Đầu tư dự án y tế, giáo dục, văn hóa: Phối hợp để không chậm trễ

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-HĐND TP mới đây ban hành riêng nghị quyết về thực hiện đầu tư 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa giai đoạn 2021-2025 và tiếp theo. Để nghị quyết sớm đạt hiệu quả, các ý kiến cho rằng các đơn vị, địa phương cần tích cực phối hợp gỡ vướng mắc, tránh để dự án chậm muộn.

Khẩn trương từ những ngày đầu

Để phát triển giáo dục, y tế và gìn giữ, phát triển văn hóa, ngày 8/4/2022, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐND về bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của TP. Tại Nghị quyết này của HĐND TP và Kế hoạch 139/KH-UBND ngày 6/5/2022 của UBND TP, TP dự kiến đầu tư cho 3 lĩnh vực trong giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo là 49.203 tỷ đồng, thực hiện 1.469 dự án. Trong đó, lĩnh vực giáo dục 20.913,467 tỷ đồng cho 653 dự án, lĩnh vực y tế 14.260 tỷ đồng cho 237 dự án, lĩnh vực di tích 14.029,009 tỷ đồng cho 579 dự án. Từ đó, TP đã bố trí vốn trong năm 2021-2022 là 11.291,302 tỷ đồng để thực hiện các dự án, trong đó bố trí 1.204,202 tỷ đồng thực hiện 20 dự án cấp TP và 10.087,1 tỷ đồng vốn ngân sách cấp TP hỗ trợ các huyện, thị xã thực hiện 596 dự án.

Hiện Nghị quyết đang được các cấp, ngành TP khẩn trương triển khai ngay từ những ngày đầu. Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Văn Đức cho hay, cơ quan này đang phối hợp các sở GD&ĐT, Y tế, VH&TT rà soát, đề xuất phương án đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư, đề xuất dự án cấp TP.  Lãnh đạo các quận, huyện liên quan cũng đều khẳng định, địa phương đang tích cực triển khai theo kế hoạch, lộ trình.

Điển hình tại Hoàn Kiếm là một quận “lõi” của TP, chia sẻ về kết quả chỉ tiêu các trường đạt chuẩn quốc gia của quận được TP đánh giá cao với 28/35 trường đạt chuẩn, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Đinh Hồng Phong cho hay: Với quỹ đất hạn hẹp, khi tính toán xây dựng, quận đã đề xuất giải pháp nâng tầng thay cho mở rộng diện tích. Trong quy chuẩn cho phép xây dựng trường chỉ cao 3 - 4 tầng, nhưng thực tế có trường đã xây 5 - 6 tầng. Trong đó, tầng 1 làm sân chơi, các phần phụ sử dụng làm bếp, nấu ăn thì được bố trí ở tầng cao, nên vẫn đảm bảo học sinh được học ở các tầng 2, 3, 4. Từ nay đến năm 2025, quận phấn đấu có thêm 7 trường đạt chuẩn quốc gia theo giải pháp này. Tương tự tại huyện Thạch Thất, đến nay cũng đã có 43/45 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, 7 dự án đã được giao vốn và hoàn thành 1 dự án.

Chú trọng tiến độ song song với chất lượng

Dù đã có nhiều cố gắng, song qua kiểm điểm vừa qua của “Ban chỉ đạo (BCĐ) triển khai đầu tư, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn Quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của TP Hà Nội” về tiến độ thực hiện các dự án 3 lĩnh vực nói trên cho thấy, hiện vẫn có 216 dự án cấp TP và 637 dự án cấp huyện quản lý chưa đủ thủ tục để bố trí vốn.

Công trình tu bổ, tôn tạo đình Ninh Giang, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (Ảnh: Nguyễn Thanh)
Công trình tu bổ, tôn tạo đình Ninh Giang, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (Ảnh: Nguyễn Thanh)

Từ thực tế triển khai tại địa phương, để sớm hoàn thành các dự án, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Ba Đình Nguyễn Công Thành đề nghị TP chấp thuận được sử dụng nguồn cải cách tiền lương ngân sách quận còn dư để bố trí thực hiện các dự án đầu tư cải tạo trường học, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo các di tích trong kế hoạch đầu tư công của quận. Theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, các quận đều có chung mong muốn TP ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng trường học công lập và có giải pháp nâng tầng so với quy định.

Chia sẻ khó khăn của các huyện khác với ở quận, đó là việc cân đối vốn do nguồn thu ngân sách hạn chế, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ba Vì Phùng Tân Nhị cho biết, địa phương đã phải tính toán kế hoạch ứng vốn của năm 2023 cho một số dự án nhằm quyết tâm triển khai nhanh, đáp ứng tiến độ, đưa công trình vào sử dụng. Đối mặt khó khăn tương tự Ba Vì, lãnh đạo các huyện Chương Mỹ, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức cũng đề xuất TP có chính sách đặc thù. Đồng thời, để có thể sớm hoàn thành các dự án đúng tiến độ, rất cần có sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của TP và tháo gỡ từ các sở, ngành, bởi công tác giải phóng mặt bằng các dự án đang gặp nhiều vướng mắc.

Là cơ quan thường trực BCĐ, Sở KH&ĐT Hà Nội đề nghị các huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư, đề xuất dự án khi đủ thủ tục và đảm bảo nguồn vốn đối ứng cùng với vốn ngân sách TP hỗ trợ. Sở cũng đề nghị Ban chỉ đạo giao UBND quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện rà soát, đánh giá thực trạng, kiểm định chất lượng công trình đang sử dụng để xác định cần thiết đầu tư, đề xuất đầu tư xây dựng công trình mới, công trình bổ sung và nâng cấp, cải tạo đảm bảo quy mô, lộ trình đầu tư phù hợp; trình HĐND cùng cấp chủ động cân đối nguồn lực để triển khai các dự án.

Lưu ý khối lượng công việc của 3 lĩnh vực rất lớn, trong khi người dân rất đang mong chờ các nội dung công việc được triển khai nhanh, hiệu quả liên quan đầu tư 3 lĩnh vực, đặc biệt về tu bổ, tôn tạo di tích, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng đề nghị các địa phương vào cuộc quyết liệt, thực chất, chỉ đạo sát công việc, tránh để chậm muộn hoặc bỏ sót việc. Song song đó, rất cần sự chủ động vào cuộc của các sở ngành hỗ trợ địa phương vì trách nhiệm chung, tránh để đại diện các địa phương phải đi lại nhiều lần; các địa phương có vướng mắc cũng cần báo trực tiếp cho đại diện sở, ngành hoặc lãnh đạo TP.

“Riêng với các dự án, các địa phương cần triển khai chặt chẽ, quản lý tốt, đảm bảo sau xây dựng hoặc cải tạo xong được người dân chào đón, nhất là tránh các di tích mất đi tính nghệ thuật và tính tâm linh. UBND TP đã giao Sở VH&TT thành lập tổ công tác hỗ trợ các địa phương tháo gỡ vướng mắc về mặt kỹ thuật trong quá trình triển khai tu bổ, tôn tạo di tích; các địa phương và Sở VH&TT cần tích cực, cẩn trọng trong kiểm kê, công bố di tích” - Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn-Trưởng BCĐ triển khai đầu tư, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn Quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của TP Hà Nội khẳng định, việc triển khai đầu tư, cải tạo các công trình, dự án thuộc 3 lĩnh vực này là cơ hội rất lớn cho các địa phương trong phát triển KT-XH trên địa bàn. Các đơn vị, địa phương cần rất chú trọng tiến độ và chất lượng trong thực hiện các dự án, nhất là về chất lượng tư vấn, giám sát, thi công những công trình tu bổ tôn tạo di tích, bệnh viện. "Trong quá trình triển khai, quận huyện cần phối hợp rất chặt chẽ với sở ngành để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, tránh chậm muộn việc triển khai. Các sở, ngành quan tâm kiểm tra; các Ban HĐND TP kịp thời tổng hợp các kết quả, kiến nghị, đề xuất từ địa phương”- Phó Bí thư Thành ủy nêu rõ.