Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đau đầu mua sắm đầu năm học mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù có rất nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá, song trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc sắm sửa cho con vào đầu năm học mới 2013-2014 trở thành gánh nặng đối với nhiều gia đình.

Nỗi lo đè nặng

Năm học mới bắt đầu là thời điểm các bậc phụ huynh có con nhỏ phải gồng mình cho những khoản chi lớn nhỏ. Mặc dù những mặt hàng liên quan đến giáo dục như dụng cụ, đồ dùng học tập, sách vở hay đồng phục, quần áo, giày dép… sớm được bày bán với đủ các biển khuyến mãi, giảm giá song để việc chi tiêu không bị thiếu thốn mà vẫn tiết kiệm là bài toán đau đầu cho nhiều gia đình.

Lo toan với đủ các khoản chi tiêu cho hai con trong dịp đầu năm học, chị Đàm Thu Thủy (Nhật Tân - Tây Hồ - Hà Nội) cho biết: “Đầu năm học phát sinh bao nhiêu khoản, nào tiền mua sách vở, quần áo, đồ dùng học tập cho con, chỉ tính riêng những khoản đó đã tiêu tốn của gia đình tôi gần chục triệu đồng”.

Theo tính toán của chị, sách giáo khoa, sách tham khảo, sách bài tập cho hai đứa con hết gần hai triệu đồng. Cộng với đồ dùng học tập cơ bản, tập vở khoảng một triệu đồng nữa. Đáng kể nhất là đồng phục, quần áo, giày dép, cặp sách cho con đã tiêu tốn của vợ chồng chị vài triệu. “Hai đứa mỗi đứa ít nhất cũng phải hai, ba bộ đồng phục, giày dép cũng phải mua loại tốt một tí cho con đi thường xuyên. Còn cặp xách, đồ dùng linh tinh khác nữa. Cứ nghĩ đến là chóng cả mặt”, chị Thủy than thở.

Kinh tế khó khăn nhiều hộ gia đình phải cân nhắc khi mua đồ dùng học tập cho con. Ảnh: S.T
Kinh tế khó khăn nhiều hộ gia đình phải cân nhắc khi mua đồ dùng học tập cho con. Ảnh: S.T

Nhu cầu học tập đòi hỏi ngày càng nhiều dụng cụ hỗ trợ, ngay cả với những gia đình có điều kiện thì việc sắm đầy đủ dụng cụ học tập cho con cũng không phải dễ dàng. Thế nên với nhiều vị phụ huynh, sự phấn khởi chuẩn bị cho con bước vào năm học mới được thay thế bằng sự lo âu, tính toán.

Dắt theo con nhỏ bước vào nhà sách Nguyễn Văn Cừ (Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội), chị Lưu Thị Minh Nga (Trung Kính - Cầu Giấy - Hà Nội) cho biết, năm nay con chị mới vào lớp 1 nên việc mua sắm chi tiêu cho con khiến chị không khỏi lo lắng. Tiền mua sách giáo khoa thì không đáng kể, vợ chồng chị đã sắm từ đầu hè cho con, nhưng những dụng cụ khác thì lăn tăn rất nhiều. Chị đến hiệu sách rất nhiều lần rồi nhưng vẫn lăn tăn giá cả, mẫu mã, nhãn hàng những sản phẩm mà chị sẽ mua cho con. “Đồ dùng cho trẻ con bây giờ đắt quá. Cục tẩy bé tí cũng hơn chục nghìn, mua mấy chục tập vở cho con cũng hết ngót nghét nửa triệu, rồi thì hộp bút, thước, màu… Sợ nhất là giá ba lô kéo cho con bé, rẻ cũng phải 200.000 đồng, mà loại tốt thì 500.000 - 700.000 nghìn đồng. Vèo cái hết mấy triệu bạc mà chưa đâu vào đâu. Đấy là chưa kể những thứ nhà trường yêu cầu phải có như bộ xếp hình, dụng cụ lắp ghép… Nếu chi tiêu không cẩn thận thì sẽ thâm hụt vào tiền học đầu năm của con”, chị Nga bày tỏ.

Đồ dùng ngày càng đa dạng, người tiêu dùng ngày càng có nhiều sự lựa chọn. Muốn mua hàng tốt, mẫu mã đẹp thì đương nhiên giá không hề rẻ. Chị Hồ Ngọc Anh (Phúc Xá - Ba Đình - Hà Nội) chia sẻ: Tuổi còn nhỏ như các con của chị vẫn chưa biết giữ đồ, mua được chưa bao lâu đã mất, hỏng, mà mua đồ xấu, kém chất lượng thì lại thương con, thế nên vẫn phải cắn răng mua đồ tốt mặc dù rất xót. Tuy nhiên, gia đình chị vẫn chi li, tính toán chỉ mua những đồ dùng thật sự cần thiết để tiết kiệm tối đa, dành tiền cho những khoản chi tiêu khác khi con vào năm học.

Phụ huynh tìm cách “giảm tải”

Có thể nói, mặt bằng chung giá cả đồ dùng học tập năm nay không hề tăng so với những năm trước, nhiều mặt hàng có biến động thì nhiều nhất cũng chỉ 5-10%. Bên cạnh đó, các siêu thị, cửa hàng cũng đồng loạt thực hiện giảm giá và khuyến mại lớn nhằm giảm áp lực đến với phụ huynh học sinh.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, phụ huynh vẫn phải tính toán rất cẩn thận khi chọn mua đồ dùng cho con em mình. Chị Đàm Thu Thủy cho biết, trước khi chọn mua thứ gì cho con mình, chị luôn tìm hiểu rất kĩ giá cả, so sánh giữa các cửa hàng, siêu thị và luôn chọn mua những mặt hàng được giảm giá nhiều nhất. “Không phải mặt hàng nào cũng được khuyến mãi như nhau tại các siêu thị. Có siêu thị giảm giá, có siêu thị không, có chỗ giảm giá nhiều, có chỗ giảm giá ít. Nhà tôi đã phải đi rất nhiều nơi mới mua đủ đồ dùng cho con mình. Tuy mất công một chút nhưng bù lại tiết kiệm được kha khá”.

Không chỉ chọn cách mua hàng khuyến mãi như gia đình chị Thủy, rất nhiều phụ huynh khác chọn cách tiết kiệm chi phí cho gia đình mình bằng những bộ sách cũ giá rẻ. Thời điểm này, các cửa hàng sách cũ trên đường Láng rất sôi động. Có thể nhận thấy hầu hết các bộ sách cũ ở đây đã “tuyển” kỹ lưỡng nên chất lượng  sách vẫn đảm bảo tốt và giá rẻ hơn nhiều, phù hợp với thời buổi thắt chặt chi tiếu của người dân. Anh Hà Mạnh Hùng - chủ một cửa hàng sách cũ trên đường Láng cho biết: “Nhu cầu sách giáo khoa và sách tham khảo cũ năm nay cao hơn mọi năm. Cửa hàng nhập đến đâu bán hết luôn đến đó”.

Anh Ngô Văn Vũ (Thanh Xuân - Hà Nội) - một khách đến mua sách cũ  cho biết: “Năm nay tôi mua sách giáo khoa và sách tham khảo tại đây cho các con hết. Sách giáo khoa không thôi thì cũng không đáng kể, nhưng với sách  tham khảo, gia đình tôi đã tiết kiệm được kha khá vì sách tham khảo mới khá đắt mà số đầu sách cần thiết cho con cũng nhiều. Tôi nhận thấy sách cũ dùng còn rất tốt, giá lại chỉ bằng 50% so với sách mới”.

Khi kinh tế khó khăn, chi phí dành cho các nhu cầu học tập, giáo dục bị giảm thì đồng nghĩa với việc phụ huynh chồng chất nỗi lo khi năm học mới về. Các nhà bán lẻ phải thừa nhận, ngay đến các sản phẩm thật sự cần thiết, không thể thiếu đối với việc của học, phụ huynh cũng rất tính toán khi mua. Vì vậy, việc lựa chọn những cách mua sắm tiết kiệm, hợp lí nhất là ưu tiên hàng đầu của các bậc phụ huynh thời bão giá.