Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đau lòng từ những thảm án gia đình

Phương Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bố giết con, vợ giết chồng, anh em tước đoạt sinh mạng của nhau… là những thảm cảnh đau lòng của nhiều gia đình hiện nay.

Dường như hệ thống luân lý, đạo đức đang bị nhiều người coi nhẹ và bi kịch vẫn tiếp diễn…
Băng hoại giá trị đạo đức

Dư luận chưa hết rùng mình trước thông tin vợ chém chết chồng rồi chặt đầu, phân xác cho vào thùng rác tại Bình Dương thì mới đây vụ án cha giết con lại xảy ra tại Cà Mau. Trước đó thì bố tẩm xăng đốt chết con gái tại Hải Phòng, vợ giết chồng để đi theo người tình ở Lâm Đồng, mẹ giết hai con rồi tự sát, con bỏ thuốc độc vào thức ăn sát hại cha, chồng chém vợ mang thai khiến con rơi ra ngoài… Trong tất cả những vụ trọng án thì những vụ việc mà thủ phạm và nạn nhân có quan hệ huyết thống hay ràng buộc quan hệ vợ chồng vẫn thường để lại nỗi ám ảnh và nỗi đau dai dẳng cho nhiều thế hệ. Theo thống kê của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, trong số các vụ giết người do mâu thuẫn gia đình, có khoảng 14 - 15% mang tính chất dã man. Con số đó là hồi chuông báo động về băng hoại giá trị đạo đức, lối sống trong gia đình, là lời cảnh tỉnh cho toàn xã hội về vấn đề bạo lực gia đình nói chung.
 Ảnh minh họa
Vì sao, trong thời đại văn minh, có nhiều ràng buộc từ quan hệ gia đình đến hệ thống luật pháp nghiêm minh mà con người lại hành xử với nhau tàn ác, hoang dã đến vậy? Nhiều người cho rằng, một trong những nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là sự thiếu quan tâm đến nhau trong đời sống gia đình, khiến những mâu thuẫn tồn tại âm ỉ không được hóa giải suốt thời gian dài và gây ra hậu quả nghiêm trọng khi “giọt nước tràn ly”.

Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình – Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội, Viện Xã hội học thì mâu thuẫn gia đình ngày càng phức tạp. Nó không chỉ đến từ những mâu thuẫn về cơm áo gạo tiền, sự ghen tuông mà còn đến cả từ sự đố kỵ, nghi hoặc từ những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống. “Nếu không có kỹ năng xử lý, không chỉ đàn ông, nhiều phụ nữ cũng dễ trở thành nạn nhân hoặc kẻ gây án, để lại hậu quả rất đáng tiếc. Sau đó, dù hối tiếc cũng đã quá muộn” - PGS.TS Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh.

Đề cao tình thương yêu, chia sẻ

Cũng theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, trong nhiều gia đình hiện đang dần mất đi những nền nếp, truyền thống đạo lý, nhân văn, văn hóa… Và đó chính là môi trường để tội ác nảy sinh và phát triển. Nếu như trước đây, gia đình sống với nhau có nhiều thế hệ, tình cảm ông bà, con cháu gắn kết nhiều hơn, thì nay, mối quan hệ giữa các thành viên lỏng lẻo, không vững chắc, gia đình không còn kiểm soát nhau nhiều như trước. Mọi người đều bị cuốn vào các mối quan hệ xã hội, tìm kiếm các giá trị khác mà quên đi giá trị gia đình. Đề cập đến vấn đề này, bà Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng, nếu gia đình quan tâm đến nhau hơn thì sẽ ít có cơ hội để cái ác nảy sinh. Nếu củng cố lại thiết chế gia đình, hàn gắn được các chức năng của nó thì có thể sẽ ngăn chặn được những nguy cơ tội ác có thể xảy ra. Thực tế cho thấy, quá trình hình thành và hoàn thiện nhân cách con người phải được xây dựng trên cơ sở tiếp nhận kiến thức từ gia đình, nhà trường và xã hội. Giáo dục gia đình là môi trường đầu tiên để tạo nên tính cách của đứa trẻ nhưng hiện nay đã bắt đầu xuất hiện hiện tượng “lệch chuẩn” trong giáo dục trẻ em. Cha mẹ là tấm gương của con cái. Khi con cái mất niềm tin vào cha mẹ, mất niềm tin vào sự giáo dục của gia đình thì nhân cách cũng bị ảnh hưởng. “Do đó, một trong những cách thức đơn giản nhất để phòng ngừa trọng án trong gia đình chính là tăng cường giáo dục đạo đức cho con em mình. Bên cạnh những bài học về kiến thức thì bài học làm người là điều không thể thiếu. Đứa trẻ lớn lên trong một gia đình biết thương yêu, tôn trọng nhau, chia sẻ cùng nhau thì khó có thể xảy ra những hành vi thiếu nhân văn, lệch chuẩn” - bà Hồng phân tích.

Ở góc độ khác, luật sư Nguyễn Thủy (Đoàn Luật sư Hà Nội) nêu quan điểm, để phòng ngừa tội phạm xảy ra trong gia đình thì quan trọng là công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đạo đức, đề cao giá trị truyền thống dân tộc, qua đó định hướng giới trẻ, xây dựng hình thành đúng nhân cách đúng đắn. Khi tình cảm gia đình được đề cao, hiểu biết pháp luật thì sẽ hạn chế được những thảm án đau lòng trong gia đình.

Có thể nói, bạo lực gia đình đã tạo nên những bi kịch vô cùng đau xót cho nhiều thế hệ và gây ra những hệ lụy tiêu cực cho sự phát triển của xã hội. Bởi vậy, để ngăn chặn tấn bi kịch này, cần sự chung tay từ mỗi gia đình cùng các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội.