Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Đầu tư AI để chuyển từ tòa soạn “hội tụˮ sang “thông minhˮ

Kinhtedothi - Để thích ứng với công nghệ mới, các cơ quan báo chí cần tập trung đầu tư ứng dụng AI để thông minh hóa toà soạn báo, chuyển từ “hội tụˮ sang “thông minhˮ một cách bài bản, có chiến lược và lộ trình, cần có sự đồng bộ từ trên xuống dưới cùng tầm nhìn phù hợp.

Tại Hội thảo "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị tòa soạn thông minh" do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức ngày 15/5, Giám đốc Nền tảng VNPT GenerativeAI - Tập đoàn VNPT - TS Lê Anh Văn đã chia sẻ về sự bùng nổ của AI - Data và tương lai của lĩnh vực báo chí - truyền hình".

Quang cảnh Hội thảo "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị tòa soạn thông minh" do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức. Ảnh: Phạm Hùng

Báo chí với xu thế khai thác dữ liệu từ AI

Theo ông Lê Anh Văn, AI chỉ là công cụ để khai thác dữ liệu. Thực tế với các mô hình lớn như Chat GPT là công cụ được tạo ra để khai thác tối đa dữ liệu văn bản đang có trên mạng internet, các nguồn, báo chí. Trong đó dữ liệu báo chí là quan trọng nhất, được coi là "dữ liệu vàng" vì sự chỉn chu, đa dạng ngôn từ, thông tin được kiểm chứng... nên có giá trị cao nhất.

Ông Lê Anh Văn cho biết, hiện nay, tất cả các lĩnh vực đều được ứng dụng AI để phát triển mạnh hơn, báo chí không nằm ngoài xu thế đó.

Trích dẫn
Trích dẫn 1
Việc áp dụng AI vào quá trình sản xuất tin tức có thể giảm bớt chi phí lao động và tăng hiệu quả trong quản lý nội dung. AI có thể giúp tự động hóa một số quy trình làm việc, như tìm kiếm và tổng hợp thông tin, dịch thuật tin tức sang các ngôn ngữ khác, hoặc thậm chí tạo ra bản nháp đầu tiên của bài viết, giảm thiểu thời gian và công sức của con người.
Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và truyền thông CDIT, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông - TS Cao Minh Thắng

Trên thế giới có 56% đơn vị xuất bản báo chí xem tự động hóa hậu trường là ứng dụng AI quan trọng nhất trong năm 2024; có 45% đài truyền hình sử dụng AI để cá nhân hóa nội dung; có 53% áp dụng AI cho dịch vụ phụ đề và chú thích tự động.

Dẫn chứng cho xu thế này, ông Anh Văn cho biết, Associated Press (AP) - hãng thông tấn của Hoa Kỳ và là cơ quan báo chí lớn nhất trên thế giới, ứng dụng AI để tự động tạo ra các báo cáo tài chính hàng quý của các công ty, giúp tiết kiệm 20% thời gian biên tập. Mỗi quý, AI tạo ra hơn 3.000 báo cáo tài chính với độ chính xác cao.

Tờ Reuters sử dụng công cụ Lynx Insight để phân tích dữ liệu, đề xuất ý tưởng bài viết và thậm chí viết một số câu, nhằm tăng cường khả năng phân tích và sáng tạo của phóng viên...

Tại Việt Nam, thị trường báo chí và truyền hình cũng không nằm ngoài xu thế. Hiện có khoảng 25% cơ quan báo chí đang ứng dụng AI trong các hoạt động vận hành của tòa soạn, đặc biệt là khâu sản xuất tin tức. Có 35% phóng viên sử dụng các công cụ số (bao gồm AI) trong hoạt động tác nghiệp hàng ngày.

Tuy nhiên, theo ông Lê Anh Văn, hiện có nhiều phóng viên, biên tập viên ứng dụng AI nhưng còn nhỏ lẻ, chưa có sự đồng bộ từ trên xuống dưới. Vì vậy, cần có sự đầu tư phát triển công nghệ, hợp tác để đưa công nghệ đi sâu vào phục vụ hoạt động của tòa soạn.

"Khi phát triển tòa soạn hội tụ, với công nghệ mới có thể nâng cấp thành tòa soạn thông minh. Các yếu tố con người, công nghệ, phương thức tác nghiệp, kinh nghiệm.... cùng không gian phối hợp, hòa quyện mang đến hiệu quả tốt nhất cho độc giả" - ông Lê Anh Văn nhấn mạnh.

Giám đốc Nền tảng VNPT GenerativeAI - Tập đoàn VNPT - TS Lê Anh Văn chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: Phạm Hùng

Tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu suất công việc

Về những ứng dụng của AI đối với cơ quan báo chí, truyền hình, vị chuyên gia cho biết, một số ứng dụng cụ thể được biết đến như bóc băng phỏng vấn. Với công nghệ nhận diện giọng nói giúp phân tách nội dung theo đối tượng nói. Việc ứng dụng công nghệ bóc băng đã giúp giải phóng 156 giờ lao động/người/năm.

Đồng thời, AI hỗ trợ kiểm tra chính tả, ngữ pháp và gợi ý văn phong. Với việc tự động dò lỗi, định dạng tài liệu theo mẫu, kiểm tra trích dẫn... AI giúp rút ngắn quy trình hiệu đính. Ứng dụng AI có khả năng giảm khoảng 34% thời gian sản xuất trên tất cả ấn phẩm; giảm khoảng 28% chi phí sản xuất nhờ dùng AI cho tái định dạng nội dung và tối ưu quy trình.

Bên cạnh đó, AI hỗ trợ tạo từ khóa, mô tả tự động, tối ưu hóa SEO, cải thiện khả năng tìm kiếm giúp dễ dàng tiếp cận độc giả trên nền tảng số. Có thể thấy, hiệu quả marketing khi sử dụng AI, với ROI tăng gấp 5 lần; tỷ lệ chuyển đổi tăng 10% so với không dùng AI...

Ngoài ra, AI dịch thuật nội dung cho phép chuyển ngữ bài báo và tài liệu gần như tức thời. Điều này mở ra khả năng xuất bản đa ngôn ngữ nhanh hơn nhiều so với quy trình dịch thủ công truyền thống , giúp giảm khoảng 60% chi phí dịch, nhanh gấp 4 lần so với truyền thống, tăng doanh thu toàn cầu khoảng 35%.

AI không chỉ dịch từ ngữ mà còn có thể gợi ý điều chỉnh văn phong cho phù hợp văn hóa địa phương. AI tổng hợp giọng nói để tạo báo nói tự động, giúp nhanh chóng có phiên bản báo/postcard nói. Đồng thời, AI giúp phát hiện sớm nội dung nhạy cảm, giảm chi phí, rút ngắn quy trình và bảo vệ uy tín toà soạn trước các rủi ro pháp lý...

AI tạo ảnh phố phường Hà Nội được tích hợp trong mô hình Toà soạn thông minh của Báo Kinh tế & Đô thị

AI không thể thay thế nhà báo

Mặc dù AI hỗ trợ nhiều cho cơ quan báo chí, truyền hình và các nhà báo nhưng Giám đốc Nền tảng VNPT GenerativeAI cảnh báo, việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực báo chí, truyền hình có mặt trái liên quan đến pháp lý và đạo đức trong sử dụng AI, như: có thể thông tin không chính xác, AI tự “bịaˮ ra thông tin không có thật nhưng trình bày rất thuyết phục; AI tạo nội dung nhanh nhưng không kiểm tra độ xác thực có thể dẫn đến gây mất niềm tin với cơ quan báo chí...

Vì vậy, để thích ứng với công nghệ mới, tập trung đầu tư ứng dụng AI để thông minh hóa toà soạn báo, chuyển từ “hội tụˮ sang “thông minhˮ một cách bài bản, có chiến lược và lộ trình, ông Lê Văn Anh cho rằng, cần có sự đồng bộ từ trên xuống dưới cùng tầm nhìn phù hợp. Trong đó, đào tạo kỹ năng AI cho nhân sự để tận dụng lợi thế của AI, tránh tụt hậu.

Cùng với đó, đào tạo nhận thức, coi AI là công cụ giúp nhân sự có thể làm việc hiệu quả hơn; thiết lập quy tắc đạo đức để sử dụng AI, bảo đảm ứng dụng AI để phát triển lành mạnh và có trách nhiệm; Có chiến lược chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ (bóc tách tài liệu, chuyển từ giọng nói sang văn bản, kiểm duyệt nội dung, trợ lý ảo...).

Về dài hạn, cần hiện đại hóa, thông minh hóa tòa soạn báo thông qua ứng dụng Big Data + Data Science hỗ trợ tổng biên tập và ban biên tập đưa ra các tình huống phân tích, dự báo về nhu cầu, xu hướng đọc của độc giả theo độ tuổi, vùng miền, nghề nghiệp... để từ đó hỗ trợ đưa ra các kế hoạch, chiến lược kinh doanh phù hợp.

Trước những cơ hội cũng như thách thức khi ứng dụng AI vào hoạt động báo chí, ông Lê Anh Văn cảnh báo, chúng ta xác định AI là công cụ chứ không phải làm chủ ngòi bút. Báo chí cần sự thật và được con người bảo vệ. Báo chí sẽ thất bại khi để AI làm chủ ngòi bút, hoàn toàn tự động, không có sự kiểm soát, kiểm duyệt của con người.

"AI không thể thay thế các nhà báo mà chỉ chắp thêm đôi cánh, hỗ trợ để các phóng viên nâng cao hiệu quả công việc, lên một tầm cao mới" - ông Anh Văn khẳng định.

Trích dẫn
Trích dẫn 2
AI có công nghệ nhận khuôn mặt Premiere gây tranh cãi dữ dội do liên quan đến quyền riêng tư của mỗi người. Nhà báo cần tỉnh táo trước những thông tin giả, thông tin sai lệch trên nguyên tắc trung thực, công bằng, tôn trọng nhân phẩm và quyền riêng tư ứng dụng vào môi trường số. Nhà báo cần thành thạo kỹ thuật kiểm chứng và sử dụng AI có đạo đức. Biết từ chối nội dung gây sốc để kiếm tương tác, kể cả khi được thuật toán ưu tiên.
Chuyên gia đào tạo truyền thông Trần Lê Thùy

Báo chí là “bệ phóng” cho du lịch tăng tốc

Báo chí là “bệ phóng” cho du lịch tăng tốc

Dòng sự kiện:
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Không để báo chí lỡ "chuyến tàu" AI

Không để báo chí lỡ "chuyến tàu" AI

16 May, 09:45 AM

Kinhtedothi - Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra những bước đột phá lớn trong lĩnh vực truyền thông, các chuyên gia tại Hội thảo "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị tòa soạn thông minh", do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức sáng 15/5 chung nhận định: Báo chí Việt Nam cần nhanh chóng thích ứng với công nghệ để không bỏ lỡ "chuyến tàu" cách mạng trí tuệ nhân tạo AI.

Sản phẩm báo chí AI: cần sự giám sát chặt chẽ của con người

Sản phẩm báo chí AI: cần sự giám sát chặt chẽ của con người

15 May, 03:36 PM

Kinhtedothi - "Sản phẩm báo chí AI cần sự giám sát chặt chẽ của con người" - đó là khẳng định của TS Cao Minh Thắng - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và truyền thông CDIT, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tại Hội thảo "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị tòa soạn thông minh" vừa diễn ra do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ