Đấu giá vốn “khủng” gần 7.000 tỷ đồng tại PV Power

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ngày 31/1 Sở này sẽ tổ chức phiên đấu giá cổ phần Công ty mẹ - Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), vốn thuộc sở hữu của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.

Theo đó, PV Power 100% vốn thuộc sở hữu của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), có địa chỉ giao dịch tại tầng 8, 9 tòa nhà Viện Dầu khí 167 Trung Kính, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. PV Power có ngành nghề kinh doanh là sản xuất và truyền tải phân phối điện, lắp đặt hệ thống điện, dịch vụ kỹ thuật điện, dịch vụ cung ứng than.

PV Power có 1 nhà máy nhiệt điện chạy than Vũng Áng; 3 nhà máy nhiệt điện chạy khí là Cà Mau 1 & 2, Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2; 3 nhà máy thủy điện là Hua Na, Dak Drinh, Nậm Cát. Tổng công suất các nhà máy nhiệt điện và thủy điện là trên 4.208 MW, chiếm tỷ lệ khoảng 10% công suất phát điện cả nước.
 PVN thoái 49% vốn tại PV Power. Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Theo phương án cổ phần hóa, PVN bán đấu giá thoái vốn công khai tại PV Power với 468 triệu cổ phần, bằng 20% vốn điều lệ được phê duyệt sau cổ phần hóa. Trong đó, vốn điều lệ của PV Power là 23.418 tỷ đồng.

Mệnh giá mỗi cổ phần là 10.000 đồng, giá khởi điểm chào bán đấu giá công khai là 14.400 đồng/CP. Với mức giá khởi điểm này PVN dự kiến sẽ thu về 6.745 tỷ đồng nếu lượng cổ phần chào bán công khai được mua hết.

Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đủ điều kiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/07/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần đều được phép mua cổ phần chào bán công khai của PVN tại PV Power.

Ngoài lượng cổ phần chào bán công khai, PVN còn chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược với 676 triệu cổ phần, chiếm gần 29% vốn điều lệ thực hiện cổ phần hóa. Tại phương án cổ phần hóa PV Power cũng đã đặt ra yêu cầu đối với nhà đầu tư chiến lược đủ điều kiện mua cổ phần đó là: Kinh doanh có lãi 2 năm liên tục gần nhất, không có lỗ lũy kế và cam kết không chuyển nhượng cổ phần trong 5 năm đầu sở hữu.

Sau cổ phần hóa, PVN thoái 49% và vẫn nắm giữ 51% vốn điều lệ tại PV Power. Đến năm 2019 tỷ lệ này có thể giảm xuống, phụ thuộc vào quá trình tái cấu trúc của DN trong đó có việc giảm các khoản nợ giữa các bên cho vay.

Việc thoái vốn của PVN tại PV Power nằm trong lộ trình cổ phần hóa DN nhà nước của Chính phủ theo Nghị định số 59. Việc thoái vốn của PVN tại PV Power nhằm giúp DN này huy động các nguồn lực đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, giảm bớt vốn vay tín dụng, giảm áp lực tài chính và cải thiện điều kiện sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần