Theo thống kê của Sở VH&TT, hiện TP có 2.330/2.528 thôn (làng) có NVH, đạt 92,2%; nhất là mới có 1.689/5.452 tổ dân phố (31%) có NVH hoặc điểm SHCĐ; 143 xã, phường, thị trấn có NVH và 386 xã đã có quy hoạch xây dựng trung tâm văn hóa thể thao (VHTT) cấp xã. Nhưng qua khảo sát cho thấy, nhiều NVH thôn dù đảm bảo diện tích nhưng chưa đồng bộ trang thiết bị, phương thức hoạt động. Trong khi ở quận, do khó khăn quỹ đất nên nhiều tổ dân phố phải dùng chung NVH hoặc điểm SHCĐ, chỉ đảm bảo diện tích cho hội họp mà không đồng bộ về công trình phụ trợ.
Để sử dụng hiệu quả công trình sau đầu tư, đưa NVH thôn thực sự là thiết chế văn hóa phục vụ người dân ở cơ sở, cần quan tâm bộ máy quản lý và xây dựng quy chế hoạt động ở đây. Phát huy tốt vai trò của NVH thôn, lấy đó làm nòng cốt cho hoạt động VHTT -TDTT ở cơ sở, nên cần đầu tư đồng bộ trang thiết bị bằng cách tăng cường XHH, cùng với giao ban, giám sát hiệu quả đầu tư. Phó Giám đốc Sở VH&TT Trần Vân Anh |
Điển hình tại Đống Đa, Trưởng phòng VHTT Nguyễn Trọng Hải cho hay: Từ năm 2014 - 2018, quận đã xây, sửa được 17 thiết chế VHTT - TDTT và xây dựng, lắp trang thiết bị cho 48 nhà SHCĐ, nhưng thực tế hệ thống thiết chế từ quận đến cơ sở còn rất hạn chế, chủ yếu do rất thiếu quỹ đất, dân số lại lớn, nên khó triển khai các hoạt động văn hóa cộng đồng. Trong khi, kinh phí xã hội hóa (XHH) được chủ yếu tập trung cho lĩnh vực TDTT do vốn đầu tư không quá lớn, hiệu quả kinh tế cao, nên hấp hẫn hơn đầu tư vào văn hóa. Theo đoàn khảo sát, tuy UBND quận đã đầu tư được nhiều điểm sinh hoạt VHTT ngoài trời, song bài toán rất khó với địa phương vẫn là chưa có thiết chế văn hóa độc lập tại các phường, trong khi tổ dân phố mới chỉ có điểm SHCĐ nguyên nhân do không còn quỹ đất.
Còn tại Chương Mỹ, mới có 2 NVH xã; 190/216 NVH thôn, xóm; 141/216 khu thể thao thôn…; thôn, xã đã có NVH thì thiếu vốn đầu tư thiết bị, nên có những NVH đang phải dùng bàn ghế của học sinh. Ở Phú Xuyên, do thiếu kinh phí nên NVH huyện được xây đã gần 30 năm, 1 sân vận động xây từ những năm 1980 với nhiều hạng mục xuống cấp nặng chưa được cải tạo. Đặc biệt, đây là huyện duy nhất của TP không có nhà thi đấu đa năng. Tại cấp xã, mới có Phượng Dực báo cáo xây dựng Trung tâm VHTT, còn 27 xã, thị trấn chưa xây được trung tâm chuyên biệt này, phần lớn phải dùng hội trường UBND xã kiêm chức năng NVH. Tại các xã có 16 sân vận động nhưng thực chất mới là bãi đất phẳng tập bóng đá, rất khó tổ chức hoạt động TDTT ngoài trời. Với cấp thôn, còn 7 thôn chưa có NVH. Đáng chú ý, khảo sát trực tiếp NVH thôn An Khoái (xã Phúc Tiến) cho thấy: Công trình được đầu tư rất khang trang với tổng vốn 3 tỷ đồng nhưng chủ yếu mới có sân khấu, bàn, ghế, loa… đáp ứng nhu cầu hội họp, hoặc hộ nào có việc hiếu, hỉ thì có nơi tổ chức; chưa được đầu tư đa dạng chức năng, đồng bộ thiết bị phục vụ được nhu cầu TDTT của nhiều đối tượng người dân.
|
Sinh hoạt cộng đồng tại Nhà văn hóa thôn An Mỹ, xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên. Ảnh: Linh Chi |
Chú trọng hiệu quả, không “chạy đua” tiến độTrước thực trạng thiếu đất xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, nhiều quận đang tìm cách khai thác tối ưu những ô đất nhỏ lẻ còn lại. Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong khẳng định, quận sẽ tích cực chỉ đạo tìm kiếm các điểm đất xen kẹt tại địa bàn dân cư để đầu tư thêm điểm vui chơi cho Nhân dân, song TP cũng cần tăng đầu tư ngân sách xây dựng, bổ sung trang thiết bị cho các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Để nâng cao chất lượng hoạt động các thiết chế này, Phó Trưởng Phòng VH&TT quận Tây Hồ Chu Thị Thùy Giang đề nghị: UBND TP thông qua HĐND TP ban hành văn bản chỉ đạo cụ thể không chỉ về quy hoạch sử dụng đất, chính sách đầu tư của Nhà nước mà còn cần quy định rõ về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động, cơ chế thực hiện XHH văn hóa với các trung tâm VHTT xã, phường; chế độ thù lao cho cộng tác viên và chính sách cho cán bộ quản lý, khai thác NVH phường.
Không thể tiếp tục có trung tâm VH - TT xã, phường đầu tư hàng chục, trăm tỷ đồng nhưng hiệu quả khai thác thấp. Với NVH thôn, tổ đã được đầu tư, cần sớm có phương án khai thác tối ưu; những hạng mục chưa đầu tư thì cần nghiên cứu để đầu tư đa dạng chức năng, phục vụ nhu cầu VHTT - TDTT cho nhiều đối tượng, chứ không chỉ là nơi hội họp.Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Nguyễn Thanh Bình |
Phó Chủ tịch UBND phường Xuân La Nguyễn Văn Dũng dẫn chứng: Khi phường triển khai quyết định của quận về thành lập trung tâm VHTT phường và giao trung tâm quản lý các nhà SHCĐ thì vướng ngay quy định về quản lý tài chính; chế độ phụ cấp cho cán bộ thư viện, cộng tác viên của trung tâm cũng không được quy định cụ thể. “Quận áp mức phụ cấp 1.2 cho cộng tác viên nhưng chi thế nào lại phụ thuộc nguồn thu. Hơn nữa, người dân có tâm lý điểm SHCĐ là nơi công cộng, nên khi 4 điểm (do quận đầu tư và UBND phường XHH) đã lắp đặt thiết bị TDTT sau một thời gian đông người sử dụng bị hỏng, UBND phường huy động để sửa chữa thì nhiều người dân cho rằng đó là việc của phường. Cơ chế quản lý như vậy không thể đảm bảo hoạt động tự chủ của Trung tâm, nên TP cần có giải pháp cho cơ sở”- ông Dũng nhấn mạnh. Còn tại địa bàn nông thôn chủ yếu khó khăn về vốn, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Ngọc Lâm, TP cần quan tâm hỗ trợ đầu tư trang thiết bị VHTT cho NVH thôn, xóm; xây dựng quy hoạch, từng bước triển khai hệ thống thiết chế từ huyện đến cơ sở.
Trước những tồn tại hiện nay, đại diện Sở VH&TT cho biết, TP sẽ xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế VHTT -TDTT các cấp, chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp và kịp thời bổ sung cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống này tại cơ sở bằng nhiều hình thức huy động nguồn lực ở địa phương. Sở cũng đề xuất TP có chính sách đầu tư phù hợp để cấp cơ sở đủ kinh phí, quy hoạch quỹ đất, nhân lực quản lý trong xây dựng các thiết chế đạt quy chuẩn; từng bước có cơ chế huy động lực lượng tham gia xây dựng thiết chế hoặc tạo điều kiện để các NVH kết hợp với DN trong đầu tư, vận hành hiệu quả. Sở cũng kiến nghị TP hướng dẫn một số nội dung tài chính trong hoạt động NVH thôn, tổ dân phố. Với các quận, huyện, đoàn khảo sát đề nghị tập trung đầu tư đủ thiết chế VHTT - TDTT từ cấp huyện đến xã, nhất là NVH ở thôn, tổ. Điều đó còn phụ thuộc nguồn lực TP, nên UBND cấp huyện cần tích cực bám sát, đề xuất TP. Với những hạng mục của xã và địa bàn dân cư, cần đẩy mạnh nguồn lực địa phương, tích cực XHH, chú trọng khai thác công trình đã có, thường xuyên giám sát để vận hành hiệu quả cho xứng với ngân sách bỏ ra.