Người dân bức xúc
Phản ánh đến Báo Kinh tế & Đô thị, nhiều người dân bức xúc trước tình trạng không ít tuyến đường được đầu tư hạ tầng hiện đại, vỉa hè rộng rãi lại biến thành nơi bày bán, trông giữ ô tô, lấn chiếm hết không gian của người đi bộ.
Đơn cử, tại vỉa hè đường Phạm Văn Đồng, nhiều khu vực như các số nhà 30, 269, 32B, 311, 168, 30A, 311, 211, 134, 26, 138,… bị chiếm dụng làm nơi tập kết ô tô.
Theo tìm hiểu của phóng viên, những phương tiện trên là của các showroom mua bán xe ô tô cũ và mới. Mỗi ngày, họ đưa xe ra vỉa hè để kinh doanh, buôn bán. Hoạt động này diễn ra từ sáng đến đêm.
Ghi nhận cho thấy, địa điểm kinh doanh xe này có không gian bên trong khá rộng. Tuy nhiên để chứa được hết số lượng xe bày bán, các cửa hàng này ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè của người đi bộ, bày 2 - 3 làn xe kín nhau. Khoảng cách đỗ giữa mỗi xe chỉ đủ để người đi bộ nghiêng người di chuyển qua.
Trên đường Phạm Hùng, thuộc phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, đơn vị kinh doanh xe ô tô Mercedes hay Toyota còn ngang nhiên kẻ vạch, chia ô để tập kết phương tiện. Tại đậy, còn bố trí người trông giữ, hướng dẫn người ra, vào xếp xe.
Anh Nguyễn Nam Phong, trú tại quận Bắc Từ Liêm chia sẻ: "Tuyến đường Phạm Văn Đồng được đầu tư xây dựng hiện đại với vỉa hè rộng rãi, cây xanh thoáng mát. Thế nhưng, vỉa hè tuyến đường này hàng ngày, hàng giờ lại bị chiếm dụng vào mục đích buôn bán, sửa chữa xe ô tô. Người đi bộ phải len lỏi qua những hàng xe đậu san sát nhau để di chuyển. Có những đoạn buộc phải đi dưới lòng đường".
Hay trên vỉa hè đường Lê Văn Lương đoạn giao với phố Hoàng Minh Giám đến phố Hoàng Đạo Thuý, toàn bộ vỉa hè cũng trở thành điểm trông giữ phương tiện của Hợp tác xã Thành Công. Tại đây, cả trăm phương tiện được tập kết mỗi ngày trong đó có cả khu vực dành để tập kết xe kinh doanh dịch vụ, xe khách. Mặc dù, vỉa hè khu vực này vừa được quận Thanh Xuân đầu tư sửa chữa với số tiền hàng chục tỷ đồng đầu tháng 3 vừa qua.
Được biết, quận Thanh Xuân đã tiến hành thu hồi giấy phép trông giữ của đơn vị này để thi công sửa chữa vỉa hè. Tuy nhiên, mỗi ngày cả trăm lượt ô tô lớn, nhỏ vẫn ngang nhiên di chuyển, tập kết trên vỉa hè tiền tỷ vừa mới được chỉnh trang, tu sửa.
Cách đó không xa, trên tuyến đường Hoàng Đạo Thuý, Hợp tác xã Thành công được cấp giấy phép trông giữ với diện tích 292m2 dưới lòng đường. Để tận dụng diện tích trông giữ, đơn vị này xếp xe đỗ ngang, một nửa trên vỉa hè, một nửa dưới lòng đường.
Anh Nguyễn Thế Tài, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: “Người dân chúng tôi buộc phải đi xuống lòng đường vì toàn bộ phần vỉa hè đã bị chiếm dụng hết làm chỗ đỗ xe. Vỉa hè liên tục được duy tu sửa chữa nhưng không phải để phục vụ việc đi lại của Nhân dân mà trở thành chỗ kiếm tiền bỏ túi riêng của một số cá nhân, tổ chức”.
Cách nào xử lý triệt để?
Trao đổi với phóng viên Kinh tế và Đô thị, đại diện Đội Thanh tra GTVT quận Thanh Xuân cho biết: “Chúng tôi thường xuyên phối hợp với công an địa phương tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm đối với những khu vực trông giữ phương tiện thực hiện không đúng với giấy phép. Hay những cá nhân, tổ chức dừng đỗ phương tiện trên vỉa hè lòng đường”.
Theo vị đại diện Đội Thanh tra giao thông vận tải quận Thanh Xuân, giữa tháng 4 vừa qua, Hợp tác xã Thành Công đã bị lực lượng này tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với các lỗi như: Trông giữ xe không đúng phần diện tích trong giấy phép và Chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để trông giữ phương tiện.
Đối với việc nhiều showroom ô tô tiến hành kẻ vạch, chia ô trên vỉa hè đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm để tập kết phương tiện, ông Hứa Đức Minh - Chủ tịch UBND phường Mỹ Đình 2 khẳng định: “Phần vỉa hè trước cửa showroom của Mercedes hay Toyota không hề được cấp phép trông giữ phương tiện. Chúng tôi sẽ yêu cầu các phòng, ban chuyên môn phối hợp với công an kiểm tra, xử lý ngay”.
Trao đổi với phóng viên, chỉ huy Đội Cảnh sát giao thông - trật tự (Công an quận Bắc Từ Liêm) cũng cho biết: “Đơn vị chúng tôi thường xuyên tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động tập kết phương tiện trên vỉa hè đường Phạm Văn Đồng. Nhiều trường hợp vi phạm đã bị lập biên bản xử lý”.
Mặc dù thường xuyên tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các trường hợp dừng đỗ, trông giữ xe trên vỉa hè, thế nhưng mỗi khi vắng bóng lực lượng chức năng, tình trạng này tái diễn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nguồn lợi từ hoạt động kinh tế vỉa hè rất lớn. Các đợt kiểm tra, giám sát chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn nên giống như việc “bắt cóc bỏ đĩa”, chốt trực xử lý chỗ này thì họ sang chỗ khác.
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia xã hội học, thạc sĩ Nguyễn Văn Dương nhấn mạnh: “Cần phải có sự vào cuộc, thống nhất từ trên xuống dưới, thực hiện kiên trì, liên tục chứ không phải ra quân vài đợt rồi bỏ bẵng. Cơ quan chức năng cũng cần tính toán các phương án xây dựng bãi trông giữ xe phù hợp thay vì chỉ đuổi, phạt”.
Theo vị chuyên gia này, quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt của Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định đã nêu rất rõ, trường hợp hành vi điều khiển xe ô tô đi trên hè phố (trừ trường hợp điều khiển xe đi qua vỉa hè để vào nhà) sẽ bị xử phạt 4 - 6 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng. Đối với hành vi vi phạm “đỗ, để xe ở hè phố trái quy định của pháp luật”, tài xế điều khiển ô tô sẽ bị xử phạt từ 800.000 - 1 triệu đồng.
“Quy định pháp luật đã có và rất rõ ràng, những chiếc xe dừng đỗ nhiều ngày, nhiều giờ đồng hồ, lực lượng chức năng chỉ cần có mặt là xử phạt được ngay. Thế nhưng công tác xử phạt lại chưa đem lại hiệu quả cao. Do đó, cần quy trách nhiệm với người đứng đầu quản lý khu vực đối với việc để xảy ra nghịch lý ô tô đỗ trên vỉa hè còn người đi bộ phải di chuyển dưới lòng đường” – thạc sĩ Nguyễn Văn Dương đề xuất.