Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đầu tư cho giáo dục phải đi trước một bước

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đổi mới cơ chế quản lý, phân tầng chất lượng giáo dục và đội ngũ giáo viên và cần tăng nguồn kinh phí xây dựng cơ sở vật chất… là đề xuất của lãnh đạo các Sở GD&ĐT, các trường ĐH trong việc triển khai Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020.

Tăng đầu tư

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020 tiếp tục hoàn thiện mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015 và duy trì, phát triển cho trẻ em dưới 5 tuổi theo nhu cầu và khả năng của từng địa phương. Chương trình SGK phổ thông mới chú trọng phát triển năng lực học sinh, vừa đảm bảo tính thống nhất trên toàn quốc, vừa phù hợp với đặc thù từng địa phương; chú trọng giáo dục đạo đức, thể chất, các giá trị văn hóa truyền thống, kỹ năng sống và hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.

Đầu tư cho giáo dục phải đi trước một bước - Ảnh 1

Chiến lược phát triển giáo dục cần tích cực phân cấp quản lý giáo dục.  Trong ảnh  Cô và trò trường tiểu học Uy Nỗ, huyện  Đông Anh.  Ảnh  Ánh Nguyệt

Lãnh đạo các đơn vị đều cho rằng, con người là quan trọng để thực hiện chiến lược, nên cần đầu tư cho nguồn nhân lực. Ông Lê Văn Quý, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên cho biết, mục tiêu phân cấp quản lý là tốt nhưng triển khai còn khó khăn, nhất là cấp cơ sở. Do đó, việc luân chuyển giáo viên về vùng khó khăn còn hạn chế, vì không có kinh phí và không thuộc thẩm quyền của Sở. Tại những vùng khó khăn, giáo viên muốn về vùng sâu, vùng xa để dạy học cũng khó vì cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt còn thiếu. "Đề nghị Chính phủ và Bộ GD&ĐT cần xem lại phân cấp, hoặc có hệ thống văn bản đồng bộ. Xây dựng cơ sở vật chất đồng bộ, chuẩn hóa phải có tài chính vì các tỉnh miền núi hưởng kinh phí chủ yếu từ Nhà nước nên khó có thể tự xây dựng" - ông Quý đề xuất.

Cần đổi mới chính sách sử dụng nhân lực trong khu vực Nhà nước từ khâu tuyển dụng, trả lương, sắp tới Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ cần cụ thể hóa nội dung này. Để tạo nội lực từ bên trong, các trường cần thường xuyên đổi mới, đánh giá cập nhật. Giáo viên trong trường cũng tham gia đánh giá hiệu trưởng, sinh viên đánh giá giáo viên. Chính sách đối với cán bộ trong trường không bình quân, không phải vì thâm niên hay vị trí làm việc. Cần khắc phục đầu tư cho giáo dục phải đi trước, coi trọng khoa học về sư phạm, vì đây là tiền đề của đổi mới chương trình giáo dục.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Bưởi, Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Ninh cũng cho rằng, để thực hiện chiến lược phát triển giáo dục, Bộ cần sớm hoàn thiện cơ chế chính sách, ban hành tiêu chuẩn cơ cấu trường chất lượng cao, cơ chế tuyển chọn giáo viên và quan trọng phải tăng ngân sách.

Ưu đãi thỏa đáng cho giáo viên

Ngoài đề xuất tăng đầu tư kinh phí để phát triển giáo dục, nhiều ý kiến đề nghị có chính sách ưu đãi cho đội ngũ giáo viên. Theo ông Trần Đình Sử, Hiệu trưởng ĐH Giao thông Vận tải, cần tiếp tục đổi mới quản lý, nội dung, phương pháp kiểm tra đánh giá, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, phát triển đội ngũ nhà giáo, mở rộng hợp tác quốc tế. Vì vậy, ông Trần Đình Sử đề nghị Nhà nước cần có cơ chế chính sách, chế độ thỏa đáng đối với nhà giáo để họ yên tâm công tác; cũng cần có chính sách đào tạo nhà giáo, thu hút giáo viên có năng lực vào trường ĐH. Bộ GD&ĐT nên phân cấp cho các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn nữa, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường, mở rộng diện tích theo chuẩn quốc tế.