Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đầu tư công vướng không hẳn do luật

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) vừa được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng tình với việc sửa đổi nhằm tạo cơ sở pháp lý ổn định, khắc phục triệt để những khó khăn trong quản lý, nhưng nhiều ý kiến cho rằng chỉ sửa những vấn đề thực sự vướng mắc, không sửa đổi toàn diện.
Băn khoăn nếu bổ sung kế hoạch 3 năm

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐH Nguyễn Chí Dũng, Dự Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến 3 nhóm chính sách chủ yếu, gồm: Về quy định chung, quản lý dự án, quản lý kế hoạch đầu tư công. Trong đó, nhóm chính sách về quản ý dự án đề xuất sửa đổi, bổ sung quy trình, trình tự, thủ tục, thẩm quyền liên quan đến chủ trương đầu tư… theo hướng đẩy mạnh phân cấp; giảm bớt, rút gọn hoặc bãi bỏ các thủ tục rườm rà, nhằm cải thiện chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án, góp phần đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.
 Cầu vượt nút giao Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái.  Ảnh: Hải Linh
Trong nhóm chính sách về quản lý kế hoạch đầu tư công, đáng chú ý là đề xuất về kế hoạch đầu tư công 3 năm theo phương thức cuốn chiếu, phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và đảm bảo sự đồng bộ giữa kế hoạch đầu tư công với kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn và hằng năm. Đây cũng là nội dung còn nhiều ý kiến băn khoăn.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Dự Luật quy định Kế hoạch đầu tư công trung hạn 3 năm cần có danh mục dự án 3 năm, gắn với các thủ tục phê duyệt, quy định thẩm quyền phê duyệt… Điều này sẽ phát sinh khối lượng công việc rất lớn. Vì vậy, trong trường hợp cần thiết phải có kế hoạch đầu tư công 3 năm thì đề nghị Chính phủ quy định theo hướng không làm tăng thêm thủ tục, không phát sinh nhiều đầu mối phê duyệt, phải đảm bảo sự liên thông giữa kế hoạch 5 năm, 3 năm và hàng năm. Những vấn đề phát sinh sẽ được xử lý kịp thời trong khi xây dựng kế hoạch hàng năm.

Một số thành viên Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đề nghị không bổ sung vào Dự Luật quy định này, vì việc cuốn chiếu 3 năm đối với nhiều dự án là khó thực hiện. Hơn nữa, sẽ làm phát sinh thêm nhiều quy trình, thủ tục, tầng nấc phê duyệt. Vì vậy, đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành là chỉ có kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm và kế hoạch hàng năm. Thực hiện tăng cường trách nhiệm quản lý để bảo đảm thực hiện nghiêm tiến độ, nâng cao hiệu quả triển khai các dự án.

Chỉ nên sửa điểm vướng

Liên quan đến phạm vi sửa đổi, các thành viên Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội cho rằng, Dự Luật còn nhiều vấn đề chưa đánh giá tác động, thậm chí vướng mắc vừa qua trong Luật Đầu tư công hiện hành có một phần nguyên nhân là do sự phối hợp giữa T.Ư và địa phương chưa tốt, sự chưa phù hợp giữa Luật với Nghị định, Thông tư hướng dẫn.

Luật Đầu tư công được Quốc hội thông qua năm 2014 trên cơ sở luật hóa những quy định đã được chứng minh tính hiệu quả, hợp lý trong thực tế của Chỉ thị 1792 của Chính phủ. Với nguyên tắc, chỉ khi nào cân đối được nguồn vốn mới được ghi tên dự án, công trình đầu tư công, Luật 2014 đã khắc phục cơ bản tình trạng rất phổ biến trước đó là cứ ghi tên dự án, công trình nhưng không có vốn, ghi từng tỉnh, từng địa phương, “chạy” cho được có tên trong danh mục đầu tư công nhưng không biết vốn ở đâu. Theo nhiều ý kiến, như vậy, lý do khiến thực hiện Luật bị lúng túng, khó khăn là vì Luật này tiến bộ quá, phù hợp với xu hướng của thế giới, phù hợp với quan điểm của T.Ư về kế hoạch đầu tư công trung hạn phải gắn với kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch vay và trả nợ công. Đồng thời, việc thi hành Luật Đầu tư công có quá nhiều Nghị định, làm cho thủ tục rườm rà thêm, ảnh hưởng tới tiến độ đầu tư công.

Một số ý kiến cũng băn khoăn khi có tới 30 điều trong tổng số 69 điều được sửa đổi, bổ sung giao cho Chính phủ hướng dẫn. Trong đó, nhiều nội dung quan trọng lại thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, UBTV Quốc hội. Trước thực tế đó, UBTV Quốc hội đề nghị Chính phủ có đánh giá tác động cụ thể và chỉ sửa những vấn đề thực sự vướng mắc, không sửa đổi toàn diện.