Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đầu tư sản xuất, phát triển sản phẩm chè Thái Nguyên còn hạn chế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khuôn khổ Festival Trà Thái Nguyên – Việt Nam lần thứ III năm 2015, sáng 27/11, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Nguyên tổ chức hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm trà Thái Nguyên”.

Phát biểu đề dẫn, ông Lê Huy Nhỡn – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên cho biết, những năm gần đây, chè được xác định là cây trồng chủ lực của Thái Nguyên, không chỉ giúp người nông dân giảm nghèo mà còn làm giàu trên mảnh đất quê hương. Năm 2014, xuất khẩu chè của tỉnh đạt 12,9 triệu USD. Tuy nhiên, sản phẩm chè xuất khẩu mới đạt khoảng 20% tổng sản lượng chè toàn tỉnh.
Toàn cảnh hội thảo khoa học 27/11.
Toàn cảnh hội thảo khoa học 27/11.
Mặc dù được coi là sản phẩm quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, có lợi thế và cơ chế, chính sách hỗ trợ, nhưng việc phát triển cây chè của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là diện tích sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP còn thấp. Hiện toàn tỉnh mới có 42 mô hình sản xuất chè VietGAP với tổng diện tích khoảng 600ha/17.600ha.

Việc đầu tư phát triển cây chè vẫn là kinh tế hộ, chưa thu hút nhiều vốn trong và ngoài nước, đặc biệt là đầu tư cho chế biến. Các hoạt động  xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, thu hút đầu tư còn hạn chế. Việc quản lý nhãn hiệu tập thể “chè Thái Nguyên” còn lỏng lẻo, thiếu đồng bộ…
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, đơn vị sản xuất đã đánh giá hiện trạng, tiềm năng phát triển của cây chè. Tập trung phân tích những khó khăn, bất cập hiện nay trong sản xuất, chế biến chè an toàn; việc xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu “chè Thái Nguyên”, kết hợp giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè gắn với phát triển du lịch, văn hóa, lịch sử. Vai trò của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chính sách của Nhà nước đối với phát triển ngành chè tại Thái Nguyên nói riêng, Việt Nam nói chung cũng được đề cập.

Nhiều đề xuất, kiến nghị đã được các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, hộ sản xuất đưa ra, tập trung vào các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã sản xuất chè; kỹ thuật thâm canh – thu hái; khâu chế biến thành phẩm chè chất lượng cao. Cùng với đó là tăng cường liên kết trong sản xuất – chế biến – tiêu thụ các sản phẩm chè…  

Cuối chương trình hội thảo, Ban tổ chức đã tiến hành ký kết chương trình hành động 4 nhà: Nhà nước – Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp, hợp tác xã – Nhà nông, với mục tiêu phát triển bền vững ngành chè tỉnh Thái Nguyên trong những năm tiếp theo.