Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dầu WTI và Brent có thêm tuần rớt giá

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù 2 phiên giao dịch cuối tuần có chiều hướng tăng, nhưng giá dầu WTI và Brent đã không thể phục hồi hoàn toàn sau cú trượt dài trước đó.

Bước vào phiên giao dịch đầu tuần giá dầu cho thấy thị trường đầy biến động. Có thời điểm, trong phiên giao dịch ngày 20/6, cả hai mặt hàng Brent và WTI cùng giảm, cùng tăng, thậm chí trái chiều. Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch, giá dầu đã đánh dấu mức tăng do nguồn cung thắt chặt bởi tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Giá dầu tiếp đà tăng ở phiên hôm sau do nhu cầu nhiên liệu mùa hè cao, trong khi nguồn cung vẫn thắt chặt bởi các lệnh trừng phạt đối với dầu của Nga.

Sau 2 lần nhích nhẹ, giá dầu đã có phiên giảm khoảng 3% hôm 22/6, do các nhà đầu tư lo ngại việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái, làm giảm nhu cầu về nhiên liệu.

Giá dầu Brent đã tụt xuống mốc 111,74 USD/thùng, WTI xuống 106,19 USD/thùng. Điều đáng chú ý là trong phiên giao dịch ngày 22/6, có thời điểm, giá dầu Brent chỉ còn 107,03 USD/thùng và giá dầu WTI là 101,53 USD/thùng.

Cũng trong ngày 22/6, Reuters trích dẫn số liệu của Viện dầu khí Mỹ (API) cho thấy dự trữ dầu thô của quốc gia này tăng khoảng 5,6 triệu thùng trong tuần trước, dự trữ xăng tăng 1,2 triệu thùng, trong khi dự trữ sản phẩm chưng cất giảm khoảng 1,7 triệu thùng.

Đà trượt dốc của giá dầu được kéo dài sang ngày 23/6 sau phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell, rằng việc Fed tập trung vào kiềm chế lạm phát là vô điều kiện, và thị trường lao động phát triển mạnh một cách không bền vững.

Giá dầu đã tăng trở lại quanh mốc 3% trong phiên cuối của tuần giao dịch do lo ngại nguồn cung thiếu hụt. Tuy nhiên, sự tăng giá này của “vàng đen” chưa đủ để khiến giá dầu phục hồi sau 2 phiên trượt dốc khá dài trước đó.

Dầu WTI đã ghi nhận mức giảm hằng tuần lần thứ hai liên tiếp; dầu Brent dường như không đổi, vẫn giữ mức giá là 113,12 USD/thùng của kết thúc phiên tuần trước. Tuần tới, Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) sẽ đưa ra số liệu chính thức về dự trữ dầu, sau khi trì hoãn công bố bởi các vấn đề kỹ thuật.

Cũng trong tuần tới, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) sẽ nhóm họp để quyết định có tiếp tục bám sát kế hoạch tăng sản lượng vào tháng 8, với hy vọng giảm giá dầu thô và lạm phát hay không. Giá dầu tuần tới chắc chắn sẽ tiếp tục dao động quay quanh những tin tức nói trên.