yên bình, khi nổi sóng
Trong cuốn sách có 4 chương, không chỉ ghi chép những con số về biển đảo, về vùng lãnh thổ… những gì của Biển Đông lúc yên bình, mà còn có cả những vấn đề của thời khắc Biển Đông đang “nổi sóng” hiện tại.
Các chuyên gia có thâm niên trong nhóm biên soạn đã đưa vào chương I lời giới thiệu chính xác, khoa học và hệ thống vị trí và vai trò của biển đảo Việt Nam đối với nền kinh tế, quốc phòng, an ninh đất nước. Để đến chương II đưa ra các cơ sở pháp lý vững chắc nhằm xác định các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, đặc biệt là phạm vi vùng đặc quyền kinh tế, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền cũng như quyền tài phán của Việt Nam trong phạm vi lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế theo công ước quốc tế. Ở đó, người ta thấy rõ, Việt Nam đã tích cực đóng góp vào tiến trình và kết quả pháp điển hóa Luật Biển quốc tế mới tại Hội nghị Luật Biển của Liên Hợp quốc lần thứ 3. Đồng thời, từng bước ban hành các biện pháp nhằm quản lý các vùng biển và thềm lục địa của đất nước.
Lời khẳng định chủ quyền càng chắc chắn khi ở chương III đã lược lại cụ thể quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thời chúa Nguyễn, thời Tây Sơn đến thời chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng và đổi mới, hội nhập đất nước. Đó chính là cơ sở để nói rằng: Nước Việt Nam là Nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình tại hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, ít nhất là từ thế kỷ XVII. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là liên tục, hòa bình, phù hợp với nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế.
Đặc biệt, trong chương cuối, các tác giả nêu thực trạng và những giải pháp xung quanh vấn đề tranh chấp Biển Đông. Tất cả cho thấy, rõ ràng, Biển Đông “nổi sóng” hay yên bình là một vấn đề đang được các nước trong và ngoài khu vực quan tâm, nó phụ thuộc vào thiện chí và trách nhiệm chính trị của các bên liên quan, kể cả ở trong và ngoài khu vực.
Bìa cuốn sách "Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông".
Đóng góp quan trọng
"Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông" ra mắt đúng vào thời điểm Quốc hội vừa mới thông qua Luật Biển Việt Nam. Đây là một đóng góp quan trọng, góp phần tuyên truyền sâu rộng thông tin chính xác đến người dân, đồng thời khẳng định những quan điểm đúng đắn, khách quan của Nhà nước Việt Nam đối với các vấn đề tranh chấp, trong quyết tâm bảo vệ chủ quyền, các quyền, lợi ích chính đáng của mình trên Biển Đông và trong việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của Việt Nam trước cộng đồng khu vực và quốc tế.
TS Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban biên giới Chính phủ, người đã có hơn 30 năm nghiên cứu vấn đề biển đảo đảm nhiệm vai trò chủ biên cuốn sách. Chủ quyền biên giới Tổ quốc nói chung, chủ quyền biên giới biển đảo nói riêng là tâm huyết, là mối quan tâm hàng đầu của ông. Khi bắt tay làm cuốn sách này, ông có sự hỗ trợ đắc lực của TS sử học Nguyễn Nhã - một chuyên gia về lịch sử Biển Đông, người đã có rất nhiều công trình, bài báo và những quan điểm đúng đắn, thuyết phục về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Không chỉ vậy, cuốn sách còn có sự hội tụ trí tuệ và tâm sức của các chuyên gia có thâm niên trong các lĩnh vực: pháp luật, lịch sử, địa lý, chính trị, báo chí… Cuốn sách chính là một sản phẩm giá trị trong thời điểm hiện tại và cả về lâu dài.q
Ngày 7/8/2012, cuốn sách "Thềm lục địa trong pháp luật quốc tế" được Cục Thông tin đối ngoại (Bộ TT&TT) cho ra mắt. Đây là sản phẩm đầu tiên của dự án "Xây dựng hệ thống tài liệu tuyên truyền định hướng báo chí và dư luận", thuộc Đề án "Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.