Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dấu hiệu hôn nhân "lung lay"

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu bạn thường xuyên cãi vã với bạn đời không vì lý do gì trong một thời gian dài thì sẽ dẫn đến những vấn đề xấu trong hôn nhân.

Rất khó để chung sống hạnh phúc nếu cuộc hôn nhân của bạn đang có dấu hiệu “sứt mẻ”. Những cử chỉ vô tâm của bạn đời hoặc nảy sinh mâu thuẫn liên tục đều là yếu tố khiến bạn cảm thấy không vui với cuộc sống hôn nhân. Một vài dấu hiệu dưới đây chứng tỏ hôn nhân của bạn đang rơi vào tình trạng “lung lay”.

 
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

1. Không tin tưởng nhau

Nếu bạn không tin tưởng bạn đời của mình và ngược lại, thì hôn nhân đã không còn ý nghĩa gì đối với cả hai. Một gia đình hạnh phúc không thể tồn tại nếu thiếu niềm tin và sự trung thực. Trong thực tế, những rạn nứt về tình cảm hôn nhân đều xuất phát từ việc thiếu niềm tin đối với nhau và sau đó dẫn theo hàng loạt những hệ quả xấu khiến gia đình trở nên không hạnh phúc, bởi nghi ngờ khiến cho cuộc sống chỉ thêm nghẹt thở và nặng nề. Niềm tin là yếu tố hàng đầu cho một cuộc hôn nhân “thành công” và khi mất niềm tin nghĩa là bạn đã mất tất cả.

2. Thường xuyên cãi nhau

Nếu bạn thường xuyên cãi vã với bạn đời không vì lý do gì trong một thời gian dài thì sẽ dẫn đến những vấn đề xấu trong hôn nhân. Hoặc những nghi ngờ hay hiểu lầm liên tục cũng có thể khiến cuộc sống vợ chồng rơi vào tình trạng chán nản và bức bí. Ngoài ra, những cuộc tranh cãi thường xuyên còn có thể dẫn đến những tình huống bạo lực gia đình nếu người chồng nóng tính và gia trưởng.

3. Không xây dựng kế hoạch tương lai

Hạnh phúc gia đình bạn sẽ càng bị đe dọa nhiều hơn nếu cả hai không có kế hoạch cho tương lai. Kế hoạch tương lai không có nghĩa là chỉ có con cái mà bao gồm nhiều vấn đề khác như tài chính, công việc, nhà cửa... Nếu bạn đời từ chối bàn bạc hay lảng tránh đề cập tới dự định sắp tới cho cả gia đình tức là anh ấy không chắc chắn về cuộc sống tương lai với bạn và cuộc hôn nhân của bạn đang gặp trục trặc.

4. Quan hệ tình dục giảm dần

Quan hệ tình dục là một cách thể hiện tình yêu trong hôn nhân. Không có sự gần gũi về mặt thể xác hoặc số lần quan hệ thưa dần sẽ khiến cuộc sống vợ chồng bị nhạt nhẽo. Điều này không chỉ có nghĩa bạn đời không còn cảm xúc với bạn như trước mà còn chứng tỏ anh ấy đã không còn yêu bạn. Nếu bạn cũng có cảm giác giống như anh ấy, không muốn quan hệ vợ chồng và gần gũi nhau thì tương lai hạnh phúc gia đình có thể rất xấu.

5. Không trò chuyện, tâm sự nhiều

Nếu bạn giấu giếm nhiều điều với bạn đời thì hôn nhân của hai bạn đã không còn sự kết nối. Nhiều khi do che giấu mà gây ra hiểu lầm và dẫn đến cãi vã, bất hòa trong quan hệ vợ chồng. Nếu không trò chuyện, tâm sự nhiều với nhau thì hai bạn không thể hiểu nhau, từ đó cùng nhau tìm ra giải pháp cho những bất ổn trong gia đình. Để xây dựng mối quan hệ vợ chồng tốt, mọi chuyện phải được rõ ràng giữa hai người. Hãy cùng nhau trò chuyện về mọi điều khiến hôn nhân trở nên tốt đẹp.

6. Mong đợi quá nhiều

Hy vọng là điều tốt, là động lực giúp chúng ta sống tích cực và lạc quan hơn. Nhưng khi mong đợi quá nhiều vào bạn đời tức là bạn đã hy vọng vượt quá thực tế. Điều này thường dẫn tới áp lực cho bạn đời và nhiều khi khiến bạn cảm thấy thất vọng vì vợ (chồng) không thể thỏa mãn những mong đợi quá cao của bạn.

Ngoài ra, việc so sánh hôn nhân với tần suất cao cũng là một trong những cách khiến bạn đời nhanh chán nản và cảm thấy bức bối. Vì thế, bạn không nên trông đợi quá nhiều vào chồng (vợ) mình, mà thay vào đó hãy động viên, quan tâm và cảm thông để cả hai bạn cùng xây dựng hạnh phúc gia đình.

7. Hay đổ lỗi

Nếu anh ấy đổ lỗi cho bạn vì bất kỳ việc gì và bạn cũng làm tương tự thì hôn nhân của hai người đang rơi vào trạng thái bất ổn. Đổ lỗi cho nhau nghĩa là bạn không còn tin tưởng anh ấy và chứng tỏ bạn không sẵn sàng chịu trách nhiệm cho những việc đã làm. Chỉ khi biết nhận ra lỗi sai mới có thể sửa chữa và hoàn thiện tốt bản thân. Hành động nhận lỗi cũng là tấm gương tốt cho con cái học tập theo. Vì vậy, hãy cùng nhận và sửa lỗi trước khi quá muộn.