70 năm giải phóng Thủ đô

Dầu thô trên thị trường châu Á giảm giá

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hoạt động bán ra chốt lời nhanh chóng của giới đầu tư, sau phiên tăng giá mạnh ngày 9/5 và sáng 10/5, là nguyên nhân chính khiến dầu thô giảm giá cuối phiên giao dịch 10/5 trên thị trường châu Á.

KTĐT - Hoạt động bán ra chốt lời nhanh chóng của giới đầu tư, sau phiên tăng giá mạnh ngày 9/5 và sáng 10/5, là nguyên nhân chính khiến dầu thô giảm giá cuối phiên giao dịch 10/5 trên thị trường châu Á.

Chiều cùng ngày tại Singapore, giá dầu thô chuẩn Tây Texas (WTI) giao tháng 6/2011 giảm 1,21 USD xuống 101,34 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn tại London cũng giảm 1,27 USD còn 114,63 USD/thùng.

Theo chuyên gia phân tích dầu khí thuộc Ngân hàng ANZ tại Singapore, Serene Lim, cả giá dầu Brent và WTI đều giảm sau khi đã tăng mạnh 6-7 USD đêm trước tại thị trường Mỹ và châu Âu với cùng một lý do tranh thủ chốt lời.

Bên cạnh đó, việc hãng đánh giá tín dụng Standard & Poor's (S&P) hạ thấp xếp hạng tín dụng của Hy Lạp hôm đầu tuần và có thể còn hạ mức xếp hạng này thêm nữa cũng là nguyên nhân khiến dầu thô Brent giảm giá. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng đó chỉ là sự đi xuống tạm thời trước khi giá dầu tiếp tục bị đẩy lên cao.

Đêm trước tại New York, giá dầu thô trên thị trường thế giới bất ngờ tăng mạnh trở lại sau một tuần giảm tới mạnh (tới 15%) trước đó, nhờ số liệu tích cực từ lĩnh vực việc làm của Mỹ - nước tiêu thụ dầu mỏ nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, giới phân tích vẫn chần chừ không dám tuyên bố xu hướng đi xuống của giá dầu đã chấm dứt.

Kết thúc phiên 9/5 tại New York, giá dầu WTI và dầu Brent Biển Bắc cùng giao tháng 6/2011 lần lượt tăng 5,37 USD và 6,77 USD lên 102,55 USD/thùng và 115,90 USD/thùng.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Năng lượng Qatar, Mohammed Saleh al-Sada cuối tuần trước cho hay cuộc họp sắp tới (vào ngày 8/6) của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tại Vienna (Áo) dự kiến sẽ không đưa ra sự thay đổi lớn nào về sản lượng khai thác. Quan chức này đồng thời cũng nhấn mạnh rằng sản xuất và nguồn cung dầu trên thế giới vẫn đủ để đáp ứng nhu cầu./.