Lập kỷ lục với 11 tỷ USD
Năm 2019, hàng hoạt thế mạnh xuất khẩu tỷ USD của ngành nông nghiệp Việt Nam sụt giảm mạnh, riêng ngành lâm sản vẫn tăng trưởng bền vững, kim ngạch xuất khẩu vượt mục tiêu đề ra.
Báo cáo từ Bộ NN-PTNT cho thấy, giá trị xuất khẩu lâm sản ước đạt 11,2 tỷ USD, tăng 19,2% so với năm 2018. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu đạt 10,52 tỷ USD, tăng 18,2%; lâm sản ngoài gỗ xuất khẩu đạt 662 triệu USD, tăng 34,7% (sản phẩm từ mây, tre 481 triệu USD, tăng 30,9%; sản phẩm từ quế, hồi 181 triệu USD, tăng 42,8%).
Năm 2020 ngành lâm sản nước ta sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức |
Xuất siêu của ngành lâm sản năm 2019 cũng đạt kỷ lục với 8,67 tỷ USD.
Hiện xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới và đứng hai ở châu Á. Lâm nghiệp ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của nông nghiệp và trở thành nguồn đóng góp quan trọng, tăng trưởng bền vững ở mức hơn hai con số trong suốt 20 năm qua.
Những con số trên khẳng định vị thế ngành lâm nghiệp nói chung và chế biến gỗ nói riêng. Với những nguồn lực hiện tại, ngành sẽ chạm mức xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025 nếu được quy hoạch và thực thi tốt tầm nhìn.
Mới đây, tại tại Hội nghị trực tuyến bàn kế hoạch phát triển năm 2020, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, nhiệm vụ năm 2020, cần triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ Hiệp định VPA/PLEGT đã được phê duyệt, tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU.
Ngành phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất trên 5,1%, giá trị gia tăng đạt trên 4,96%. Bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có và quỹ đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp để tăng độ che phủ rừng lên 42%; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tập trung đạt 17 triệu m3; trồng rừng tập trung đạt 265 nghìn ha,... Kim ngạch xuất khẩu trên 11,5 tỷ USD, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.
Loạt khó khăn, thách thức
Tuy nhiên, công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), thách thức đầu tiên chính là nhân lực đang có xu hướng khan hiếm dần, dịch chuyển sang nhiều ngành khác từ làn sóng dịch chuyển đầu tư sản xuất từ các nước vào Việt Nam.
Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, số doanh nghiệp FDI ngành gỗ đăng ký mới trong 9 tháng đầu năm 2019 là 67, với tổng số vốn đầu tư trên 581 triệu USD, tương đương với 216% tổng số vốn đầu tư FDI mới vào ngành trong cả năm 2018. 40% doanh nghiệp FDI khó tuyển lao động có kỹ năng dẫn đến cạnh tranh giữa các ngành. Giá nhân công tại các Khu công nghiệp hiện tăng từ 10 - 20%. Lương lao động gia nhập thị trường mỗi năm có xu hướng chuyển dịch ngày càng tăng nhanh.Chỉ số tăng trưởng ngành gỗ Việt Nam đã tăng 18% đòi hỏi lượng lao động tăng tỷ lệ thuận để duy trì tốc độ này. Tuy nhiên, lượng lao động đào tạo bài bản chưa đáp ứng đúng kỳ vọng của doanh nghiệp, đa phần phải đào tạo lại, nhất là nhân lực cho các khâu vận hành máy móc công nghệ hiện đại, thiết kế, quản lý sản xuất...
Hơn nữa, giá đất đai tại Việt Nam khá cao, việc đầu tư mở rộng quỹ đất cho sản xuất ngày càng khó.
Tại Đông Nam Bộ, mức giá cho thuê xưởng xây sẵn dao động từ 2,5 - 5,5 USD/m2/tháng với mức thuê tối thiểu 3 - 5 năm. Đáng chú ý, tại các khu vực truyền thống như Bình Dương, Đồng Nai, tỷ lệ lấp đầy và nhanh tại các KCN đã đẩy giá thuê đất từ 80 USD cách đây hai năm lên 135 - 150 USD/chu kỳ thuê. Các khu vực tiềm năng khác như Long An, Tây Ninh giá thuê cũng tăng ở mức trên 130 USD/chu kỳ.
Ngoài ra, áp lực chuyển đổi số buộc các doanh nghiệp phải thích nghi nhanh từ thiết kế, công nghệ sản xuất và đặc biệt là thương mại số. Nền tảng số hóa đang thay đổi rất lớn công nghiệp chế biến, quản trị, thiết kế, mua bán hàng... Kinh doanh online cũng là xu thế bắt đầu ăn sâu rộng vào ngành nội thất làm thay đổi rất lớn công nghiệp nghiên cứu và phát triển sản phẩm và cách sản xuất ra nó.
Dù tiềm năng và dư địa thị trường cho Việt Nam còn rất rộng, nhưng theo Tổng cục Lâm nghiệp, với những khó khăn trên, để đạt mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025, ngành lâm nghiệp không thể tiếp tục chỉ dựa vào giá trị sản xuất. Thay vào đó, cần mở rộng đầu tư hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất - thiết kế - thương mại đến thương hiệu.
Bởi, trong một sản phẩm gỗ, nguyên vật liệu và sản xuất chỉ chiếm 30% giá trị, 70% còn lại là giá trị thiết kế. Sản phẩm có thiết kế đẹp giá bán càng cao. Thị trường thế giới đã qua giai đoạn cạnh tranh về giá, chuyển sang cạnh tranh về chất lượng và tất yếu trong tương lai là cạnh tranh về thiết kế trong khuynh hướng cá nhân hóa ngày càng cao. Về dài hạn, phải xây dựng chiến lược quy hoạch nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của ngành.