Đầu tư tăng trưởng vẫn thiếu xung lực

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù vốn đầu tư trong 5 tháng đầu năm đạt một số kết quả tích cực, tuy nhiên với...

Kinhtedothi - Mặc dù vốn đầu tư trong 5 tháng đầu năm đạt một số kết quả tích cực, tuy nhiên với mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn trong khi kim ngạch xuất khẩu giảm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp… đang đòi hỏi những xung lực mới cho đầu tư.

Gia tăng trở lại các nguồn vốn đầu tư

Trong nguồn vốn khu vực Nhà nước 5 tháng đầu năm, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước chiếm tỷ trọng cao nhất, tỷ lệ thực hiện của nguồn vốn này so với kế hoạch cả năm đạt khá (35,2%). Nguồn vốn đầu tư 5 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ (5,4%). Nguồn vốn ODA thực hiện giải ngân 5 tháng ước đạt 749 triệu USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ. Tiến độ cổ phần hóa được thúc đẩy để hút thêm vốn của các thành phần kinh tế khác.
Đường Vành đai 3 trên cao sử dụng vốn ODA đạt hiệu quả kinh tế cao.  	Ảnh: Nguyễn Hà
Đường Vành đai 3 trên cao sử dụng vốn ODA đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Nguyễn Hà
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cấp mới đạt 2,96 tỷ USD (giảm 19,4%), kể cả vốn đăng ký bổ sung đã đạt 4,3 tỷ USD (giảm 22%) nhưng lượng vốn giải ngân đạt 4,95 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 73,4%), tiếp đến là ngành kinh doanh bất động sản (chiếm 10,7%), các ngành còn lại chiếm 7,6%. Đây là tốc độ tăng khá, là tín hiệu để cả năm có thể đạt kỷ lục mới về vốn FDI thực hiện (kỷ lục đạt được trong năm trước là 12,35 tỷ USD), phù hợp với trào lưu tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài để tranh thủ cơ hội khi Việt Nam thực hiện 8 hiệp định thương mại tự do (FTA) truyền thống đã ký trước đây, đặc biệt là tham gia các FTA thế hệ mới…

Vốn đầu tư của khu vực DN có chuyển biến tích cực. Tính chung 3 tháng đầu năm có 36.055 DN đăng ký mới, với tổng số vốn đăng ký đạt 219,3 ngàn tỷ đồng, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước; có 8.610 lượt DN tăng vốn với số vốn đăng ký tăng thêm 261,3 ngàn tỷ đồng. Số DN quay trở lại hoạt động đạt 7.404, tăng 5,9%. Cộng 2 loại này đạt 43.459 DN. Trong khi đó, số DN hoàn thành thủ tục giải thể chấm dứt hoạt động là 3.884 và số DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động là 22.706. Vốn tín dụng có một phần quan trọng được dùng để đầu tư, trong 5 tháng đầu năm đã ghi nhận mức tăng khá hơn so với tốc độ tăng tương ứng của cùng kỳ 2 năm trước.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn

Tuy nhiên, về vốn đầu tư trong 5 tháng đầu năm cũng còn những hạn chế, bất cập, cần phải tăng xung lực mới cho đầu tư. Vốn đầu tư từ ngân sách còn đạt thấp so với kế hoạch năm và tăng thấp so với cùng kỳ năm trước, trong đó, một số bộ, ngành, lĩnh vực, tỉnh, TP còn đạt thấp và giảm so với cùng kỳ năm trước. Thu hút vốn FDI giảm mạnh về vốn đăng ký kể cả đăng ký mới và tăng thêm. Số DN hoàn tất thủ tục giải thể, số DN gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động còn lớn. Việc ra, vào thị trường trong cơ chế thị trường là bình thường, nhưng số DN ra khỏi thị trường hoặc tạm ngừng hoạt động với số lượng lớn, liên tục và kéo dài là không bình thường, cần phải rà soát để tháo gỡ khó khăn, bởi DN, doanh nhân là lực lượng xung kích trong kinh tế thị trường, trong việc phục hồi tăng trưởng.

Trong điều kiện CPI sau 5 tháng vẫn còn tăng thấp, tăng trưởng xuất khẩu chậm, trong điều kiện mở cửa, hội nhập ngày càng sâu rộng, cần phải tăng xung lực mới cho đầu tư phát triển để gia tăng nội lực. Do vậy, cần phải tạo điều kiện cho DN tiếp cận với vốn. Cùng một lúc cần phát triển các kênh huy động vốn qua thị trường chứng khoán, qua tín dụng và qua thị trường bảo hiểm. Cần mạnh dạn hơn trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ, trên cơ sở hạ tiếp lãi suất, tăng trưởng tín dụng mạnh hơn từ đầu năm, đẩy nhanh việc giải quyết nợ xấu, điểm nghẽn bất động sản… Đặc biệt, cần khai thác nguồn lực còn tồn đọng dưới dạng vàng, ngoại tệ ở trong dân cư.