Đầu tư vốn Nhà nước phải đúng mục tiêu, tránh dàn trải, lãng phí

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 17/4, Ủy ban Thường vu (UBTV) Quốc hội đã thảo luận về Luật Đầu tư và quản lý vố...

Kinhtedothi - Chiều 17/4, Ủy ban Thường vu (UBTV) Quốc hội đã thảo luận về Luật Đầu tư và quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Đây được nhận định là một dự luật khó và dễ trùng lắp với nhiều luật khác, nên rất cần những quy định cụ thể để đảm bảo quản lý hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, hiện việc phân công, phân cấp quản lý vốn và tài sản tại các doanh nghiệp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước còn chồng chéo, không rõ phạm vi; dẫn đến khó xác định trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm... Dự án Luật sẽ quy định các nguyên tắc đối với công tác quản lý Nhà nước về đầu tư và quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp như xây dựng chiến lược phát triển, thanh tra, kiểm tra... Đồng thời, quy định các hành vi bị cấm trong lĩnh vực đầu tư và quản lý vốn Nhà nước như quyết định đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp không đúng phạm vi, thủ tục, trình tự, vượt thẩm quyền…

 
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
Tuy nhiên, khi nhận định về Dự thảo, nhiều thành viên UBTV Quốc hội cho rằng: Dự thảo Luật vẫn quy định quá chung chung về đại diện chủ sở hữu Nhà nước. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng: Cần làm rõ hơn trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu của các cấp đối với tài sản của Nhà nước tại các doanh nghiệp vì hiện đang có quá nhiều chủ thể: Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng, UBND các cấp, hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc...

Nhấn mạnh đến hiệu quả của việc đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, Luật nói nguyên tắc "điều tiết nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô trong từng giai đoạn, phục vụ quốc phòng, an ninh và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng XHCN" thực ra chính là mục tiêu. Tuy nhiên, cần bổ sung các mục tiêu "giảm bớt, hạn chế mặt trái, tiêu cực của nền kinh tế thị trường" và "hiệu quả, lợi nhuận".

Đồng ý với nguyên tắc "đầu tư vốn Nhà nước phải đúng mục tiêu, tránh dàn trải, lãng phí, thất thoát; bảo toàn và gia tăng giá trị vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; cũng như đảm bảo công khai, minh bạch trong đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp", Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển và nhiều thành viên UBTV Quốc hội đề nghị bổ sung nguyên tắc "đúng phạm vi", "đúng quy hoạch, kế hoạch" và "bảo toàn vốn". Đồng thời cho rằng, để quản lý loại vốn và tài sản này, phải có một hệ thống tiêu chí, khung pháp lý, tiêu chuẩn cứng, "ranh giới đỏ" để quản lý vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp, nhưng Dự thảo Luật vẫn còn thiếu...

Cho rằng số lượng doanh nghiệp Nhà nước hiện đang quá nhiều, đầu tư vào những lĩnh vực mà Nhà nước không cần đầu tư, trong khi đang có những thành phần kinh tế khác cùng phát triển, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề xuất: Khi thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, ở những nơi vốn Nhà nước đang chi phối 51 - 100% nhưng là lĩnh vực không cần Nhà nước phải đầu tư, nên cổ phần hóa hết; ở những nơi vốn Nhà nước chỉ 5 - 10% nhưng là lĩnh vực cần Nhà nước đầu tư, nên nâng lên để chi phối. Dự thảo Luật này phải giải quyết được câu chuyện đó mới thực sự cần thiết và phát huy hiệu quả trong quản lý và điều phối vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp.

Cùng ngày, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến Nghị định về hoạt động kinh doanh casino, trong đó có vấn đề cho phép người Việt Nam đủ điều kiện vào chơi casino.
Sáng 17/4, cho ý kiến về quyết toán ngân sách năm 2012, các thành viên UBTV Quốc hội cho rằng, công tác thu ngân sách năm 2012 không đạt dự toán được Quốc hội quyết định.  UBTV Quốc hội đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn nguyên nhân và biện pháp xử lý đối với vấn đề nợ và thất thu thuế, chậm trễ trong hoàn thuế giá trị gia tăng, thất thu từ nguồn thuế doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu hay khoản bội chi cho lĩnh vực y tế, giáo dục, thất thoát trong vấn đề xây dựng cơ bản...