Đau đầu - triệu chứng hay gặp nhất trong u màng não nền sọ

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - U màng não nền sọ thường tiến triển từ từ với các triệu chứng tuỳ thuộc vào vị trí và kích thước khối u, gây ra triệu chứng đa dạng, chủ yếu do khối u chèn ép, phá hủy cơ quan lân cận. Đau đầu là triệu chứng hay gặp nhất trong u màng não nền sọ.

U màng não (Meningioma) là khối u nguyên phát của hệ thần kinh trung ương, xuất phát từ tế bào nhung mao màng nhện của màng não. Thông thường, khối u phát triển khá chậm, ngoài trục.

Bác sĩ Trần Quang Dũng – Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, theo báo cáo của trung tâm quản lý các bệnh lý u não tại Mỹ năm 2019, u màng não chiếm hơn 37% các khối u nội sọ, tỷ suất mới mắc là 34.210 trường hợp/ năm, tỷ lệ mắc tăng dần theo tuổi và tăng nhanh ở người lớn trên 65 tuổi, nữ gặp nhiều hơn nam.

U màng não thường lành tính chiếm 97,7%, u màng não ác tính chiếm khoảng 1,7%. U màng não có thể gặp ở mọi vị trí trong hộp sọ như: Vòm sọ, vùng nền sọ, trong não thất hoặc trong ống sống. U màng não nền sọ (Skull base meningioma) chiếm khoảng 1/3 khối u màng não nội sọ theo các nghiên cứu khác nhau.

Vùng nền sọ có đặc điểm giải phẫu khá phức tạp. Các u màng não vùng này thường xâm lấn xương, mạch máu và dây thần kinh sọ, có xu hướng phát triển qua các lỗ tự nhiên của xương sọ, gây nên các triệu chứng thần kinh nghiêm trọng. Vì vậy, nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại các di chứng thần kinh nặng nề, thậm chí là tử vong.

Triệu chứng của bệnh

Bệnh thường tiến triển từ từ với các triệu chứng tuỳ thuộc vào vị trí và kích thước khối u, có thể gây ra triệu chứng khác nhau, chủ yếu do khối u chèn ép, phá hủy cơ quan lân cận, cụ thể như sau: Đau đầu là triệu chứng hay gặp nhất trong u màng não nền sọ. Đau đầu có thể lan tỏa hoặc khu trú, đau âm ỉ liên tục hoặc đau thành cơn. Buồn nôn, nôn. Động kinh: Cơn động kinh toàn thể hoặc khu trú. Triệu chứng động kinh có thể gặp ở các khối u nền sọ chèn ép thùy thái dương.

Dấu hiệu thần kinh khu trú do chèn ép các dây thần kinh sọ não như: giảm thị lực, thị trường, lác, mất ngửi, giảm thính lực, liệt mặt, nuốt nghẹn, sặc ... Đái tháo nhạt do các khối u vùng yên, trên yên chèn ép gây ra.

Một ca phẫu thuật tại  Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Một ca phẫu thuật tại  Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Chẩn đoán u màng não nền sọ

Chẩn đoán bệnh được dựa chủ yếu vào phim cộng hưởng từ sọ não, sẽ giúp bác sĩ xác định vị trí, xâm lấn xung quanh, mức độ tăng sinh mạch máu, kích thước cũng như chiến lược điều trị.

Phim cắt lớp vi tính được chỉ định cho các trường hợp u xấm lấn phát hủy xương sọ hoặc tăng sinh màng xương

Chụp mạch não số hóa xóa nền (DSA) được chỉ định xác định mức độ xâm lấn mạch máu não nền sọ, tương quan giải phẫu giữa khối u với các mạch máu quan trọng cũng như khả năng nút mạch nuôi u trước phẫu thuật.

Điều trị u màng não nền sọ

Theo Hiệp hội Ung thư - thần kinh Châu Âu và Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ, nguyên tắc điều trị u màng não tùy thuộc vào vị trí, kích thước u, bản chất mô bệnh học (nếu có), độ tuổi, biểu hiện triệu chứng TK, tình trạng toàn thân cũng như sự lựa chọn của người bệnh mà điều trị đa mô thức bao gồm: Phẫu thuật đơn thuần, hoặc phẫu thuật phối hợp với xạ trị, xạ phẫu.

Cũng theo Hiệp hội Ung thư - thần kinh Châu Âu và Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ, đối với các khối u màng não nền sọ kích thước nhỏ (< 2 cm) xác định trên cộng hưởng từ, không có biểu hiện lâm sàng thì chỉ định theo dõi. Bệnh nhân được tái khám định kỳ 3 tháng đến 6 tháng chụp lại cộng hưởng từ đề theo dõi sự phát triển của khối u. Thông thường, đối với các khối u màng não lành tính, mỗi năm u chỉ phát triển thêm 0,2 – 0,5 mm về kích thước.

U màng não nền sọ thường là u phát triển chậm, lành tính, vì vậy lấy toàn bộ u là một biện pháp tối ưu. Tuy nhiên, đặc điểm vị trí u này liên quan nhiều đến dây thần kinh thị giác, giao thoa thị giác, xoang tĩnh mạch, động mạch cảnh trong, xương đá, các dây thần kinh sọ não như dây III, IV, V, VI là một thách thức không nhỏ đối với các phẫu thuật viên thần kinh khi loại bỏ hoàn toàn các u này.

Phẫu thuật có nhiều ưu điểm: Loại bỏ được khối u ra khỏi cơ thể; cải thiện nhanh các triệu chứng lâm sàng, đặc biệt triệu chứng cấp tính, đe dọa tính mạng; xác định được bản chất của khối u, qua đó, tiên lượng được khả năng khỏi bệnh cũng như nguy cơ tái phát.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, phẫu thuật có những hạn chế nhất định. Phẫu thuật khó có thể thực hiện trên bệnh nhân cao tuổi, hoặc những khối u ở sâu, gần các mạch máu lớn, cấu trúc thần kinh quan trọng, phẫu thuật chỉ có thể lấy được một phần khối u.

Xạ phẫu là một phương pháp mới và hiện đại để điều trị khối u màng não nền sọ. Xạ phẫu giúp khối u phát triển chậm lại và có thể teo nhỏ dần theo thời gian. Đối với các u màng não, xạ phẫu được chỉ định cho khối u không thể phẫu thuật, khối u còn lại hoặc tái phát sau mổ, khối u màng não ác tính.

Ưu điểm của xạ phẫu là không phải rạch da và không gây đau cho bệnh nhân, bệnh nhân có thể chỉ cần điều trị trong một ngày. Xạ phẫu giúp điều trị các khối u ở sâu, gần các cấu trúc nguy hiểm mà phẫu thuật không thể lấy bỏ được. Bệnh nhân cao tuổi vẫn có thể điều trị được bằng xạ phẫu.

Tuy nhiên, xạ phẫu hiệu quả cao với các khối u kích thước nhỏ. Với khối u kích thước lớn, cần phối hợp với phẫu thuật để lấy tối đa u sau đó xạ phẫu hoặc sử dụng xạ phẫu phân liều.