KTĐT - Đi ngược lịch sử, J.P. Morgan & Co. có xuất phát điểm là một ngân hàng thương mại ở London thành lập vào những năm 1830 và nhanh chóng vượt ra khỏi phạm vi của một công ty tài chính bình thường.
Jack Morgan chết ở Boca Grande, Florida năm 1943. Một cổ đông tên là Thomas Lamont trở thành chủ tịch - đặt dấu chấm hết cho “triều đại” Morgan.
Lần đầu tiên trong gần một thế kỷ, không còn một thành viên nào của gia đình Morgan lãnh đạo tập đoàn này.
House of Morgan lần đầu tiên xuất hiện với tư cách là một tổ chức tài chính đầy quyền lực vào khoảng giữa thế kỷ 19. Họ là biểu tượng đầu tiên trong việc hình thành thế giới tập đoàn như U.S. Steel (Tập đoàn Thép Mỹ) và General Electric. Họ đã từng là cổ đông chính chi phối ngành đường sắt nước Mỹ và cho chính phủ các nước Pháp, Anh, Mexico và Nga vay mượn hàng triệu đôla. Họ đã hơn một lần ra tay giúp giữ vững hệ thống tiền tệ Mỹ khi nó có nguy cơ sụp đổ. Họ đã trải qua cuộc đại suy thoái, hai cuộc chiến tranh thế giới và những quy định nghiêm ngặt của liên bang - những tác nhân đã buộc họ phải từ bỏ một trong những công việc kinh doanh sinh lợi nhất của mình. Tuy nhiên, dù là một tập đoàn tài chính hùng mạnh, họ cũng không thể vượt qua khỏi những cơn chấn động lớn đã biến đổi ngành công nghiệp của nó trong những năm gần đây.
Đi ngược lịch sử, J.P. Morgan & Co. có xuất phát điểm là một ngân hàng thương mại ở London thành lập vào những năm 1830 và nhanh chóng vượt ra khỏi phạm vi của một công ty tài chính bình thường. Từ trụ sở chính của họ ở phố Wall, New York đến các văn phòng ở hơn 30 quốc gia, công ty được hình thành bởi ba thế hệ nhà Morgan này đã tư vấn tài chính cho những con người xuất chúng và quyền lực nhất hành tinh. Họ đã cam kết tài trợ cho một số các đợt bán chứng khoán và hợp nhất tập đoàn lớn nhất từ trước đến nay. Họ từng là nguồn lực kinh tế chủ yếu cho chính phủ Mỹ, và những thành viên trong dòng họ Morgan được công nhận rộng rãi là những chuyên gia tài chính có sức ảnh hưởng lớn nhất thời nay.
Nhưng điều này không có nghĩa là nhà Morgan luôn luôn được quý trọng. Với lòng tham và sự xảo quyệt ngang bướng, họ được cho là những người thường xuyên dùng nhiều mánh khóe tinh vi để thu lợi trên sự thiệt thòi của người khác. Họ khoe khoang thành quả và sự giàu có của mình một cách lố bịch. Họ có một sự ham thích tro trẽn đối với những điếu xì gà đắt tiền, những chiếc du thuyền lộng lẫy và những kiệt tác nghệ thuật. Họ xem nền kinh tế Mỹ như sân chơi riêng của họ, cuối cùng thì họ xa lánh cả chính phủ mà họ từng giúp đỡ cũng như những con người đã đem lại sự giàu có cho họ.
Quan điểm và phương pháp kinh doanh của công ty đã thay đổi rõ rệt trong suốt 50 năm gần đây, nhưng những thay đổi trong thị trường tài chính cuối cùng cũng bị các đối thủ cạnh tranh bắt kịp. Và vào mùa thu năm 2000, Morgan đã công bố việc họ bị mua lại bởi một tên tuổi nổi tiếng khác trong giới ngân hàng - công ty này có nguồn gốc, chứ chưa nói đến ảnh hưởng và tầm quan trọng của nó, còn sâu xa và rộng lớn hơn cả J.P. Morgan & Co.
Năm 1838, một thương nhân người Mỹ tên là George Peabody mở một ngân hàng thương mại ở London. Vài năm sau đó, ông thuê một cộng sự tên là Junius Spencer Morgan, hậu duệ của một gia đình kinh doanh xuất chúng ở New England, người sau này sẽ lên nắm quyền công ty vào năm 1854 và đổi tên nó thành J.S. Morgan & Co. Morgan sau đó đã lãnh đạo công ty trong hơn ba thập niên, giữ vai trò là một kết nối tài chính then chốt giữa Vương quốc Anh và nước Mỹ, và mở đầu cho đường lối kinh doanh trong tương lai của mình với việc cho nước Pháp mượn 50 triệu đôla trong cuộc chiến tranh Pháp - Nga.
Trước khi chuyển đến châu Âu, Morgan đã có một cậu con trai. Sau khi theo học nhiều ngôi trường ở Boston, Thụy Sĩ và Đức, chàng thanh niên J. Pierpont Morgan này đã trở về New York làm nhân viên kế toán trong một công ty đại diện cho công ty của cha anh ta. Trong suốt những thập niên 60 và 70 của thế kỷ 19, anh đã làm việc cho một số công ty đầu tư như Drexel, Harjes & Company of Paris. Anh thừa kế công việc kinh doanh của cha mình sau khi ông mất vào năm 1890, rồi chính thức đổi tên công ty thành J.P. Morgan & Company và củng cố lợi tức tại châu Âu và châu Mỹ của nó. Chỉ vài năm sau, ông cũng đã ghi dấu ấn đầu tiên của mình trong thế giới thương mại, tài chính bằng việc đặt vấn đề bảo trợ cho lượng vàng dự trữ đang cạn kiệt dần của chính phủ Mỹ, đồng thời cứu nguy cho kho bạc quốc gia.
Với trụ sở chính của công ty được đặt tại New York, J. Pierpont bắt đầu biến J.P. Morgan thành một nhà phát triển hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh Hoa Kỳ. Ông bắt đầu với việc tiến hành thống trị ngành công nghiệp đường sắt, sắp xếp một thỏa thuận về cước chuyên chở giữa hai đối thủ lớn nhất - công ty đường sắt New York Central và công ty đường sắt Pennsylvania - sau đó góp phần cải tổ các công ty khác bao gồm Southern, Erie và Northen Pacific. Bù lại, ông nhận cổ phần trong các công ty này và có một chỗ trong hội đồng quản trị, từ đó mở rộng tầm ảnh hưởng cũng như tài sản của mình. Vào năm 1802, ông nắm trong tay khoảng một phần sáu tổng số tuyến đường sắt trên toàn nước Mỹ.
Morgan, với biệt danh là “Sao Mộc” vì sự thống trị cũng như quy mô công ty của mình, đã nhanh chóng bước chân vào các lĩnh vực khác. Ba năm sau khi hỗ trợ về mặt kinh tế cho việc thành lập Công ty Thép Liên bang (Federal Steel) vào năm 1898, ông đã góp một tay trong việc kết hợp hai công ty Edison General Electric và công ty Thomson-Houston Electric lại thành General Electric. Ông góp phần giúp kết hợp nhiều tập đoàn khổng lồ khác lại với nhau, bao gồm cả International Harvester, AT&T, Western Union và Westinghouse.
Đã có những lời chỉ trích rằng những thương vụ như thế được trợ vốn nhiều hơn giá trị thực của nó để Morgan có thể kiếm thêm hàng triệu đôla từ khoản phí đầu tư ngân hàng và lợi tức từ việc góp vốn. Và thông qua những hành động như vậy - được các nhà quan sát thời đó gọi một cách mỉa mai là “Morgan hóa” - Pieront thực sự đã trở thành chủ ngân hàng tư nhân quyền lực nhất nước Mỹ.
Nếu John D. Rockefeller và Andrew Carnegie có công trong việc xây dựng lại hệ thống kinh tế vi mô Mỹ thành sức mạnh công nghiệp hóa, thì có thể nói rằng Morgan là người đã hỗ trợ về mặt tài chính cho sự biến đổi đó. Với vóc dáng mạnh mẽ, cái mũi trâu luôn ửng đỏ và giọng nói oang oang của mình, ông điều hành công việc từ văn phòng bề thế cạnh bên Sàn giao dịch chứng khoán New York, hay từ chiếc du thuyền Cosair dài hơn 90 mét của ông, vốn thường xuyên ra vào cảng New York. Các sở thích cá nhân của ông rất tốn kém, nhưng với tài sản khổng lồ của mình, ông đánh giá tính cách và sự thẳng thắn cao hơn sự giàu có và quyền lực khi chọn đối tác và bạn bè.
Morgan cũng đã có những tính toán sai lầm nghiêm trọng trong kinh doanh, như việc thành lập công ty đầu cơ tàu thuyền Mercantile Marine (sau đó đã thất bại) và bỏ qua sự xuất hiện của xe ô tô (phương tiện này đã đe dọa sự tồn vong của những tuyến đường sắt mà ông sở hữu). Nhưng công ty của ông vẫn tiếp tục phát đạt và giúp ngăn chặn những thảm họa tiềm tàng trong nền kinh tế. Ví dụ như trong suốt thời gian thị trường chứng khoán hoảng loạn vào năm 1907, ông đã thuyết phục các chủ ngân hàng tập hợp một quỹ cứu hộ để phòng ngừa sự sụp đổ của nền tài chính chung. Bước đi này còn thuyết phục chính phủ Mỹ rằng ngân hàng quốc gia phải tránh những sự can thiệp vào các ngân hàng tư nhân trong tương lai, mà nhờ đó mở đường cho việc thông qua Đạo luật Dự trữ Liên bang năm 1913 - cùng năm đó Morgan qua đời tại Rome, Italia.
Con trai của Pieront, J.P. “Jack” Morgan, đã gia nhập vào công ty từ năm 1892 và ngay lập tức nắm quyền với tư cách là một đại cổ đông. Ông tiếp tục hướng công ty theo con đường tương tự trong suốt ba thập niên tiếp theo, trải qua những hỗn loạn kinh tế sau đó gây ra bởi sự thịnh vượng, cuộc Đại suy thoái, và hai cuộc chiến tranh thế giới. Trong suốt thời gian đó, công ty cũng là đại diện tài chính cho chính phủ Pháp và Anh mua hàng tỷ đôla các thiết bị quân dụng từ các công ty của Mỹ, đồng thời trợ vốn phần lớn cho công cuộc tái thiết sau chiến tranh. Nếu Morgan cha là một chuyên gia tài chính bậc thầy, thì Morgan con cũng là một hình mẫu ngân hàng quan trọng nhất trong thời đại của mình.
J.P. Morgan & Co. bị đổ lỗi một phần trong sự kiện thị trường chứng khoán sụp đổ vào năm 1929, mà hậu quả là 13 triệu người Mỹ bị mất việc và hàng nghìn công ty đầu tư bị phá sản. Và kết quả là sự ra đời của Đạo luật Ngân hàng năm 1933, hay còn được biết với tên gọi Đạo luật Glass-Steagall. Đạo luật này buộc Morgan và các công ty tài chính khác phải tách riêng các hoạt động ngân hàng và hoạt động chứng khoán. Khi đạo luật mới bắt đầu được áp dụng, Harry, con trai của Jack, đã bỏ công ty cùng với khoảng hai tá nhân viên khác để thành lập ngân hàng đầu tư Morgan Stanley. Hầu hết những người khác vẫn ở lại với công ty, sau đó công ty được cổ phần hóa vào năm 1942.
Năm sau đó, Jack Morgan chết ở Boca Grande, Florida. Một cổ đông tên là Thomas Lamont trở thành chủ tịch, và điều này đã đặt dấu chấm hết cho “triều đại” Morgan. Lần đầu tiên trong gần một thế kỷ, không còn một thành viên nào của gia đình Morgan lãnh đạo tập đoàn này.
Để cạnh tranh hiệu quả hơn trong lĩnh vực cho vay, Tập đoàn Morgan đã sát nhập với một ngân hàng thương mại lớn khác vào năm 1959. Trong hơn một thập niên sau đó, họ bắt đầu bảo hiểm chứng khoán ở châu Âu, nơi mà những quy định ngân hàng vẫn còn chưa khắt khe lắm, nhưng vẫn mơ ước trở lại với việc kinh doanh ở quê nhà.
Một năm sau khi phát triển một chương trình đột phá mà nhờ đó chính phủ Mexico có thể tổ chức lại số nợ bằng cách phát hành trái phiếu (chương trình này sau đó cũng được áp dụng để giúp Nga và các nước đang phát triển khác), ước mơ của họ đã trở thành hiện thực. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã rút lại lệnh cấm và vào năm 1989 J.P. Morgan lại được tham gia vào lĩnh vực tài trợ công ty. Công ty nhanh chóng quay lại đường đua, và cổ phiếu của họ đạt giá trị cao nhất trong số tất cả các ngân hàng trên toàn nước Mỹ.
Trong suốt thập niên 90, Morgan thúc đẩy hướng bảo hiểm kinh doanh ở Mỹ đồng thời mua lại 45% cổ phiếu của công ty đầu tư American Century. Bước đi này đã làm tăng tổng thu nhập của công ty, nhưng họ vẫn chỉ được xếp hạng ở nửa dưới trong số các công ty bảo hiểm có cổ phần ban đầu và các thỏa thuận thương mại hấp dẫn khác. Morgan đã đáp trả bằng cách thuê nhiều chuyên gia để tập trung vào lĩnh vực viễn thông, công nghệ cao, và các công ty Internet, đồng thời mở ra một bộ phận gọi là LabMorgan để phát triển các dịch vụ thương mại điện tử. Họ cũng bổ sung các sản phẩm mở rộng cơ sở nền tảng của mình trong số những khách hàng ít giàu có hơn.
Trong khi bước đi này mang đến một hướng kinh doanh mới đáng ghi nhận, công ty cũng chứng tỏ là mình không đáp ứng được nhu cầu của ngành công nghiệp đang định hình lại một cách đột ngột của mình. Và vì vậy, vào tháng 9/2000, họ chấp nhận để Tập đoàn Chase Manhattan mua lại với giá khoảng 31 tỷ đôla. Chase, được thành lập vào năm 1799, đã cố gắng biến mình thành một tập đoàn tài chính khổng lồ trên thế giới trong lĩnh vực ngân hàng thông qua các thương vụ sáp nhập và mua lại công ty khác. Với đối tác mới này, họ trở thành tập đoàn lớn thứ hai trong ngành.