Đầu vào của doanh nghiệp là thước đo chất lượng trường nghề

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gắn kết giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với DN chính là giải pháp đột phá để nâng cao hiệu quả của đào tạo nghề. Từ hợp tác nhà trường – DN đã giúp cho công tác tuyển sinh của nhiều trường cao đẳng (CĐ), trung cấp (TC) trên địa bàn Hà Nội đạt kết quả tốt.

Học sinh trường Trung cấp nghề Nấu ăn - Nghiệp vụ du lịch và Thời trang Hà Nội đang trình diễn tay nghề tại Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: Thủy Trúc
Nhiều trường vượt chỉ tiêu, chất lượng tốt
Từ trung tuần tháng 9, công tác tuyển sinh năm học 2019 – 2020 của nhiều trường CĐ, TC trên địa bàn Hà Nội đã cơ bản hoàn tất với chất lượng đầu vào hơn hẳn năm trước. Phó Hiệu trưởng trường CĐ nghề Bách khoa Hà Nội Dương Đức Hồng thông tin: Mùa tuyển sinh này, nhà trường nhận được trên 4.500 hồ sơ đăng ký xét tuyển. Năm nay, trường đổi mới công tác xét tuyển theo nguyện vọng (NV) của từng nghề. Em nào trượt NV 1 thì phải chờ đến khi nhà trường xét tuyển NV2. Nhà trường đã tổ chức nhập học và khai giảng cho 2.300 sinh viên, tuyển vượt 300 chỉ tiêu để khi kết thúc học kỳ 1 sẽ sàng lọc những em có kết quả học tập không đạt yêu cầu.

Nếu nhà trường không thay đổi chất lượng đào tạo thì khó có thể tiếp cận được thị trường lao động cũng như các yêu cầu mà nhà sử dụng lao động cần trong thời đại hiện nay, nhất là khi cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang phát triển mạnh mẽ. Cần có sự gắn kết giữa đào tạo và tuyển dụng, để nguồn cung của các trường đảm bảo yếu tố kỹ năng nghề và giao tiếp trong công việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin.

Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Hiện, nhiều trường CĐ và TC khác trên địa bàn tuyển sinh đạt kế hoạch đề ra như trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội, CĐ nghề Cơ điện Hà Nội, TC nghề Cơ khí 1 Hà Nội, TC nghề Tổng hợp Hà Nội, TC nghề Nấu ăn – Nghiệp vụ du lịch và Thời trang Hà Nội... Năm nay, với số lượng hồ sơ đăng ký vượt tới 1,5 lần tổng chỉ tiêu nên các cơ sở GDNN có điều kiện lựa chọn những sinh viên có điểm đầu vào khá cao. Ông Nguyễn Văn Huy – Phó Hiệu trưởng trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội cho biết, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường là 1.200. Nhà trường nhận được 1.800 hồ sơ đăng ký, nay đã tuyển được gần 1.200 chỉ tiêu và sẽ xét tuyển thêm 100 – 200 em.
Năm nay, chất lượng đầu vào cao hơn hẳn so với năm trước, rất nhiều thí sinh đạt trên 5 điểm/môn, khá đông các em đạt hơn 8 điểm/môn. Nhiều thí sinh trúng tuyển đại học nhưng lựa chọn học CĐ để ra trường có việc làm ngay, thu nhập khá. Trường CĐ nghề Cơ điện Hà Nội cũng tuyển được hơn 1.000 sinh viên, đạt chỉ tiêu đề ra, trong 96% sinh viên CĐ tốt nghiệp THPT với số điểm khá cao và khoảng 50% học sinh TC tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, trường TC nghề Cơ khí I Hà Nội cũng tuyển chọn được 936 trên tổng số 970 chỉ tiêu...
Đẩy mạnh hợp tác nhà trường – doanh nghiệp
Sở dĩ các trường CĐ và TC thu hút được nhiều học sinh đăng ký xét tuyển là bởi đã chú trọng truyền thông để nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của GDNN. Nhiều gia đình cũng đã xác định cho con học nghề với thời gian ngắn, ra trường đi làm ngay có thu nhập khá. Bên cạnh các nghề chính quy, năm nay các trường còn có chương trình quốc tế theo tiêu chuẩn của Đức để đào tạo nhân lực chất lượng cao thu hút nhiều học sinh đăng ký. Đặc biệt, một giải pháp hết sức quan trọng đang được ngành LĐTB&XH Hà Nội chỉ đạo các cơ sở GDNN thực hiện, đó là nhà trường gắn kết với DN.
Theo Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Thị Thanh Nhàn, hoạt động ký kết hợp tác giữa nhà trường và DN đã được các cơ sở GDNN triển khai nhiều năm nhưng năm 2018 và 2019 có quy mô lớn và nhân rộng. Đặc biệt năm 2019, ngành LĐTB&XH Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Gắn kết GDNN với thị trường lao động với quy mô lớn. Tại đây, các cơ sở GDNN đã ký kết hợp tác với nhiều DN trong đào tạo và tiếp nhận học sinh, sinh viên đến thực tập, tuyển dụng. Hoạt động này đã lan tỏa sâu rộng đến các cơ sở GDNN khác trên địa bàn Thủ đô.
Cách đây ít ngày, Sở LĐTB&XH Hà Nội tiếp tục tổ chức cho 17 cơ sở GDNN ký kết với Công ty CP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (chuyên kinh doanh ẩm thực) cũng nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ hơn trong các nhà trường. Các cơ sở GDNN sẽ phải lấy người học làm trung tâm, lấy tiêu chuẩn đầu ra của nghề nghiệp, của thị trường làm trọng tâm cho công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo. Vì thế, trong năm nay đã có 512 DN ký kết với nhà trường và sẽ được tiếp tục trong thời gian tới.
Từ hoạt động kết nối nhà trường - DN đã giúp cho công tác tuyển sinh của các cơ sở GDNN ngày càng tốt hơn. Bà Nhàn cho biết: "Năm 2018, ngành LĐTB&XH Hà Nội đặt chỉ tiêu tuyển khoảng 180.000, thì đã đạt 214.405 học sinh, sinh viên. Năm 2019, chúng tôi đặt chỉ tiêu 205.000 và kỳ vọng đạt vượt kế hoạch. Tín hiệu đáng mừng đối với các cơ sở GDNN công lập do ngành quản lý trực tiếp, đó là tất cả những chỉ tiêu tuyển sinh giao cho các trường đều đã vượt 15 – 20%...”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần