Đầu tư công sôi động ngay từ đầu năm

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên cạnh việc bố trí gần 2,8 triệu tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn cho giai đoạn 2021 - 2022, Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội có thêm nguồn cho đầu tư phát triển. Do đó, giải ngân vốn đầu tư công đang được đốc thúc rất quyết liệt.

Khẩn trương phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công

Theo Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương, Quốc hội đã thông qua chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chủ yếu thực hiện trong 2 năm 2022 - 2023, trong đó bổ sung thêm nguồn lực cho đầu tư công. Vì vậy, áp lực giải ngân vốn đầu tư công chủ yếu trong 2 năm 2022 - 2023 rất lớn vì ngoài số vốn Quốc hội quyết định kế hoạch năm 2022 - 2023 trong kế hoạch đầu tư công trung hạn còn một lượng vốn bổ sung từ nguồn vốn thực hiện Chương trình.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, triển khai các dự án đầu tư đúng tiến độ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành địa phương tập trung các giải pháp, nhiệm vụ đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 ngay từ những tháng đầu năm. Cụ thể, khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2022 đã được giao theo đúng quy định; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư các chương trình, dự án khởi công mới sử dụng vốn đầu tư năm 2022 để sớm hoàn thành việc giao kế hoạch vốn; việc bố trí kế hoạch vốn cho các nhiệm vụ, dự án phải bảo đảm phù hợp với khả năng thực hiện và giải ngân.

Với nguồn vốn được giao, nhiều tỉnh, TP đã khẩn trương lên kế hoạch phân bổ vốn chi tiết và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2022, trong đó tập trung đầu tư hoàn thành các công trình chuyển tiếp và triển khai đầu tư các dự án trọng điểm theo nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp.

Tại Hà Nội, vốn đầu tư công thuộc kế hoạch 2022 được giao 51.072,9 tỷ đồng, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân ngay từ đầu năm, TP sẽ tập trung vào các dự án giao thông trọng điểm như: Điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội; quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 đường sắt đô thị tuyến số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo); phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị tuyến số 3 (đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai).

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, TP sẽ tập trung quyết liệt triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, đặc biệt gắn với trách nhiệm người đứng đầu.

"Chúng ta phải vào cuộc quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công cũng như cam kết của các chủ đầu tư, các ngành, các địa bàn..."- Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu. Báo cáo của Tổng cục Thống kê, tháng 1/2022, Hà Nội là địa phương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao nhất cả nước, ở mức 3.374 tỷ đồng.

TP Hồ Chí Minh, "đầu tàu" kinh tế của cả nước, dự kiến dành khoảng 45.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2022. Theo đó, TP Hồ Chí Minh bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương trong nước đầu tư các dự án: Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn) với số vốn 1.000 tỷ đồng; dự án xây dựng nút giao thông An Phú: 365 tỷ đồng; dự án xây dựng mới Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh (trên 283,6 tỷ đồng); dự án xây dựng, mở rộng QL 50 huyện Bình Chánh (120 tỷ  đồng)...

Tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2022 của TP Đà Nẵng là 7.880,731 tỷ đồng. TP Đà Nẵng tập trung bố trí vốn đầu tư công năm 2022 cho các tỉnh Nam Lào theo ghi nhớ đã ký kết với các tỉnh của nước bạn Lào; bố trí vốn đầu tư phân cấp cho huyện Hòa Vang; ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA theo tiến độ giải ngân; bố trí vốn cho các công trình, nhóm công trình trọng điểm mang tính động lực...

Tại Quảng Ninh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các chủ đầu tư, địa phương ngay từ đầu năm, tích cực triển khai thực hiện, phấn đấu đến 30/9/2022 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh đạt 80% kế hoạch và đến 31/12/2022 giải ngân đạt 100% kế hoạch.

Đầu tư công sẽ sôi động cùng phát triển kinh tế

Để thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, việc triển khai có hiệu quả kế hoạch đầu tư công có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng góp phần tạo năng lực sản xuất mới, thu hút đầu tư, phục hồi và phát triển kinh tế. Theo Bộ KH&ĐT, đây cũng là năm đầu tiên của tiến trình phục hồi, đòi hỏi công tác chỉ đạo, điều hành ở tất cả các lĩnh vực, trong đó có đầu tư công phải rất quyết liệt.

Kết thúc năm ngân sách (tính đến ngày 31/1/2022), vốn đầu tư công thuộc kế hoạch năm 2021 đã giải ngân được trên 431.188 tỷ đồng, đạt 93,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trước bối cảnh dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo giới chuyên gia, kết quả này là rất tích cực.

Tại báo cáo cáo Đầu tư công - động lực quan trọng cho kịch bản phục hồi kinh tế, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 sẽ tăng 20-30% so với giải ngân thực tế năm 2021 nhờ các yếu tố hậu thuẫn như: Nguồn vốn bổ sung phát triển kết cấu hạ tầng từ gói kích thích kinh tế mới được thông qua; nút thắt thiếu đá xây dựng và đất đắp đã được giải quyết khi Chính phủ cấp phép khai thác cho các mỏ mới; giá vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, đá xây dựng được dự báo sẽ giảm trong năm tới; thực tế giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 ở mức thấp, chỉ đạt 84% kế hoạch cả năm; nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đã hoàn thành công tác chuẩn bị, giải phóng mặt bằng và sẽ bắt đầu thi công các hạng mục chính vào năm sau...

Theo Bộ GTVT, năm 2022, bộ được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn cao chưa từng có, lên đến hơn 50.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong 113.500 tỷ đồng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2 năm tới cũng dành nguồn lực lớn để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Bộ GTVT dự kiến 2022, khởi công 38 dự án, dồn lực giải ngân ngay từ đầu năm, phấn đấu đạt 100% kế hoạch đã đề ra.

Thực tế, ngay trong kỳ nghỉ Tết, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ vướng mắc cho các dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông (một dự án hạ tầng trọng điểm).

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, phải tăng cường phân cấp phân quyền, đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, ai làm tốt nhất thì giao, và tất cả phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân. Có được quyết tâm đó, giải ngân vốn đầu tư công sẽ được cải thiện, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế.