Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đấu tranh không khoan nhượng với thông tin xấu, độc

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những năm trở lại đây, trước những sự kiện quan trọng của đất nước, đặc biệt là Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sắp tới, trên các trang mạng xã hội lại lan truyền nhiều thông tin xuyên tạc, bóp méo sự thật với tần suất ngày càng lớn và tinh vi.

Những thông tin dạng này được đưa ra để nhằm mục đích bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, hạ thấp uy tín, cá nhân của các lãnh đạo chủ chốt của đất nước. 
Cảnh giác với tuyên truyền, xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng dự kiến tổ chức vào quý I năm 2021. Cùng với việc đề ra chủ trương, đường lối lãnh đạo phát triển toàn diện đất nước, Đại hội còn thực hiện nội dung đặc biệt quan trọng là bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2021 - 2026. Việc chuẩn bị nhân sự được tiến hành nghiêm túc, với quy trình đồng bộ, chặt chẽ, công khai, minh bạch theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 và tiêu chuẩn cán bộ theo Quy định số 89-QĐ/TW, Quy định số 90-QĐ/TW, ngày 04/8/2017 của Bộ Chính trị khóa XII.
 Một số trang mạng thông tin tuyên truyền xuyên tạc, độc hại.
Bên cạnh đó, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh với quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, nhằm “làm trong sạch” đội ngũ cán bộ và chuẩn bị nhân sự tốt nhất cho nhiệm kỳ mới theo tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không “chững lại”, “không chùng xuống”, mà “ngày càng quyết liệt, bài bản và hiệu quả hơn”. Điều này thể hiện rất rõ qua hàng loạt vụ "đốt lò" với nhiều quan chức biến chất trong bộ máy nhà nước phải đền tội trước pháp luật trong những năm gần đây.

Mặc dù trên thực tế, công tác trên nhận được sự ủng hộ nhiệt thành từ mọi tầng lớp Nhân dân nhưng các thế lực thù địch vẫn luôn tìm cách lợi dụng những sự việc này để tìm cách chống phá, gây mất ổn định đối với tình hình xã hội, chính trị của Việt Nam. Một trong những thủ đoạn dễ nhận biết và thường thấy nhất để thu hút sự chú ý của các đối tượng này là tung các thông tin xuyên tạc về công tác nhân sự, tấn công đời tư của những cán bộ cao cấp.

Điển hình là trường hợp vào đầu tháng 6/2020 vừa qua, mạng xã hội xôn xao về một tài khoản Facebook có gần 200.000 lượt người theo dõi đã đăng tải một bài viết nhắc đến tin đồn về một vị lãnh đạo Trung ương có quan hệ với một phụ nữ với bằng chứng rất mơ hồ khi chỉ là một bức ảnh che khuất gương mặt của 2 nhân vật chính. Không những thế tài khoản trên còn bịa đặt rằng bức ảnh đã được đối thủ của vị lãnh đạo gửi đến Bộ Chính trị, Ủy Ban Kiểm Tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương.

Mặc dù sau đó, thông tin trên đã được xác nhận là giả mạo và bức ảnh chỉ là một cảnh trong bộ phim nước ngoài nhưng bài viết trên vẫn có hàng trăm lượt bình luận và chia sẻ. Thậm chí, ngay cả khi biết đây là tin giả, được tạo ra để bôi nhọ cá nhân nhưng vẫn có không ít những người dùng đã lờ đi để tiếp tục buông lời thóa mạ, xúc phạm vị lãnh đạo cũng như từ đó bôi nhọ Đảng và Nhà nước.

Càng gần Đại hội XIII, các phương tiện truyền thông hải ngoại, trang mạng của các tổ chức phản động, lưu vong… cũng liên tục tung ra những luận điệu xuyên tạc, thất thiệt, sai sự thật nhằm suy diễn, quy kết thành hạn chế, yếu kém của Đảng, Nhà nước trong công tác cán bộ. Các chiêu trò được sử dụng mặc dù không mới nhưng vẫn thu hút được được lượng lớn người xem khi tập trung thêu dệt về đời tư, đạo đức lãnh đạo, dựng lên nhiều câu chuyện không có thật về chia rẽ nội bộ cũng như đấu tranh phe cánh.

Nói về tình trạng thông tin xấu, độc bôi nhọ lãnh đạo xuất hiện ngày càng nhiều trước thềm Đại hội XIII, Đại tá Phạm Văn Hà - Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an cho biết, thủ đoạn được các đối tượng sử dụng trong quá trình tung ra thông tin thường là lợi dụng những sự kiện diễn biến động thái có thật, bằng kỹ xảo và công nghệ thông tin chúng tạo dựng nên những luận điệu sai trái bằng cách lắp ghép, trích dẫn, cắt xén các lời phát ngôn, bài phát biểu, hình ảnh, lời bình.

Những kẻ chống phá luôn tìm cách bóp méo thông tin theo hướng tiêu cực như “tranh giành quyền lực”, “đấu đá nội bộ”, dự đoán, sắp xếp vị trí theo kiểu “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường” như: “Dự báo thay đổi nhân sự cấp cao Đại hội XIII”, “Ai sẽ vào “tứ trụ” Đại hội XIII?” và suy diễn theo chiều hướng tiêu cực, đấu đá, mất đoàn kết nội bộ, gây rối loạn thông tin, hoang mang trong dư luận...

Chúng cho rằng công tác cán bộ, nhân sự Đại hội XIII là cuộc “tranh giành quyền lực”, “thanh trừng nội bộ”, “thủ tiêu đối phương”... Chúng cố tình dựng chuyện, quy chụp rằng việc thực hiện công tác quy hoạch và đào tạo cán bộ cốt cán cho Đại hội XIII là Ban Chấp hành Trung ương đã “tước đi quyền tự do, dân chủ trong việc ứng cử, đề cử và bầu cử của các đại biểu dự Đại hội XIII”, “tổ chức đại hội Đảng các cấp, Đại hội XIII chỉ mang tính hình thức" - Đại tá Phạm Văn Hà nói thêm.

Ngoài thủ đoạn trên, chúng còn xuyên tạc đời tư, nói xấu, vu cáo cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng. Chúng thường phát tán các thông tin, hình ảnh, clip giả tạo, sai lệch, biến không thành có, thật giả lẫn lộn, gây hoài nghi nhằm làm suy giảm, niềm tin của quần chúng Nhân dân… Từ đó tác động đến nhận thức, tâm lý, tư tưởng của Nhân dân, cán bộ, đảng viên.

Mạnh tay xử lý thông tin xấu, độc

Nắm bắt được tình trạng thông tin xấu, độc mang tính chính trị sẽ xuất hiện mạnh trước thềm các sự kiện quan trọng của đất nước, đặc biệt là Đại hội XIII, ngay từ đầu năm 2020, Bộ TT&TT đã chủ động tăng cường giám sát không gian mạng, chủ động phát hiện và mau chóng gỡ bỏ những luận điệu bịa đặt, sai sự thật này. Trong đó chú trọng đặc biệt đến thông tin chống phá trên mạng xã hội cũng như website có máy chủ đặt ngoài nước về các lãnh đạo chủ chốt, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các đồng chí quy hoạch.

Điều này thể hiện rõ ràng qua các con số thống kê khi cơ quan quản lý nhà nước đã gỡ bỏ gần 400 trang giả mạo, 4.500 tin xấu độc trên Facebook và 30.000 video xấu độc trên Youtube. Đáng chú ý, số lượng thông tin bị gỡ bỏ trên Facebook trong năm 2020 tăng gấp 30 lần so với năm 2017 và số video được gỡ bỏ trên Youtube tăng 8 lần so với 3 năm trước đó. Qua đó, tỷ lệ tin xấu độc về các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước đã giảm mạnh từ trên 70% ở năm 2017 xuống chỉ còn dưới 3% ở thời điểm hiện tại.

Bên cạnh đó, những đối tượng tung tin xấu, độc cũng liên tục phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì hành vi đăng tải các nội dung xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước của mình. Có thể kể đến trường hợp của đối tượng Nguyễn Quốc Đức Vượng (Lâm Đồng) bị kết án 8 năm tù về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” hồi tháng 7/2020 vừa qua.

Theo đó, từ 2018, đối tượng Vượng đã sử dụng Facebook “Vượng Nguyễn” để đăng bài, phát video trực tiếp với nội dung thể hiện luận điệu xuyên tạc, không đúng sự thật về các vấn đề chính trị, xã hội.

Vượng dù đã được nhắc nhở vẫn không biết hối cải mà còn tiếp tục sử dụng Facebook cá nhân của mình để đăng tải 366 bài viết và 14 video có nội dung thể hiện quan điểm, ý thức xuyên tạc, phỉ báng chính quyền...

Thực tế, để các luận điệu xuyên tạc, sai sự thật, chống phá Nhà nước có cơ hội tồn tại và lan truyền phần lớn phụ thuộc vào ý thức của người đọc, chính sự thiếu ý thức, quan điểm chính trị hạn chế, bất mãn với chế độ của một bộ phận không nhỏ người dùng đã tạo điều kiện cho những thông tin dạng trên tồn tại và ngày càng nở rộ. Nhưng cần lưu ý, với việc Luật An ninh mạng đã có hiệu lực, hành vi lan truyền, cổ súy cho các thông tin dạng trên cũng là vi phạm pháp luật với nhiều chế tài xử phạt từ hành chính đến giam giữ.

Người tham gia mạng xã hội cần tỉnh táo, tăng sức đề kháng trước những thông tin xấu, độc, đặc biệt là liên quan tới chính trị. Trước khi lan truyền hoặc tham gia tương tác, cần xác định rõ tính trung thực của thông tin qua các website của cơ quan nhà nước hoặc báo chí chính thống. Bởi chỉ với mỗi bình luận hoặc chia sẻ những thông tin xấu, độc không chỉ mang lại rắc rối cho bản thân người dùng mà còn khiến chúng tiếp tục được lan truyền và gây nguy hại cho nhiều người khác.


Cơ quan quản lý nhà nước đã gỡ bỏ gần 400 trang giả mạo, 4.500 tin xấu độc trên Facebook và 30.000 video xấu độc trên Youtube. Đáng chú ý, số lượng thông tin bị gỡ bỏ trên Facebook trong năm 2020 tăng gấp 30 lần so với năm 2017 và số video được gỡ bỏ trên Youtube tăng 8 lần so với 3 năm trước đó.