Đầu tư kinh phí bảo tồn, phát huy giá trị di tích của Thủ đô

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội hiện có 727 di tích xuống cấp, cần một khoản ngân sách lớn để tu bổ. TP sẽ xây dựng chiến lược mang tính tổng thể để tu bổ, tôn tạo nhằm gìn giữ, phát huy giá trị di tích trên địa bàn.

Trong những năm qua, TP Hà Nội liên tục dành nguồn vốn ngân sách kết hợp vốn xã hội hóa để đầu tư, tu bổ di tích. Ngay cả trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, TP vẫn quan tâm công tác tu bổ. Năm 2021, TP đầu tư tu sửa cấp thiết, chống xuống cấp cho 122 di tích với kinh phí 139,3 tỷ đồng.

Công trình tu bổ, tôn tạo đình Ninh Giang, xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm). Ảnh: Nguyễn Thanh
Công trình tu bổ, tôn tạo đình Ninh Giang, xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm). Ảnh: Nguyễn Thanh

Tuy nhiên, nếu các quận nội thành, huyện ven đô, Nhà nước chỉ cần cấp một phần vốn đối ứng, Ban quản lý các di tích có thể vận động xã hội hóa để tiến hành việc tu bổ, thì tại các huyện nghèo, kinh tế khó khăn như: Phú Xuyên, Ứng Hòa, Quốc Oai, Phúc Thọ, Thạch Thất, Ba Vì, Chương Mỹ… nhiều di tích xuống cấp mà không bố trí, huy động được vốn đầu tư. Do những khó khăn này, toàn TP có 727 di tích xuống cấp các hạng mục chính cần nguồn vốn đầu tư tu bổ, tu sửa cấp thiết và chống xuống cấp; trong đó 448 di tích xuống cấp, 279 di tích xuống cấp nghiêm trọng, nguy hiểm.

Trong bối cảnh đó, tháng 4 vừa qua, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025; phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo, và một số dự án xây dựng cơ bản nhiệm vụ chi cấp TP (Nghị quyết số 02/NQ-HÐND). Đây là bước cụ thể hóa của Nghị quyết số 11-NQ/TU về Hội nghị chuyên đề Ban Chấp hành Đảng bộ TP, thống nhất một số nội dung, trong đó có kế hoạch đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn.

Theo nghị quyết này, TP sẽ dành tới 14.029 tỷ đồng để thực hiện tu bổ, tôn tạo 579 di tích, trong đó ưu tiên cho các di tích đã được xếp hạng đang xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ, cần bảo vệ khẩn cấp; các di tích đã được xếp hạng có giá trị cao, đang xuống cấp các hạng mục gốc, hư hỏng cấu kiện, kiến trúc và di tích cần phát huy điểm đến gắn với việc phát triển du lịch, nhằm phát huy giá trị, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Mặt khác, khối lượng công việc đồ sộ và phức tạp không thể thực hiện một cách đại trà hay có giải pháp chung cho mọi công trình.

Việc tu bổ di tích trong giai đoạn 2021 - 2025 là nhiệm vụ quan trọng và chưa có tiền lệ, đòi hỏi một cách tiếp cận mới. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh: Do đặc thù kiến trúc, hàm lượng giá trị văn hóa trong mỗi công trình nên nhiệm vụ tu bổ, tôn tạo di tích hết sức đặc biệt, đòi hỏi đặt ra những yêu cầu về quy trình thực hiện, kiến thức, tay nghề… làm sao triển khai hiệu quả, giữ gìn và phát huy tốt giá trị nguyên gốc.

Với sự đầu tư của TP Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Lân Cường, PGS.TS Nguyễn Văn Huy đánh giá cao sự quan tâm của Thủ đô với việc đầu tư cho tu bổ, bảo tồn di tích là sự kịp thời. Qua đó cho thấy, TP Hà Nội đang rất quan tâm và coi trọng những giá trị của văn hóa. Các chuyên gia nhấn mạnh, tu bổ di tích cần làm đúng nguyên tắc. Chúng ta đã có nhiều bài học về việc di tích trăm năm tuổi bị thay mới ngay sau trùng tu, vì vậy cần phải hết sức thận trọng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần