Đấu thầu thuốc tập trung: Ưu tiên thuốc giá rẻ, chất lượng có đảm bảo?

Diệu Hoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/1, tại hội nghị cung cấp thông tin báo chí của ngành bảo hiểm xã hội (BHXH), Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, nhờ đấu thầu tập trung, tiền thuốc năm 2018 đã giảm hơn 251 tỉ đồng. Tuy nhiên, điều dư luận băn khoăn là giá thuốc rẻ, liệu chất lượng có đảm bảo?

Giảm 10 – 15%

Theo ông Phạm Lương Sơn, với 5 hoạt chất mà theo tổng giá trị theo giá đấu thầu của tỉnh hoặc bệnh viện đề xuất trên 1,1 nghìn tỷ đồng, thì kết quả đấu thầu tập trung chỉ là gần 936 tỉ đồng, giảm 251 tỉ đồng, trung bình giảm 10 - 15% so với các mặt hàng đã trúng thầu tại các tỉnh, TP trong 12 tháng trước đó. Đặc biệt, có mặt hàng thuốc giảm tới 54%. “5 hoạt chất này được chia thành các nhóm thuốc: Nhóm sản xuất ở nước ngoài, nhóm sản xuất trong nước... Do đó, nhóm thuốc thể hiện chất lượng thuốc chứ không phải giá thuốc, và không có chuyện "tiền nào của nấy”” - ông Sơn khẳng định.
 Kiểm tra thuốc trước khi xuất kho tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Ảnh: Thanh Hải
Trưởng ban Dược - Vật tư, BHXH Việt Nam Nguyễn Tá Tỉnh lấy ví dụ, một loại thuốc nếu năm trước đấu thầu với giá 2.000 đồng, thì chính thuốc ấy năm nay đấu thầu tập trung chỉ còn 1.500 đồng, tức là giá đã rẻ hơn 500 đồng. Trước đây có hiện tượng cùng một loại thuốc, một loại vật tư, nhưng tại các tỉnh giá lại khác nhau, do đó, đấu thầu tập trung khắc phục được tình trạng mỗi nơi một giá. Điều này chứng tỏ nếu đơn vị tổ chức khi xây dựng giá kế hoạch tốt, sẽ có chất lượng tốt, nếu giá phê duyệt cao thì mua giá cao. "Theo kế hoạch 2018, chúng tôi đã chủ động đề xuất với Bộ Y tế tổ chức đấu thầu thuốc tập trung 9 hoạt chất với 21 danh mục thuốc và sẽ áp dụng vào năm 2019 - 2020. Đây là 9 hoạt chất được sử dụng với số lượng lớn và ở nhiều nhóm, mức giá khác nhau, trong 21 thuốc thì nhóm kháng sinh chiếm 16 thuốc" - ông Tỉnh cho hay.

Đấu thầu tập trung vật tư

Bên cạnh việc đấu thấu tập trung thuốc, tại hội nghị, ông Sơn cho biết, vì chi phí vật tư y tế lớn, nên có hiện tượng dải giá rộng. Có nghĩa cùng một loại vật tư, nhưng giá có thể từ 2 - 3 triệu đồng tới 20 triệu đồng, nên BHXH Việt Nam đang xem xét đấu thầu tập trung cả vật tư y tế. Đơn cử như thủy tinh thể nhân tạo có loại cứng, loại mềm và có giá từ 2, 3 triệu đến 19 triệu đồng cho loại ánh sáng xanh, đỏ... Hay như khớp háng nhân tạo, cùng một hãng của Đức, nhưng có DN đưa giá 58 triệu đồng, có DN lại ra giá 35 triệu đồng. Do vậy, nếu đấu thầu tập trung sẽ khắc phục được hiện tượng mỗi đơn vị "hét" một giá.

"Nếu như trước đây không đấu thầu tập trung sẽ không có sự thống nhất về giá thuốc. Với vật tư y tế, sự chênh lệch sẽ rất lớn. Do đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ đạo và việc đấu thầu vật tư y tế tập trung sẽ sớm được thực hiện" – ông Sơn cho biết. Tuy nhiên, cũng theo ông Sơn, nếu trường hợp người bệnh có nhu cầu sử dụng vật tư giá cao, trong khi Việt Nam chưa có gói dịch vụ BHYT bổ sung, thì người bệnh phải bỏ tiền túi chi trả những loại vật tư y tế đắt tiền và vượt quá quy định BHYT chi trả.

"Đấu thầu thuốc tập trung quốc gia có nguy cơ là khi cung ứng lượng thuốc lớn có thể nhà thầu sẽ có sơ xuất nào đó, mà không đảm bảo lượng thuốc cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán, Bộ Y tế đã yêu cầu các nhà thầu ký cam kết đảm bảo cung ứng thuốc, nếu cần có thể liên kết với nhiều hãng thuốc để đáp ứng đủ thuốc." - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần