Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đầu tư bao nhiêu là đủ?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 10/7, Bộ VHTT&DL tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về văn hóa giai đoạn 2011 - 2015.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị cũng nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ cơ sở và các nhà nghiên cứu. Theo đó, sự chậm trễ và những điều bất hợp lý của quá trình thực hiện chương trình đã tạo ra nguy cơ người dân xin trả lại danh hiệu.

Hơn 1.000 tỷ đồng  vẫn thiếu

Theo báo cáo của Bộ VHTT&DL, năm 2012 Thủ tướng Chỉnh phủ đã phê duyệt đầu tư 7.339 tỷ đồng để thực hiện 6 dự án: Chống xuống cấp, tu bổ và tôn tạo di tích; điều tra sưu tầm và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; tăng cường đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thể thao các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo; hỗ trợ phát triển khu vui chơi giải trí cho trẻ em khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa biên giới và hải đảo; đầu tư phát triển các hệ thống nghệ thuật truyền thống; tăng cường năng lực cán bộ cơ sở, truyền thống và giám sát đánh giá thực hiện chương trình trong giai đoạn 2011 - 2015. Nhìn vào bức tranh tổng quan, ngành văn hóa đã liệt kê ra rất nhiều hiệu quả từ chương trình MTQG về văn hóa như: Trong 3 năm có 280 di tích được tu bổ tôn tạo, 680 di tích nhận hỗ trợ chống xuống cấp với tổng kinh phí 1.189 tỷ đồng. Nhiều di tích trở thành điểm đến du lịch đặc thù, phục vụ thiết thực nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng địa phương như: Côn Sơn Kiếp Bạc (Hải Dương), chùa Cổ Lễ (Nam Định), Đồng Cổ (Thanh Hóa), thành Hoàng Đế (Bình Định)....
 
 
Đầu tư bao nhiêu là đủ? - Ảnh 1
Nhà cổ 200 tuổi ở cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: Du Gia

Thế nhưng, hầu hết đại diện các tỉnh đều cho rằng, định mức đầu tư phân bổ cho các di tích xuống cấp hoặc xuống cấp nghiêm trọng đều lạc hậu so với thực tế. Đỉnh điểm của ý kiến thiếu vốn tu bổ tại hội nghị hôm qua là thông báo của ông Sùng Đại Hùng - Bí thư Huyện ủy Đồng Văn (Hà Giang): "Tại khu phố cổ Đồng Văn, hiện đã có khoảng chục hộ dân bức xúc lên tiếng đòi trả lại danh hiệu Di tích quốc gia. Bà con đòi trả lại, chúng tôi chỉ còn cách vận động. Nhưng chờ vài năm nay, huyện vẫn chưa nhận được đồng ngân sách nào, bà con bức xúc nên bảo lãnh đạo huyện nói dối".

Mặc dù, các địa phương đã chủ động huy động nguồn vốn xã hội hóa để cùng Nhà nước gánh vác trách nhiệm bảo tồn di tích, song đại diện một số tỉnh cho rằng đời sống của người dân địa phương còn quá nghèo, nên chưa thể có nhiều nguồn lực huy động. Để gỡ rối cho tình trạng đầu tư lớn nhưng chưa hiệu quả, ông Trần Văn Thông, Giám đốc Sở VHTT&DL Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất: "Cần đầu tư triệt để các dự án, tránh trường hợp dàn trải. Các địa phương cũng cần tính toán di tích nào cần đầu tư cấp thiết".

Thiếu cân bằng giữa vật thể và phi vật thể

Trong khi di tích vật thể được đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách vẫn chưa xứng tầm, thì nguồn vốn đầu tư từ chương trình MTQG cho văn hóa phi vật thể lại có vẻ hẩm hiu. Cho dù, trong 3 năm qua, chương trình đã hỗ trợ nghiên cứu lập hồ sơ trình và được UNESCO công nhận 2 di sản văn hóa phi vật thể là hát xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ. Thế nhưng, khá nhiều dự án nghiên cứu mới dừng lại ở việc sưu tầm, lưu giữ mà chưa phát triển sang giai đoạn nghiên cứu, phục dựng vì thiếu tư liệu chuyên môn. Đó cũng là lý do một số di sản văn hóa của các dân tộc ít người vẫn chưa được sưu tầm đầy đủ và có hệ thống.

GS.TS Trần Lâm Biền cho rằng: "Chính sách chế độ đãi ngộ cho các nghệ nhân vẫn lay lắt chờ Nghị định. Trong khi nghệ nhân là người nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể và có khả năng truyền dạy cao". Ông Biền còn nêu lên ví dụ nhiều văn hóa phi vật thể chưa được đưa vào danh mục di sản văn hóa quốc gia như: Văn hóa Thăng Long và văn hóa xứ Đoài. Ngoài ra, quá trình thực hiện chương trình hành động quốc gia bảo vệ 5 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại rất chậm chễ…

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh: Cần sòng phẳng giữa việc đầu tư vật thể và phi vật thể, không để tình trạng mất cân bằng như hiện nay. Nguồn tiền đầu tư của chương trình MTQG về văn hóa cũng đặc biệt lưu ý đầu tư tu bổ cho các công trình di tích cách mạng trước di tích tâm linh, vì di tích tâm linh dễ kêu gọi xã hội hóa. Để đảm bảo chương trình MTQG đạt hiệu quả cao nhất, Bộ VHTT&DL đã đề nghị Quốc hội và Chính phủ tăng cường nguồn lực từ ngân sách T.Ư cho chương trình, giải quyết dứt điểm tình trạng xuống cấp của các di sản văn hóa vật thể, nguy cơ mai một bản sắc dân tộc của kho tàng văn hóa phi vật thể, sự thiếu thốn cơ sở vật chất và hệ thống thiết chế văn hóa các cấp.q