Song, để từng bước đáp ứng nhu cầu tại chỗ và đạt mục tiêu xuất khẩu trong tương lai, Hà Nội đã và đang đầu tư mạnh cho các mô hình sản xuất hoa, cây cảnh ứng dụng công nghệ cao.
Hình thành vùng sản xuất tập trung
Số liệu thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, hiện nay, toàn TP có 50 vùng sản xuất hoa, cây cảnh tập trung với quy mô 20ha/vùng. Mỗi năm, cung ứng cho thị trường trên 1 tỷ cành hoa, gần 1 triệu chậu hoa và trên 1 triệu cây cảnh các loại. Đặc biệt, từ năm 2013, sản lượng hoa chất lượng cao tăng nhanh, cung cấp cho thị trường từ 200 - 250 triệu cành hoa chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng hoa của Thủ đô và một số vùng phụ cận. Năm 2015, hiệu quả kinh tế từ sản xuất hoa, cây cảnh cao hơn 30% so với năm 2010, với doanh thu đạt từ 250 - 300 triệu đồng/ha/năm.
Hiện nay, trên địa bàn TP có 2.700ha hoa, cây cảnh. Trong đó, gần 70% được trồng tập trung tại các địa phương: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Mê Linh, Tây Hồ, Đan Phượng, Thường Tín, còn lại được trồng phân tán tại các quận, huyện khác. Về tiêu thụ sản phẩm, khoảng 85% sản lượng hoa, cây cảnh của Hà Nội được tiêu thụ trên địa bàn TP, 15% sản lượng được tiêu thụ tại các địa phương khác và xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, hoa chủ yếu vẫn được tiêu thụ qua các thương lái. Sau khi thu mua hoa tại ruộng, thương lái đem bán tại các chợ bán buôn, các cửa hàng hoa tươi và chợ dân sinh trong TP. Rất ít DN đầu tư liên kết sản xuất, tiêu thụ hoa với nông dân.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, hạn chế lớn nhất hiện nay của Hà Nội là việc trồng hoa ở nhiều địa phương vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và phương pháp nhân giống truyền thống. Bên cạnh đó, hàm lượng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hoa còn thấp nên chất lượng sản phẩm chưa cao, khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Về cơ bản, giống hoa vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài, trong khi công nghệ thu hái, xử lý, đóng gói hoa vẫn chưa được quan tâm dẫn đến chất lượng hoa thành phẩm bị giảm sút.
Cần chính sách ưu đãi
Bà Vũ Thị Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho rằng, ảnh hưởng của tốc độ đô thị hóa là nguyên nhân chính làm thu hẹp nhiều diện tích trồng hoa, cây cảnh truyền thống của TP như Tây Hồ, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Mê Linh. Cùng với đó là chi phí đầu tư sản xuất hoa, cây cảnh lớn nhưng tính rủi ro cao nên nông dân, DN chưa mạnh dạn đầu tư cho loại nông sản đặc biệt này. Vì vậy, để phát triển hoa, cây cảnh bền vững, thời gian tới, TP cần có chính sách đủ mạnh để thu hút các DN đầu tư vào sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô và xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là các chính sách ưu đãi về đất đai và vốn vay cho các nhóm hộ, HTX tham gia sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh ứng dụng công nghệ cao.
Được biết, để đạt mục tiêu theo Đề án "Phát triển sản xuất hoa, cây cảnh TP Hà Nội giai đoạn 2012 – 2016", Sở NN&PTNT Hà Nội đang tập trung xây dựng các mô hình hộ, trang trại sản xuất cây giống và hoa thương phẩm với các chủng loại hoa có giá trị kinh tế cao. Từ nay đến hết năm 2016, Sở sẽ hoàn thành việc xây dựng vùng sản xuất hoa hồng chất lượng cao, quy mô 170ha tại xã Văn Khê, huyện Mê Linh, với giá trị sản xuất đạt từ 400 – 500 triệu đồng/ha/năm. Đồng thời, từng bước định hình vùng sản xuất tập trung hoa ly, hoa lan tại các huyện Sóc Sơn, Thạch Thất, Phúc Thọ; vùng sản xuất hoa đào với quy mô 20ha tại quận Long Biên.
Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương đầu tư xây dựng mô hình sản xuất hoa, cây cảnh ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối DN với nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất – tiêu thụ hoa, cây cảnh, trong đó đề cao việc cùng chịu trách nhiệm theo cơ chế thị trường. Ông Ngô Đại Ngọc Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội |