Tuy nhiên, triển khai việc này tại một số huyện đang bị chậm bởi “vướng” vốn đầu tư cơ sở hạ tầng…
Hơn nhau do… vị trí
Trong số các huyện làm tốt công tác ĐGQSDĐ, Hoài Đức nổi lên là đơn vị có nhiều dự án đấu giá thành công thu về nhiều tỷ đồng. Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Trong 2 năm 2015 và 2016, huyện đã vay được hơn 100 tỷ đồng từ Quỹ phát triển đất TP Hà Nội để xây dựng hạ tầng ở 4 dự án, trong đó xã Song Phương 2 dự án, xã Đắc Sở và Lại Yên mỗi xã 1 dự án. Mấy năm gần đây không có tiền ĐGQSDĐ thì việc xây dựng nông thôn mới sẽ gặp rất nhiều khó khoăn, vì nguồn vốn mục tiêu cũng hạn chế… Năm 2015, huyện đã thu được hơn 200 tỷ đồng; kế hoạch năm 2016, UBND TP giao cho huyện thu 70 tỷ đồng, nhưng mới qua 1 phiên đấu giá, chúng tôi đã thu được 50 tỷ đồng. Sở dĩ Hoài Đức làm tốt công tác ĐGQSDĐ vì các vị trí đấu giá là đất liền kề ven đô, thị trường sôi động hơn, được giá hơn…
Trong khi đó, huyện Chương Mỹ lại đang gặp khó. Theo báo cáo của UBND huyện, năm 2015, xã Thụy Hương đã lên phương án ĐGQSDĐ 3 vị trí gồm: Khu cạnh giếng Cầu (thôn Tân Mỹ), khu cổng ông Tào Còn và khu cổng ông Tiến (thôn Phú Bến); ở xã Tân Tiến, tổng diện tích là 3463m2. Nhưng ở cả 2 xã, việc đấu giá đều bất thành do không có người tham gia. Năm 2015, toàn huyện Chương Mỹ chỉ đấu giá được 1.744 tỷ đồng (làm tròn) 3 lô đất tại xã Đại Yên.
Cơ chế nào để tháo gỡ khó khăn?
Ông Hoàng Anh Châu - Trưởng ban QLDA Đầu tư Xây dựng huyện Chương Mỹ cho rằng: ĐGQSDĐ thành công sẽ tạo được nguồn thu cho ngân sách địa phương và là biện pháp chống lấn chiếm hiệu quả. Tuy nhiên tại huyện, khó khăn là do nhu cầu thị trường thấp. Với giá khởi điểm đưa ra 4.000.000 đồng/m2 (xã Tân Tiến) và hơn 3.000.000 đồng/m2 (xã Thụy Hương); nhưng sau 3 lần tổ chức đấu thầu vẫn không có người mua. Nguyên nhân chính là thị trường BĐS ở Chương Mỹ khá "lạnh". Theo kế hoạch, năm 2016, Chương Mỹ sẽ đấu giá ở 12 khu đất với tổng diện tích 14.804m2; ước thu khoảng trên 64 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, mới đấu giá 4.400m2 ở xã Đại Yên, thu về 26 tỷ đồng.
Theo đánh giá của UBND huyện Chương Mỹ, khó khăn lớn nhất trong đấu giá đất là do trình tự thực hiện nhiều thủ tục, liên quan đến nhiều đơn vị, ban, ngành thẩm định như thủ tục xin thu hồi, bàn giao đất, cấp chỉ giới đường đỏ, xác định giá khởi điểm... Do đó thời gian thực hiện các bước phải kéo dài, dẫn đến tiến độ thực hiện đấu giá chậm. Khi đã hoàn thành các thủ tục nói trên, đầu tư hạ tầng là bài toán nan giải, vì nguồn vốn bố trí xây dựng hạ tầng của địa phương còn hạn hẹp. Mặt khác, hầu hết các khu đấu giá là đất xen kẹt, diện tích nhỏ và rất nhỏ, nên ít người quan tâm.
Với các vướng mắc mà huyện Chương Mỹ gặp phải, ông Phạm Văn Huân - Trưởng phòng Quản lý Phát triển quỹ đất (Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Hà Nội) cho rằng: Đối với những diện tích đất xen kẹt, TP nên cho các địa phương tận dụng hạ tầng sẵn có để tiến hành đấu giá. Đây được xem là "biện pháp cởi trói" cho các địa phương khi tiến hành đấu giá các lô đất nằm kẹt giữa các khu dân cư.
Trên cơ sở quy hoạch chung và quy hoạch nông thôn mới đã được phê duyệt, các địa phương đều mong muốn UBND TP Hà Nội giao cho huyện được xem xét, chấp thuận vị trí các điểm đấu giá và cấp chỉ giới đường đỏ. Trên cơ sở bảng giá đất TP đã ban hành hàng năm, các địa phương đề nghị UBND TP giao cho cấp huyện được xác định, phê duyệt giá khởi điểm tại các điểm ĐGQSDĐ… Đây được coi là "chìa khóa" tháo gỡ khó khăn trong công tác ĐGQSDĐ ở các huyện, nhất là huyện vùng sâu, vùng xa.
Nếu không có cơ chế cởi mở thì những mảnh đất như thế này sẽ rất khó đấu giá (ảnh chụp tại một vị trí đất đấu giá ở xã Thụy Hương).
|