Động lực cho thị trường
Vùng đất bãi bồi ven sông Hồng từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở chạy qua 13 quận, huyện của Thủ đô Hà Nội, diện tích đất bãi, đất ở chiếm trên 7.000ha. Nhưng đến nay, diện tích sử dụng chủ yếu để sản xuất nông nghiệp và xen kẽ trong những khu dân cư sinh sống từ nhiều đời nay đã tồn tại lượng lớn công trình nhà ở chỉ được xây dựng, lắp ghép tạm bợ. Cùng với đó là tình trạng lấn chiếm, xây dựng, sử dụng đất, diện tích mặt nước... sai quy định gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước.
Đánh giá một cách khách quan, cuộc sống của người dân đã tạo ra một không gian văn hóa, giá trị lịch sử đặc trưng của “văn hóa lúa nước”. Hơn 30 năm qua, các chuyên gia trong và ngoài nước tập trung nghiên cứu nhiều về quy hoạch xây dựng hai bên sông Hồng. Đến thời điểm hiện tại, đồ án chính thức đã được thông qua. Việc này không chỉ mở ra cơ hội tốt cho quá trình kiến thiết Thủ đô giai đoạn mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, mà còn tạo động lực to lớn cho thị trường BĐS dọc hai bên bờ sông Hồng.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, BĐS ven sông được xem là món hàng xa xỉ đối với bất cứ người dân nào. Việt Nam cũng không ngoại trừ, để sở hữu một căn nhà hướng nhìn ra sông hoặc chỉ ở gần sông người mua sẽ phải chi thêm gấp 2 - 3 lần giá tiền so với khu vực xung quanh, thậm chí nhiều vị trí còn có mức cao hơn. Nhưng nhu cầu sở hữu BĐS ven sông vẫn là lựa chọn được ưu tiên hàng đầu của người mua nhà, đặc biệt đối với nhóm người thu nhập cao.
“Nếu quy hoạch được triển khai đúng tiến độ, thị trường BĐS cũng như đời sống người dân khu vực này sẽ ổn định và nhiều cơ hội phát triển, thuận lợi trong quy hoạch xây dựng một TP đa năng trong thời gian tới. Khu vực phía gần sông Hồng sẽ xây dựng những con đường, quảng trường, nhà cửa, phố xá hướng ra sông... từ đó sẽ hút mạnh nhà đầu tư trong và ngoài nước” - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nhìn nhận.
Cẩn trọng rủi ro
Khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị, một số địa điểm ven sông Hồng như: Sơn Tây, Tây Hồ, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì... đã trải qua nhiều đợt sốt đất, thời điểm hiện nay, giá BĐS tăng cao hơn nhiều thời điểm cách đây khoảng một năm. Đơn cử, tại xã Đông Dư (huyện Gia Lâm), đất ở trong khu dân cư giáp tuyến đường làng rộng chừng 2 - 3m đang rao bán ngưỡng 40 triệu đồng/m2, tăng 25%; khu vực giáp đê sông Hồng, xã Tứ Hiệp (Thanh Trì) rao bán 50 triệu đồng/m2, trong khi cách đây một năm khoảng 35 - 40 triệu đồng/m2. Tương tự, các xã thuộc phân khu đô thị sông Hồng như Hải Bối, Vĩnh Ngọc, Xuân Canh… (huyện Đông Anh) mức giá cũng đang nằm ở ngưỡng 30 - 50 triệu đồng/m2, tùy vị trí.
Khi cơn sốt đất ở nhiều tỉnh, TP chưa có dấu hiệu dừng lại từ đầu năm 2022 đến nay, với việc TP Hà Nội chính thức công bố Đồ án quy hoạch phân khu đô thị ven sông Hồng, sông Đuống, khiến cho giới đầu cơ BĐS tiếp tục đứng ngồi không yên, cùng với đó là lượng lớn “cò” đất luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng vào cuộc. Trong vai người đi mua đất, phóng viên tiếp cận với anh Đặng Văn Quang - môi giới BĐS tự do khu vực Đông Anh (số điện thoại: 0856663xxx) dẫn đi xem một số mảnh đất gần bãi bồi ven sông thuộc địa bàn xã Xuân Canh (huyện Đông Anh). Theo anh Quang, đất khu vực này sau khi công bố đồ án quy hoạch đã tăng thêm 10 - 15%.
“Rất nhiều người đầu tư đất ở khắp các địa phương đang đổ về khu vực này, không chỉ đất thổ cư, dự án mà ngay cả đất nông nghiệp, phi nông nghiệp cũng tăng giá mạnh. Tôi vừa chốt bán cho khách một mảnh đất 50m2 với giá 2,2 tỷ đồng, chỉ trong vòng hơn một tuần kiếm lợi được gần 200 triệu đồng” - anh Đặng Văn Quang thông tin.
Mặc dù giá BĐS ở các khu vực ven sông Hồng tăng cao so với thời điểm cách đây 1 - 2 năm, hiện nay cũng được đồn thổi tăng giá mạnh nhưng thực tế khi trao đổi với cơ quan quản lý địa phương sau khi TP Hà Nội công bố Đồ án quy hoạch đô thị ven sông Hồng, giá đất ở địa bàn thông qua hồ sơ chuyển nhượng vẫn ổn định, chưa ghi nhận có sự tăng giá mạnh.
“Trước khi đồ án được công bố, đất ở một số khu vực ven sông thuộc địa bàn huyện đã được đẩy lên mức khá cao rồi. Thông qua hồ sơ chuyển nhượng, chúng tôi thấy giá đất vẫn ngang bằng so với thời điểm cuối năm ngoái, đầu năm nay, chưa ghi nhận địa điểm nào tăng giá mạnh như đồn thổi” - Trưởng phòng TN&MT huyện Đông Anh Hoàng Anh Tuấn cho hay.
Ở khía cạnh khác, chuyên gia về quy hoạch đô thị - thạc sĩ Trần Tuấn Anh cho rằng, Đồ án quy hoạch đô thị ven sông Hồng, sông Đuống đã được phê duyệt nhưng đây mới chỉ phê duyệt tỷ lệ 1/5.000, để đi vào triển khai cần tiếp tục nghiên cứu, lập quy hoạch chi tiết cho từng khu vực để phù hợp với điều kiện thực tế. Cho nên những người đầu cơ nếu nắm thông tin không chính xác thì rủi ro sẽ rất lớn.
“TP vẫn phải tiếp tục nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết các phân khu đô thị, khu vực chức năng công cộng... nếu chẳng may mua đất vào những vị trí này thì khả năng cao lợi nhuận đâu không thấy mà còn mất cả tiền đầu tư, phần bồi thường sẽ không nhiều vì đơn giá đền bù sẽ căn cứ vào bảng khung giá đất do Nhà nước quy định” - ông Trần Tuấn Anh phân tích.
Trên thế giới nói chung, khu vực châu Á nói riêng đã chứng kiến rất nhiều mô hình đô thị ven sông, sau khi quy hoạch xây dựng mang lại động lực phát triển mạnh cho thị trường BĐS như đô thị ven sông Hàn (TP Seoul, Hàn Quốc), đô thị ven sông Hoàng Phố (Thượng Hải, Trung Quốc) hay đô thị ven sông Singapore (Singapore)... Riêng đối với đồ án quy hoạch ven sông Hồng vẫn đang tiếp tục chờ quy hoạch chi tiết và xây dựng hạ tầng giao thông, kỹ thuật khác nên BĐS vẫn chưa thể sinh lời nhanh. Do vậy đầu tư "lướt sóng", xuống tiền theo thông tin quy hoạch hay cơn sốt sẽ gặp nhiều rủi ro.
Việc đầu tư vào BĐS ven sông Hồng phục vụ nhu cầu thực và dài hạn rất ít, do vậy giá sẽ chỉ tăng một thời gian rồi sẽ nhanh chóng trở về mức cũ. Vì vậy, nhà đầu tư cần tỉnh táo trước thông tin về quy hoạch, sốt ảo, bởi đã có rất nhiều nhà đầu tư bị nhấn chìm trong các cơn “sốt đất ảo” hay bởi thông tin ăn theo quy hoạch." - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính