Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, đến đầu giờ sáng 21/10 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12/2021 đứng ở mức 83,80 USD/thùng, tăng 0,38 USD/thùng trong phiên.
Còn giá dầu Brent giao tháng 12/2021 đứng ở mức 85,99 USD/thùng, tăng 0,17 USD/thùng.
Giới phân tích đánh giá, thông tin về kết quả kinh doanh quý III/2021 của doanh nghiệp Mỹ cho thấy, có tới 85% doanh nghiệp đạt kết quả tốt hơn dự kiến khiến giá dầu ngày 21/10 tăng mạnh. Cộng với dữ liệu về hoạt động sản xuất ở châu Âu cho thấy những lo ngại về tình trạng thiếu hụt năng lượng và dịch Covid-19 đã không tác động quá lớn đến các chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hoá như dự báo.
Giá dầu hôm nay tiếp tục được thúc đẩy bởi nguồn cung dầu hạn chế, và các nhà cung cấp hàng đầu vẫn chưa cho thấy có bất kỳ động thái nào về việc tăng sản lượng.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Ihsan Abdul Jabbar ngày 20/10 dự báo giá dầu thô có thể lên tới 100 USD/thùng vào quý I và quý II/2022, khi các kho dự trữ dầu đang ở mức thấp.
Chuyên gia phân tích thị trường dầu tại công ty nghiên cứu năng lượng độc lập Rystad Energy (Na Uy) Louise Dickson cũng nhận định, tình trạng thắt chặt nguồn cung hiện nay sẽ kéo dài trong phần lớn năm 2022, kéo theo đó là tình trạng thiếu hụt nguồn cung cũng như giá dầu tăng.
Giá xăng dầu hôm nay tăng mạnh còn do đồng USD suy yếu, khi khả năng Fed sớm tăng lãi suất bị thu hẹp. Giới chuyên gia dự báo, Fed sẽ chờ các tín hiệu kinh tế trong năm 2022 để có thể đưa ra quyết định điều chỉnh lãi suất vào năm 2023.
Trước đó, theo Bloomberg, sản lượng của OPEC+ trong tháng 9 hụt hơn 15% so với kế hoạch. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này được cho là một số nước thành viên của OPEC+ là Angola, Nigeria và Azerbaijan đã không thể thực hiện nâng mức sản lượng đã thoả thuận do thiếu đầu tư, thăm dò…
Diễn biến trên diễn ra trong bối cảnh OPEC+ vẫn có thể bơm thêm 747.000 thùng/ngày vào tháng 9 mà vẫn nằm trong giới hạn sản lượng thoả thuận đã đạt được.