Nhưng nhiều bậc phụ huynh lại cho rằng, việc giáo dục giá trị sống cho con là khách sáo, nên rất ngại ngần khi dạy con phải biết sống có lý tưởng, bao dung, độ lượng, cảm thông với mọi người. Trong khi đó, chính những đứa con lại rất phân vân khi không biết những hành vi của mình thế nào là hư, không ai bảo trẻ vì sao phải làm thế này và không được làm thế kia.
Theo một kết quả nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý giáo dục, về yếu tố gia đình ảnh hưởng và tác động mạnh nhất đến định hướng giá trị nhân cách của học sinh cho thấy, có tới 86% số học sinh được hỏi cho rằng các em học hỏi và tiếp nhận những kỹ năng sống, cách giao tiếp, cách ứng xử xã hội từ bố mẹ và các thành viên trong gia đình. 55% số học sinh nói rằng bố mẹ, ông bà, anh chị mình chính là biểu tượng, hình mẫu cho sự phấn đấu và hoàn thiện nhân cách. Tuy nhiên, chính những người lớn trong gia đình lại ít dành thời gian dạy các em những kỹ năng sống cần thiết, ngay cả những kỹ năng tự chăm sóc và phục vụ bản thân mình.
Nhiều người trẻ “sợ” vào đời vì không hoặc chưa đủ tự tin để đối diện với cuộc sống và mơ hồ về việc giá trị sống. Đừng bao giờ để trẻ “tự do” phát triển nhân cách, các em cũng không phải là người lớn thu nhỏ lại, là kết luận các chuyên gia đưa ra. Gia đình hãy dìu dắt để trẻ lĩnh hội được những bài học đầu tiên về ngôn ngữ, hành vi ứng xử và những quy tắc đạo đức phù hợp. Bởi ranh giới giữa hành vi ngoan và hư của trẻ đôi khi rất mong manh khi trẻ không hiểu được giá trị thật của việc mình làm. Do đó, việc giáo dục giá trị sống cho trẻ là việc làm cực kỳ cấp thiết. Chỉ khi trẻ hiểu được giá trị của sự cảm thông, bao dung, độ lượng… sẽ hiểu được một con người tốt là biết yêu thương và không bao giờ muốn có hành vi làm tổn thương người khác.
Nhà trường cũng vào cuộc đẩy mạnh hơn nữa việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, nhà nhà đua nhau cho con đến các trung tâm dạy kỹ năng sống với mong muốn con mình có được kiến thức cần thiết định hình giá trị sống. Nhưng đúng như các chuyên gia tâm lý đã nói, giá trị sống hay kỹ năng sống không phải cứ học là có, mà là quá trình tích lũy và hình thành nhân cách và việc đó phải bắt đầu từ mỗi gia đình. Như vậy, gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến sự lựa chọn các giá trị của các em, trước hết là từ nhân cách của bố mẹ, anh chị em, cách thức giáo dục và chăm sóc. Việc xây dựng một lối sống, sự quan tâm đúng mực của gia đình và sự gương mẫu của bố mẹ là điều kiện cần thiết để hình thành định hướng giá trị nhân cách đúng đắn của các em. Đúng như xưa kia cha ông ta đã từng đúc rút kinh nghiệm bằng những câu thành ngữ “Dạy con từ thuở còn thơ...”. Nhưng thật tiếc, điều ấy lại đang bị không ít gia đình bỏ qua.