TNGT đã giảm sâu nhưng vẫn ở mức cao. |
TNGT vẫn ở mức cao
Báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, năm 2021, toàn quốc xảy ra 11.495 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.799 người, bị thương 8.018 người.
Trong đó, đường bộ xảy ra 11.364 vụ TNGT, làm chết 5.699 người, bị thương 8.001 người. Đường sắt xảy ra 69 vụ, làm chết 54 người, bị thương 16 người. Đường thủy xảy ra 53 vụ, làm chết 35 người, bị thương 1 người. Hàng hải xảy ra 9 vụ, làm chết và mất tích 11 người, không có người bị thương.
So với năm 2020, TNGT giảm ở cả 3 tiêu chí về số vụ TNGT giảm 3.496 vụ (giảm 23,3%), số người chết giảm 1.068 người (giảm 15,5%), số người bị thương giảm 3.143 người (giảm 28,1%).
Trung bình một ngày trong năm 2021, trên địa bàn cả nước xảy ra 31 vụ TNGT, gồm 20 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 11 vụ va chạm giao thông, làm 16 người chết, 11 người bị thương và 11 người bị thương nhẹ.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bảo đảm trật tự, ATGT năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia nhận định, năm 2021, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự nỗ lực của các lực lượng chức năng ngành Công an, GTVT đã giúp TNGT tiếp tục giảm mạnh cả 3 tiêu chí, số vụ, số người chết và số người bị thương.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, hiện TNGT ở nước ta vẫn đang ở mức cao. Đặc biệt, vẫn còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của Nhân dân.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn, bởi theo thống kê gần 19% số vụ TNGT là do người điều khiển vi phạm làn đường, phần đường, trong khi gần 10% chuyển hướng không chú ý.
Ngoài ra, cần nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự, ATGT và phòng chống dịch bệnh trong giao thông vận tải; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng và đảm bảo khả năng kết nối, sử dụng chung các cơ sở dữ liệu về trật tự, ATGT.
Tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm là một trong những giải pháp trọng tâm để kéo giảm TNGT. |
8 nhóm giải pháp căn cơ
Mới đây nhất, Bộ GTVT đã ban hành kế hoạch hành động Năm An toàn giao thông năm 2022 với mục tiêu giảm TNGT từ 5 - 10% cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Kế hoạch của Bộ GTVT được đưa ra nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm, các đô thị lớn và không để xảy ra ùn tắc giao thông khi kiểm soát dịch bệnh.
Đồng thời, bản kế hoạch này cũng hướng tới mục tiêu hạn chế tối đa việc lây nhiễm, bùng phát dịch bệnh Covid-19 từ các hoạt động GTVT; tiếp tục kéo giảm từ 5 - 10% số vụ, số người chết, số người bị thương do TNGT so với năm 2021.
Có thể thấy trong bản kế hoạch hành động Năm An toàn giao thông năm 2022 có 8 giải pháp kéo giảm TNGT được đưa ra tương ứng với 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện.
Đối với giải pháp xây dựng văn bản pháp luật về ATGT, Bộ GTVT yêu cầu hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm ATGT, chống ùn tắc giao thông; bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước và hiệu lực thi hành pháp luật.
Bộ GTVT nhấn mạnh, cần gắn mục tiêu bảo đảm ATGT, giảm ùn tắc giao thông; phát triển giao thông thông minh vào trong các đề án, chiến lược, quy hoạch cấp quốc gia, cấp tỉnh, thành phố và các dự án đầu tư.
Đối với giải pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT, Bộ GTVT yêu cầu tập trung nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác này ở các cấp, ngành liên quan; tránh hình thức, lãng phí; kiên trì xây dựng văn hoá giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân.
Một giải pháp quân trong nữa là xử lý vi phạm. Bộ GTVT yêu cầu triển khai hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất để chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm liên quan đến công tác bảo đảm ATGT.
Đồng thời chú trọng thực hiện thanh tra, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về bảo đảm ATGT được phát hiện năm 2021.
Đối với giải pháp xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông, Bộ GTVT yêu cầu bảo đảm tiến độ, chất lượng trong hoạt động đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Thực hiện hiệu quả công tác duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông trong giai đoạn khai thác.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát và xử lý kịp thời các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT và quản lý hiệu quả, xử lý nghiêm các vi phạm, hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.
Về giải pháp cơ cấu lại thị phần vận tải, Bộ GTVT yêu cầu tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải, nâng cao năng lực, chất lượng và giảm giá dịch vụ, nhằm thu hút hành khách, hàng hóa sử dụng vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không dân dụng. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động GTVT.
Đối với công nghệ, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan để áp dụng kịp thời các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào công tác quản lý, điều hành hoạt động vận tải, tổ chức giao thông và hỗ trợ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về ATGT.
Kiểm soát vi phạm nồng độ cồn được lực lượng chức năng thực hiện rất thành công trong thời gian qua. |
Cần thực hiện đồng bộ
Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhận định, 8 nhóm giải pháp vừa được Bộ GTVT đưa ra nếu thực hiện được sẽ mang tới những hiệu quả rõ rệt trong việc kiềm chế và kéo giảm TNGT.
“Rõ ràng, những giải pháp đưa ra đều là những vẫn đề cốt lõi của lĩnh vực GTVT. Trong đó, việc đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về giao thông và đẩy mạnh tuyên truyền những quy định về ATGT là 3 vấn đề quan trọng nhất” - ông Bùi Danh Liên cho biết.
Tuy nhiên, chuyên gia giao thông này cũng cho rằng, để thực hiện cùng lúc cả 8 giải pháp trên không phải là điều đơn giản và cần có sự đồng bộ và vào cuộc đồng thời của cả hệ thống chính trị.
“Nếu cả xã hội cùng chung tay thực hiện thì chắc chắn sẽ thực hiện được. TNGT sẽ được kéo giảm một cách rõ rệt và bền vững nếu mọi người cùng đồng tâm thực hiện những giải pháp này” - chuyên gia Bùi Danh Liên khẳng định.